Chính phủ “rót” 11.600 tỷ đồng cho hai ngân hàng

Theo vneconomy.vn

(Tài chính) Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến về việc ứng vốn cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và Ngân hàng Chính sách xã hội (VBSP).

Chính phủ “rót” 11.600 tỷ đồng cho hai ngân hàng
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính ứng 11.600 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước để cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý còn thiếu đến hết năm 2013 cho hai ngân hàng nêu trên.

Cụ thể, Ngân hàng Phát triển Việt Nam được ứng 8.400 tỷ đồng và Ngân hàng Chính sách xã hội được ứng 3.200 tỷ đồng.

Việc bố trí, cân đối nguồn vốn để thu hồi vốn ứng nêu trên thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng tại văn bản 8939/VPCP ngày 10/11/2014 của Văn phòng Chính phủ. 

Theo đó, Bộ Tài chính được giao chủ trì phối hợp vói Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kết thúc năm ngân sách 2014 tính toán, cân đối nguồn để thu hồi. Trường hợp không bố trí được hoặc bố trí không đủ, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính bố trí kế hoạch các năm sau để thu hồi.

Ngân hàng Phát triển Việt Nam được thành lập từ năm 2006 trên cơ sở tổ chức lại Quỹ hỗ trợ phát triển. Với vốn điều lệ 10.000 tỷ đồng, VDB có nhiệm vụ huy động, tiếp nhận vốn của các tổ chức trong và ngoài  nước để thực hiện tín dụng đầu tư phát triển và tín dụng xuất khẩu theo quy định của Chính phủ; thực hiện chính sách tín dụng đầu tư phát triển và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước theo quy định; nhận uỷ thác quản lý nguồn vốn ODA được Chính phủ cho vay lại; nhận uỷ thác, cấp phát cho vay đầu tư và thu hồi nợ của khách hàng từ các tổ chức trong và ngoài nước…

Bên cạnh đó, VDB còn có nhiệm vụ bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn ngân hàng thương mại; cho doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế vay vốn trả nợ lương và thanh toán bảo hiểm xã hội đối với người lao động mất việc làm…

Trong khi đó, Ngân hàng Chính sách xã hội được thành lập từ năm 2002 để thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
 
Hoạt động của VBSP không vì mục đích lợi nhuận, được Nhà nước bảo đảm khả năng thanh toán, tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng 0%, không phải tham gia bảo hiểm tiền gửi, được miễn thuế và các khoản phải nộp ngân sách Nhà nước.