Để sáng suốt lựa chọn đại biểu đủ đức, đủ tài

PV.

Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp là Ngày hội của nhân dân. Đây cũng là dịp để mỗi cử tri thể hiện quyền công dân bằng việc lựa chọn những người xứng đáng, đủ tài, đức làm đại diện cho người dân tại Quốc hội và HĐND các cấp. Chính vì vậy, người đại biểu của nhân dân phải gương mẫu chấp hành pháp luật, quan tâm đến những quyền lợi và nguyện vọng chính đáng của nhân dân; thường xuyên giữ mối liên hệ mật thiết với cử tri để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Tiếp xúc nhiều rất tốt, để dân biết mình, nghe mình trình bày chương trình hành động và có dịp gặp gỡ, trao đổi với dân...

“Tôi cũng đánh giá đây là dân chủ, đúng luật làm cho ứng cử viên gần với nhân dân, nghe được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân chứ không tổ chức hình thức, qua loa chiếu lệ. Đề nghị trong tiếp xúc cử tri phải đúng luật, an toàn, hiệu quả. Nghĩa là quyền vận động bầu cử của mỗi cử tri, dù cử tri giữ chức vụ gì ở Trung ương hay địa phương cũng phải bình đẳng như nhau” Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

Đến thời điểm này, sau các hội nghị hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, sự công bằng, dân chủ với mỗi ứng cử viên đã được thể hiện đầy đủ. Qua các hội nghị cử tri ở các tổ dân phố, các cơ quan, đơn vị công tác, người dân đã hiểu rõ từng ứng cử viên tại nơi cư trú và làm việc.

Cử tri nhận xét, bày tỏ sự tín nhiệm về các ứng cử viên một cách rất thẳng thắn, trung thực. Cử tri đã theo dõi các ứng cử viên đang sinh hoạt ở khu dân cư rất sát sao. Có hội nghị, cử tri đã quyết định không bỏ phiếu kín, chỉ giơ tay biểu quyết. Có nơi, cử tri thấy cần thiết phải bỏ phiếu kín khi còn nhiều ý kiến khác nhau về ứng cử viên.

Nhìn chung, tại các hội nghị này, cử tri đã thể hiện rõ chính kiến của mình. Điều đó đã tạo nên không khí thật sự dân chủ trong việc giới thiệu và lựa chọn các ứng cử viên. Đây có thể được xem là tiền đề tốt cho cuộc bầu cử ngày 22/5 sắp tới thành công.

Tuy nhiên, một vấn đề chúng ta cần phải lưu ý là có một số cuộc bầu cử trước không phải 100% cử tri đã có nhận thức đầy đủ về quyền và nghĩa vụ của mình khi đi bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp. Trong đó, không ít người có biểu hiện thờ ơ, thiếu coi trọng hoặc nhờ người đi bỏ phiếu hộ.

Nhiều trường hợp một người đi bầu cho cả gia đình, thậm chí còn đi bầu thay cho bạn bè, láng giềng. Tình trạng bỏ phiếu hộ không chỉ gây ra thiếu khách quan trong bầu cử mà còn không phản ánh đúng bản chất của việc lựa chọn người đại diện cho nhân dân trong các cơ quan quyền lực Nhà nước.

Để chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, các tổ chức, Mặt trận, đoàn thể, tổ dân phố, cụm dân cư, các đơn vị bầu cử cần tập trung tuyên truyền vận động thu hút mọi cử tri tham gia sinh hoạt để phổ biến những thông tin chính thức về tiểu sử các ứng cử viên nhằm làm cho cử tri có cái nhìn toàn diện, sâu sắc trong việc lựa chọn những đại biểu xứng đáng đại diện cho nhân dân để bầu vào Quốc hội và HĐND các cấp.

Đặc biệt, đợt bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp lần này được thực hiện từ xã, huyện, tỉnh đến Trung ương. Do đó, cử tri tham gia bầu cử phải tìm hiểu và nắm rõ lý lịch, tài và đức của mỗi ứng cử viên đó, để tìm được người gần dân, vì dân và có đủ khả năng là người đại diện của dân.
Đây là công việc “chọn mặt gửi vàng” rất quan trọng để cho đại biểu thật sự là đại diện cho dân; cũng là một biểu hiện thiết thực về quyền làm chủ và trách nhiệm công dân đối với mỗi cử tri.

Để cho mỗi cử tri thật sự hiểu rõ các ứng cử viên tại đơn vị bầu cử của mình, ngoài việc giới thiệu tiểu sử của các ứng cử viên trong các hội nghị hiệp thương, hội nghị tiếp xúc cử tri vận động bầu cử, các cơ quan truyền thông đại chúng phải làm nhiều hơn nữa để thông tin về mỗi ứng cử viên đến được với các cử tri, các tổ chức và từng địa điểm bầu cử.

Đặc biệt là cần phát huy tối đa mạng lưới phát thanh phường, xã trong mọi lúc, mọi nơi để cử tri có thông tin đầy đủ về từng ứng cử viên.
Bầu cử các cơ quan quyền lực Nhà nước luôn là điều thiêng liêng và vẻ vang đối với mỗi công dân. Chúng ta còn nhớ cuộc Tổng Tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa diễn ra sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Nam bộ đã diễn ra trong tiến súng kháng chiến. Nhiều thùng phiếu đã thấm máu cử tri và chiến sĩ nhưng nhân dân vẫn quyết tâm đi bầu cử để bầu ra Quốc hội của nước Việt Nam độc lập, tự do, đủ tài, đủ sức lãnh đạo toàn dân kháng chiến, kiến quốc.

Ý thức công dân luôn là điều kiện tiên quyết để bầu ra Quốc hội gồm những đại biểu ưu tú đại diện cho quyền lợi của nhân dân và để cho Quốc hội đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ do Tổ quốc và nhân dân giao phó.

Vì vậy, trách nhiệm của cử tri là yếu tố quyết định đối với chất lượng đại biểu. Muốn hoàn thành trách nhiệm công dân thiêng liêng đó, cử tri phải hiểu rõ từng ứng cử viên để có nhìn nhận, đánh giá khách quan, chính xác, công bằng. Qua đó, cử tri thể hiện chính kiến của mình với danh dự và trách nhiệm công dân khi cầm lá phiếu bầu cử.

Làm thế nào để người dân có thông tin nhằm đo lường, đánh giá đúng uy tín của ứng cử viên trong từng việc làm, hành động là điều cần thiết. Bên cạnh đó, để người dân tham gia thực chất hơn vào hoạt động bầu cử, từ đó lựa chọn được người đại diện xứng đáng, không chỉ cần có những cơ chế thuận lợi công khai minh bạch thông tin mà quan trọng hơn là để họ nhận thức được giá trị và hiệu quả của bầu cử. Điều này còn phụ thuộc vào công tác tuyên truyền bầu cử hiệu quả, hữu ích và phù hợp.