Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ:

Tiếp tục đánh giá, làm rõ việc ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ

Việt Hoàng (T/h)

Tại phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cần tiếp tục đánh giá làm rõ việc ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ, kiểm soát lạm phát.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, NSNN
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, NSNN

Điểm lại một số vấn đề cần tiếp tục đánh giá làm rõ, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan phải bám sát và các nghị quyết của Quốc hội như: Nghị quyết số 32/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; Nghị quyết chung của kỳ họp Quốc hội về vấn đề phòng, chống dịch COVID-19; Nghị quyết số 43/2022/QH15 về gói chính sách tài khóa và tiền tệ và các nghị quyết khác của Quốc hội về các kế hoạch trung hạn 5 năm để đánh giá tình hình triển khai hiện nay.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng, cần tiếp tục đánh giá làm rõ việc ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ, kiểm soát lạm phát trước tình hình diễn biến bất thường của thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp. Đồng thời, cần phải đánh giá, phân tích kỹ lưỡng các vấn đề của thị trường chứng khoán. Chủ tịch Quốc hội lưu ý, về đánh giá tác động của trái phiếu doanh nghiệp khi để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển quá nóng.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị báo cáo làm rõ việc triển khai thực hiện cơ cấu lại các lĩnh vực liên quan đến sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, các cân đối lớn của nền kinh tế nhất là cân đối về năng lượng, cân đối về điện, tình hình cung ứng xăng dầu.

Liên quan đến đánh giá tình hình NSNN, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ vượt thu NSNN tăng cao hơn nhiều lần so với số đã báo cáo Quốc hội, đây là điểm đáng mừng khi ngân sách tăng thu. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần phân tích lý giải cho số liệu vượt thu này, phân tích tính chất không bền vững của các khoản thu này khi chủ yếu tăng thu từ khai thác tài nguyên và thu từ đất; làm rõ vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương ngày càng giảm đi; giải ngân đầu tư công vẫn tiếp tục có khó khăn, nhất là tình hình giải ngân vốn ODA, chỉ đạt có 32,8% dự toán, cần làm rõ nguyên nhân do đâu.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các báo cáo cập nhật, nêu rõ số liệu để đại biểu Quốc hội được biết. Trong đó, phân tích cho việc triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 thành một mục riêng, triển khai các chính sách kích thích kinh tế, đánh giá các mặt triển khai các mặt từ y tế, giáo dục, đầu tư công, khả năng giải ngân, việc bảo đảm mục tiêu tăng trưởng khi có gói kích thích kinh tế được ban hành...

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhìn nhận, thị trường vốn, thị trường tiền tệ và thị trường bất động sản là thông nhau. Hiện nay, thị trường bất động sản chưa tiếp cận đến cầu thực sự, bên cạnh đó cung - cầu hiện nay không thực tế, do đó việc đầu cơ, việc mua bán, găm giữ còn chưa phản ánh thật, mà vốn chảy vào đây cũng còn nhiều vấn đề, kể cả thị trường vốn và thị trường tiền tệ.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, để giải quyết những bất cập lớn trên, mới đây Chính phủ khi phát hiện đã có đánh giá, chỉ đạo các ngành, các cấp kiểm soát được tình hình, không ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô, đặc biệt là những chỉ tiêu lớn, kiểm soát lạm phát, cân đối lớn...

Phó Thủ tướng cũng cho biết, Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính, đang xin ý kiến Bộ Tư pháp thẩm định, để sửa Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về chào bán và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Lãnh đạo Chính phủ cũng cho rằng thị trường vốn rất quan trọng trong định hướng kinh tế thị trường, bởi vì đây là một kênh vốn trung và dài hạn, trong khi thị trường tiền tệ ngắn hạn là không đáp ứng được.

Chính phủ cũng đã tổ chức hội nghị về thị trường vốn, nêu rõ thông điệp làm lành mạnh hóa thị trường, không để sai phạm của một thiểu số làm ảnh hưởng đến đa số các nhà đầu tư làm ăn chân chính, không hình sự hóa quan hệ dân sự - kinh tế. Sự vào cuộc khẩn trương của Chính phủ, bằng những hành động và thông điệp cụ thể, đã nhận được những tín hiệu phản hồi tích cực của thị trường, nhà đầu tư, doanh nghiệp và đang bước đầu có hiệu quả.