“Chính phủ ghi nhận những đóng góp rất quan trọng, toàn diện của ngành Tài chính”

Bùi Dương

Đó là khẳng định của đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến Sơ kết đánh giá công tác điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN 6 tháng đầu năm, kế hoạch triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018 được Bộ Tài chính tổ chức sáng 18/7/2018, tại Hà Nội.

Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị. Phó Thủ tướng Chính phủ phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị. Phó Thủ tướng Chính phủ phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội tăng trưởng cao

Phát biểu tại hội nghị, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ghi nhận và đánh giá cao, biểu dương, chúc mừng những thành công, kết quả ngành Tài chính đạt được trong 6 tháng đầu năm 2018.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, trong điều kiện kinh tế thế giới nhiều bất ổn, nhưng 6 tháng đầu năm 2018, nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt tăng trưởng cao, lạm phát kiểm soát dưới 4%; Các chỉ tiêu cân đối vĩ mô cơ bản giữ vững. Những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, hứa hẹn cả năm có mùa bội thu như năm 2017, theo đó các chỉ tiêu đều đảm bảo vược mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, tài chính ngân sách.

Phó Thủ tướng đánh giá, trong 6 tháng đầu năm 2018. các bộ, ngành và địa phương đã bám sát các mục tiêu, giải pháp theo các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, nhất là Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, đạt được nhiều kết quả quan trọng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh..

“Kết quả kinh tế, xã hội, tài chính, ngân sách của 6 tháng đầu năm tăng trưởng cao, các chỉ tiêu vĩ mô khác đều ổn định, hứa hẹn cả năm 2018 cả nước sẽ đạt, vượt nhiều chỉ tiêu như năm ngoái. Có được kết quả trên, Chính phủ ghi nhận những đóng góp rất quan trọng, toàn diện của ngành Tài chính”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra rủi ro trong thu ngân sách khi hiện có tới 20 địa phương thu đạt dưới 50% kế hoạch, trong đó Hà Nội và TP. HCM đạt xấp xỉ 50% (tuy số thu tuyệt đối cao hơn) là những địa phương trọng điểm thu ngân sách. 

Trước tình hình trên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu, ngành Tài chính phải tăng cường quản lý thu hơn nữa, xây dựng một đề án chống thất thu, chống xói mòn cơ sở thuế nhất là đối với khu vực phi chính thức, bằng các giải pháp đẩy mạnh thực hiện hoá đơn điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt và giảm bớt việc thu thuế khoán. Nêu một ví dụ về chống thất thu thuế tại Đà Nẵng, Phó Thủ tướng cho rằng, thực tế, Đà Nẵng đã làm tốt chống thất thu thuế khi trước đây, nguồn thu của Đà Nẵng chủ yếu là từ thuế sử dụng đất thì nay nguồn này chỉ chiếm 18%, còn lại là thu từ khu vực sản xuất, thương mại.

Theo đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính thành lập ngay Tổ rà soát, kiểm tra công tác thu của 20 tỉnh đang thu dưới 50% dự toán, làm rõ trách nhiệm của địa phương, Trung ương, không để tới cuối năm các địa phương này hụt thu thì Trung ương phải bù ngân sách hay việc sử dụng nguồn của tỉnh thu ngân sách nhiều hơn bù cho tỉnh thu ngân sách thiếu.

Bộ Tài chính tiếp thu phát biểu tiếp thu ý kiến của Lãnh đạo Chính phủ.
Bộ Tài chính tiếp thu phát biểu tiếp thu ý kiến của Lãnh đạo Chính phủ.
Tập trung xây dựng thể chế

Đồng thời, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu sửa các luật thuế, trong đó có thuế tài sản phù hợp với tình hình của Việt Nam theo đúng tinh thần cải cách thuế và đúng bản chất chính sách thuế là giảm mức thu thuế mà vẫn tăng được mức đóng góp.

“Áp dụng các biện pháp để năm nay vượt thu ngân sách ít nhất 5% dự toán của Quốc hội giao theo yêu cầu của Nghị quyết 01 của Chính phủ”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh với ngành Tài chính và các địa phương.

Về chi ngân sách, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị ngành Tài chính tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương chi, nhất là chi thường xuyên như khánh tiết, mua sắm ô tô, đi nước ngoài... Bên cạnh đó, công tác giải ngân vốn đầu tư công còn chậm cần phải thúc đẩy hơn nữa, đồng thời Bộ Tài chính tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động, kịp thời điều chuyển các nguồn vốn, địa chỉ sử dụng vốn, bám sát hơn việc xây dựng dự án sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công để trình Chính phủ và Quốc hội vào cuối năm 2018.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến các tỉnh, thành phố để xây dựng tốt hơn dự toán thu chi ngân sách năm 2019, khắc phục tình trạng ngân sách Trung ương hụt thu còn ngân sách địa phương tăng thu và bảo đảm mức thu sát với tình hình của từng địa phương. 

Đặc biệt, Phó Thủ tướng ủng hộ cải cách của Bộ Tài chính trong giao dự toán chi thường xuyên của bộ, địa phương thì phải bám sát biên chế được giao, coi đây là giải pháp quan trọng để thực hiện tốt Nghị quyết số 18 và Nghị quyết số 19 của Trung ương Đảng khoá XII.

Phát huy giải pháp cải cách nợ công

Trên cơ sở chỉ tiêu thu, chi ngân sách được giao, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị ngành Tài chính quyết tâm giữ được bội chi và kiểm soát nợ công theo Nghị quyết của Quốc hội. Phó Thủ tướng đánh giá cao Bộ Tài chính đã có nhiều giải pháp cải cách nợ công, vừa kiểm soát được nợ, vừa hỗ trợ tăng trưởng.

“Thực tế vừa qua, Bộ Tài chính đã kiến nghị Chính phủ cho phép một số dự án nhà máy điện chuyển nợ bảo lãnh thành nợ tự vay tự trả trong nước, đồng thời sử dụng nợ bảo lãnh để dùng cho các công trình cấp bách. Đây là nghệ thuật điều hành tài chính. Từ kinh nghiệm này, Bộ Tài chính phải nhân rộng ra...” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu.

Về kế hoạch tài chính trung hạn và đầu tư công trung hạn, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành sớm sơ kết 3 năm thực hiện, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ kiến nghị Quốc hội điều chỉnh kịp thời, nhất là tiêu chí sử dụng 10% dự phòng đầu tư công trung hạn, bảo đảm không ảnh hưởng tới bội chi ngân sách và trần nợ công.

Đánh giá cao công tác tham mưu điều hành giá của Bộ Tài chính thời gian qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu cơ quan tài chính địa phương tham mưu hội đồng nhân dân địa phương điều chỉnh các loại giá, nhất là giá dịch vụ y tế, học phí, giá vật tư thiết bị của ngành giáo dục hài hoà, hợp lý tránh ảnh hưởng tới chỉ số lạm phát nói chung; kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng thiết yếu nhất là vào lễ, tết, thiên tai bão lũ...

“Bằng giá nào cũng phải kiểm soát lạm phát từ 3,7- 3,9%” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặc biệt nhấn mạnh.

Quang cảnh Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị.
Thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ và Quốc hội

Liên quan đến nâng hạng thị trường chứng khoán, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Tài chính sớm có giải pháp đánh giá đúng thị trường, đa dạng hoá các sản phẩm của thị trường chứng khoán phái sinh, qua đó góp phần vào việc nâng hạng cao uy tín của thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh về lĩnh vực thị trường tài chính Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực và thế giới. Đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi gian lận, làm giá, đầu cơ trên thị trường chứng khoán, bảo đảm thị trường phát triển lành mạnh, ổn định. Bộ Tài chính sớm triển khai Đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán theo quyết định của Thủ tướng để giảm chi phí giao dịch cho các nhà đầu tư.

Về cổ phần hoá doanh ngiệp nhà nước, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ Tài chính có phương án thực hiện nghiêm Nghị quyết số 60 của Quốc hội về giám sát tối cao trong lĩnh vực này, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát việc phê duyệt kế hoạch sử dụng đất trong cổ phần hoá, bảo đảm tiến độ và hiệu quả bán vốn Nhà nước.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính bảo đảm nguồn cho cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 29 của Trung ương, bắt đầu từ việc dùng số vượt thu ngân sách của năm 2018 để phục vụ cho cải cách lương từ năm 2021.

Đặc biệt, ngành Tài chính đẩy mạnh hơn việc chủ động cung cấp thông tin chính xác trong quản lý, điều hành cho các cơ quan báo chí; phản ứng nhanh nhạy, kịp thời, có trách nhiệm đối với các vấn đề nảy sinh với Ngành.