An ninh tài chính và sự phát triển bền vững nền kinh tế

BD

Hội nghị quốc tế Diễn đàn các Công ty quản lý tài chính tài sản công quốc tế (IPAF) lần thứ 4 do Công ty Mua bán Nợ Việt Nam (Bộ Tài chính) phối hợp với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Công ty Quản lý tài sản Hàn Quốc (KAMCO) diễn ra ngày 15/11, tại Hà Nội,

Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải; ông Eric Sidwick - Giám đốc ADB tại Việt Nam; ông Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cùng đại diện các bộ, ngành, thành viên IPAF, Ngân hàng Thế giới, đại diện Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI).

An ninh tài chính và sự phát triển bền vững nền kinh tế - Ảnh 1
Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải.

Xử lý nợ xấu, đảm bảo an ninh tài chính

Tại hội nghị, Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải ghi nhận và đánh giá cao kết quả đạt được của Diễn đàn IPAF trong thời gian qua đã góp phần củng cố an ninh tài chính các quốc gia.

Đối với Việt Nam, Thứ trưởng cho biết, Chính phủ đã dành nhiều sự quan tâm và đưa ra những quyết sách đối với công tác xử lý nợ, gắn xử lý nợ với thực hiện đồng bộ việc tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trong tổng thể chương trình tái cơ cấu nền kinh tế quốc gia, giữ vững sự ổn định của hệ thống tài chính.

Theo Thứ trưởng, về cơ chế, chính sách pháp luật, Việt Nam đã quy định khá đầy đủ để điều chỉnh một cách toàn diện từ việc thành lập, tổ chức, chấm dứt hoạt động đối với các loại hình doanh nghiệp nói chung và các tổ chức tín dụng nói riêng cũng như việc xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự, thương mại, trong đó có mua bán nợ xấu. Hiện nay, Việt Nam có 2 tổ chức là DATC và VAMC thời gian qua đã cùng nhau tạo thành hệ công cụ xử lý nợ quan trọng, hiệu quả của Chính phủ.

“Thông qua Diễn đàn IPAF, Việt Nam thể hiện quyết tâm tiếp tục tăng cường phối hợp với các quốc gia thành viên trong ứng phó với những biến động, nhằm mang tới sự ổn định và phát triển bền vững cho nền kinh tế quốc gia và khu vực” - Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải nhấn mạnh.

Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải cho rằng, các kinh nghiệm quý báu của các chuyên gia, các nhà quản lý, các diễn giả đến từ ADB, các quốc gia thành viên của IPAF và các chuyên gia kinh tế quốc tế và Việt Nam sẽ góp phần quan trọng trong việc đánh giá, đề xuất các khuyến nghị chính sách để tăng cường hơn nữa sức mạnh an ninh tài chính của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới đối phó với khủng hoảng.

Theo ông Lê Hoàng Hải - Chủ tịch HĐTV DATC cho biết, IPAF lần thứ 4 được tổ chức với mục tiêu chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia, các nhà quản lý tại các phiên thảo luận về những nội dung quan trọng trong xây dựng chiến lược, phát triển thị trường mua bán nợ, tái thiết các tổ chức tài chính tín dụng và nền kinh tế. Thông qua đó góp phần đưa IPAF trở thành diễn đàn quốc tế cởi mở, là nền tảng đem lại thành công trong xử lý nợ xấu, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia và khu vực.

Tăng cường hợp tác quốc tế trong xử lý nợ xấu

Tại Hội nghị, ông Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, tại Việt Nam việc giải quyết nợ xấu vẫn còn thiếu thị trường mua bán nợ hiệu quả để thu hút các nguồn lực. Vì thế, diễn đàn là sự kiện quan trọng nhằm học hỏi kinh nghiệm đa dang hóa việc xử lý nợ xấu, phát triển thị trường mua bán nợ.

Giám đốc ADB tại Việt Nam Eric Sidgwic.
Giám đốc ADB tại Việt Nam Eric Sidgwic.

Nhấn mạnh vai trò của IPAF, ông Eric Sidgwic, Giám đốc ADB tại Việt Nam cho rằng: Hội nghị IPAF lần thứ 4 với chủ đề “Củng cố an ninh tài chính châu Á và giải pháp thực hiện” được đưa ra trong bối cảnh các điều kiện tài chính ở châu Á cũng như các quốc gia có nền kinh tế mới nổi là chủ đề nóng trong những năm qua, đặc biệt, với những chi phí tài chính khi tỉ suất của đồng đô la Mỹ tăng lên, cũng như căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ.

Việc kết hợp các điều kiện tài chính khó khăn ở châu Á cũng như những chỉ số tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chậm lại, đòi hỏi phải củng cố an ninh tài chính châu Á, tạo dư địa để chống chọi với cú sốc từ bên ngoài. Kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng năm 2008 cũng đòi hỏi cần quản lý tốt hơn tài chính quốc gia nhằm ứng phó với rủi ro mang tính hệ thống. Chính vì vậy, diễn đàn IPAF sẽ giúp tăng kết nối, nhận biết các dấu hiệu của sự bất ổn, sẵn sàng đối phó với khủng hoảng nếu xảy ra.

“Các thành viên IPAF cần phải xây dựng cách ứng phó liên quan tới quản lý tài sản bởi khi xem xét, tác động nợ xấu có hiệu ứng lan tỏa domino giữa các nước. Sự kết nối đang gia tăng trên thị trường tài chính châu Á với kết nối toàn cầu, những tổn thương tài chính của một quốc gia có thể lan sang quốc gia khác. Đòi hỏi phải có cơ chế điều phối và phải có ứng phó xuyên biên giới để giảm thiểu những rủi ro, tác động này" - ông Eric Sidgwic, Giám đốc ADB nhấn mạnh.

An ninh tài chính và sự phát triển bền vững nền kinh tế - Ảnh 2
Quang cảnh Hội nghị.

Diễn đàn IPAF là sáng kiến được đề xuất tại Hội nghị quốc tế về phát triển ngành tài chính toàn cầu do Bộ Tài chính Việt Nam phối hợp với ADB và KAMCO tổ chức tại Hà Nội năm 2012.

Đến nay, IPAF có 13 thành viên, gồm 9 thành viên chính thức và 4 thành viên liên kết. Trong đó thành viên chính thức là những AMC công do Nhà nước làm chủ sở hữu và được Chính phủ sử dụng như là công cụ kinh tế để xử lý nợ/tài sản xấu. Thành viên liên kết là những tổ chức liên quan không nhất thiết phải hoạt động dưới hình thức AMC.