Tiếp cận quá dễ làm giảm hiệu quả phòng chống tác hại của thuốc lá

Theo Thùy Linh/laodong.vn

Sau 5 năm, tỉ lệ nam giới hút thuốc ở Việt Nam đã giảm từ 45,3% (năm 2015) xuống 42,3% (năm 2020). Tỉ lệ hút thuốc lá thụ động tại một số địa điểm cũng giảm so với các số liệu thống kê năm 2015.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh- Bộ Y tế. Ảnh: Thùy Linh/laodong.vn
PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh- Bộ Y tế. Ảnh: Thùy Linh/laodong.vn

Ngày Thế giới không thuốc lá (31/5) và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá năm 2022 do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Bộ Y tế phát động có chủ đề: "Thuốc lá - mối đe dọa tới môi trường của chúng ta".

Cảnh báo tác hại của thuốc lá đối với sức khoẻ, PGS., TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết thuốc lá đang là nguyên nhân chính gây nên các bệnh tật có tỉ lệ tử vong cao hàng đầu trên thế giới.

Bên cạnh tác hại về sức khỏe, thuốc lá còn làm tổn hại tới kinh tế của mỗi gia đình, cũng là nguyên nhân của những vụ cháy nổ lớn làm ảnh hưởng cuộc sống xã hội của người dân.

Cũng theo PGS. Khuê, thời gian qua nhiều hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá đã được đẩy mạnh và một trong những nhóm giải pháp hàng đầu là giải pháp về truyền thông.

Các giải pháp nhằm đưa ra mục tiêu môi trường không khói thuốc tại nhà trường, bệnh viện, công sở, phương tiện giao thông… Trong đó, hướng dẫn triển khai các hoạt động theo quy định của luật - không được hút thuốc ở nơi đông người, công cộng, trong nhà, đặc biệt có các đối tượng yếu thế, phụ nữ có thai, trẻ em…

Sau 5 năm, tỉ lệ nam giới hút thuốc đã giảm từ 45,3% (năm 2015) xuống 42,3% (năm 2020). Tỉ lệ hút thuốc lá thụ động tại một số địa điểm cũng giảm so với năm 2015 như: Nơi làm việc, giảm từ 42,6% xuống 30,9%; tại nhà giảm từ 59,9% xuống 56%, tại nhà hàng giảm từ 80,7% xuống 78,1%; tại quán bar, cà phê, trà giảm từ 89,1% xuống 86,2%.

Theo đại diện Bộ Y tế, dù tỉ lệ dùng thuốc lá ở nước ta có giảm nhưng vẫn còn cao, các sản phẩm thuốc lá mới xuất hiện như thuốc lá điện tử, thuốc lá không đốt nóng, shisha...

Tỉ lệ hút thuốc trong thanh thiếu niên Việt Nam gia tăng nhanh chóng. Thuế thuốc lá của Việt Nam còn rất thấp. Thuế thuốc thấp làm giá thuốc lá rẻ, từ đó làm tăng khả năng tiếp cận và mua thuốc lá của thanh thiếu niên và người nghèo.

"Hiện nay, cảnh báo sức khỏe in trên bao bì thuốc lá đã thực hiện 5 năm nhưng chưa thay đổi về hình ảnh và nội dung. Diện tích cảnh báo bằng hình ảnh trên bao bì thuốc lá hiện nay chỉ là 50% còn nhỏ so với các nước như Lào, Brunei và Myanmar là 75%.

Khả năng người Việt tiếp cận với các sản phẩm thuốc lá còn rất dễ dàng do thuốc lá bày bán khắp nơi. Chính những nguyên nhân này đã làm giảm hiệu quả của công tác phòng chống tác hại thuốc lá"- đại diện Bộ Y tế lo ngại.

Tiến sĩ Socorro Escalante - quyền đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết theo thống kê, khói thuốc chứa hơn 7.000 chất hóa học và hơn 70 chất gây ung thư.

Sử dụng thuốc lá gây ra hơn 8 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm, trong đó hơn 7 triệu người tử vong do hút thuốc lá trực tiếp và khoảng 1,2 triệu người tử vong do hút thuốc lá thụ động.

Để giảm tỉ lệ hút thuốc lá, WHO cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện Công ước khung của WHO về Kiểm soát Thuốc lá và Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá. WHO cũng khuyến nghị đánh thuế thuốc lá cao hơn để khuyến khích người hút thuốc cai thuốc lá và ngăn thanh niên bắt đầu hút thuốc.