Nghề thẩm định giá hướng tới cộng đồng kinh tế ASEAN năm 2015

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Hội nghị chính thức Hiệp hội Thẩm định giá ASEAN (AVA) lần thứ 18 với chủ đề: “Nghề thẩm định giá (TĐG) hướng tới cộng đồng kinh tế ASEAN năm 2015 – Cơ hội và Thách thức” sẽ được tổ chức tại Nha Trang, Khánh Hòa trong các ngày 24 – 27/4/2014.

Đây là một mốc khẳng định uy tín của ngành Tài chính Việt Nam nói chung và ngành TĐG nói riêng đối với các nước trong khu vực, đồng thời mở ra những cơ hội mới nhằm thiết lập mối quan hệ cộng đồng với các nước trong Hiệp hội TĐG các nước ASEAN. 

Là người được ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Tài chính giữ chức vụ Chủ tịch của AVA, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Giá đã trao đổi với phóng viên về một số nội dung xung quanh sự kiện này.

Phóng viên: Trên cương vị là Chủ tịch AVA nhiệm kỳ 2012 - 2014, ông có thể giới thiệu đôi chút về AVA cũng như ý nghĩa, vai trò của Việt Nam trong tổ chức này?

cục trưởng nguyễn anh tuấn
Ông Nguyễn Anh Tuấn,
Cục trưởng Cục Quản lý Giá
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Hiệp hội TĐG ASEAN (gọi tắt là AVA), là một tổ chức nghề nghiệp, được thành lập vào tháng 6/1981, thành viên là đại diện các nước có tổ chức nghề TĐG trong khối ASEAN. Từ chỗ chỉ có 5 thành viên sáng lập là Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines và Thái Lan, đến nay, trải qua hơn 30 năm phát triển, AVA đã kết nạp được 3 thành viên nữa là: Brunay, Việt Nam và Campuchia.

Từ khi thành lập đến nay, AVA luôn duy trì tổ chức các hội nghị thường niên giữa các thành viên thông qua việc tổ chức Hội nghị chính thức hai năm một lần, xen kẽ giữa các hội nghị chính thức là hội nghị trù bị, để chuẩn bị các điều kiện cho việc tổ chức hội nghị chính thức.

Thông qua các hội nghị này, ngoài việc bàn bạc, xử lý, quyết định các công việc quan trọng của nội bộ AVA, hội nghị còn là dịp để các nước mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế, khu vực, quốc gia và các tổ chức khác nhằm thúc đẩy hoạt động TĐG của các nước và trong khối ASEAN; đồng thời, tăng cường trao đổi, học hỏi, phối hợp giữa các nhà TĐG trong AVA và thế giới.

Việt Nam tuy gia nhập AVA khá muộn so với các thành viên khác, nhưng cũng đã nhanh chóng chiếm được sự tín nhiệm của AVA, cũng như tình cảm của bạn bè từ các nước thành viên AVA qua việc tổ chức thành công Hội nghị AVA lần thứ 12 (năm 2002), đăng cai tổ chức thành công 2 hội nghị trù bị cho AVA 11 (năm 1999) và AVA 16 (2009).

Năm nay, với tư cách là Chủ tịch AVA nhiệm kỳ 2012 – 2014, Việt Nam được AVA chấp thuận tổ chức Hội nghị AVA lần thứ 18, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Đây là vinh dự lớn, tiếp tục ghi nhận sự tín nhiệm của AVA đối với Việt Nam.

Chúng ta cũng hy vọng, đây là cơ hội tốt để các nước thành viên AVA mở rộng giao lưu, hiểu biết và hợp tác để cùng phát triển.

Thưa ông, những nội dung chính của AVA 18 là gì?

Hội nghị lần này sẽ tiến hành một số hoạt động quan trọng như: bầu chọn Tổng thư ký Hiệp hội TĐG ASEAN, chuyển giao vai trò Chủ tịch Hiệp hội AVA nhiệm kỳ mới, quyết định nội dung, chương trình, kế hoạch hành động của AVA.

Chủ đề Hội thảo lần này là một vấn đề tổng quan nhưng cũng rất thiết thực, phù hợp với giai đoạn phát triển hiện nay của nghề TĐG trong khu vực ASEAN - đó là: “Nghề TĐG hướng tới cộng đồng kinh tế ASEAN năm 2015: Cơ hội và thách thức”.

Bên cạnh đó, Hội nghị chính thức AVA lần thứ 18 sẽ là cầu nối, một diễn đàn, một cơ hội để thẩm định viên các nước ASEAN, đại diện một số tổ chức TĐG thế giới giao lưu, học hỏi, tìm hiểu cơ hội hợp tác, kinh doanh, cũng như tăng cường tình hữu nghị giữa các nước ASEAN.

Là cơ quan được Bộ Tài chính giao trách nhiệm trực tiếp đảm nhận vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá và TĐG, xin ông cho biết một số chủ trương quan trọng của Nhà nước Việt Nam trong việc phát triển nghề TĐG?

Việt Nam với truyền thống đoàn kết, hợp tác, hữu nghị sẵn sàng làm bạn với các quốc gia trên thế giới, tích cực học hỏi, cầu tiến bộ đã thực hiện hội nhập quốc tế về TĐG từ gần 20 năm trước. Cụ thể: Năm 1997, Việt Nam là thành viên chính thức của Hiệp hội TĐG ASEAN, năm 1998, Việt Nam là Hội viên thông tấn và đến năm 2009 là Hội viên chính thức của Ủy ban Tiêu chuẩn TĐG quốc tế, nay là Hội đồng tiêu chuẩn TĐG quốc tế.

Tôi cho rằng việc phát triển nghề TĐG luôn được sự quan tâm của cơ quan quản lý Nhà nước, từ các đồng chí lãnh đạo Bộ Tài chính, đặc biệt là đồng chí Bộ trưởng, đồng chí Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực giá đến cơ quan tham mưu giúp việc như Cục Quản lý Giá chúng tôi.

Một trong những chủ trương và định hướng quan trọng là việc tạo lập hành lang pháp lý thuận lợi hơn nữa để thúc đẩy và nâng cao năng lực hoạt động TĐG. Luật Giá đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 1/1/2013 là cơ sở pháp lý cao nhất làm tiền đề cho sự phát triển này. Trong đó, Nghị định về TĐG và một số văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn cũng đã được Chính phủ, Bộ Tài chính ban hành.

Tới đây, ngoài việc tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, chúng tôi cũng sẽ rà soát lại các Tiêu chuẩn TĐG Việt Nam để chỉnh sửa cho phù hợp, nâng cao chất lượng TĐG cũng như tăng cường hội nhập với các tổ chức nghề nghiệp quốc tế.

Bên cạnh đó, một trong những nỗ lực thiết thực khác về phía các cơ quan quản lý nhà nước là xây dựng lộ trình phát triển của ngành TĐG. Hiện nay Đề án “Nâng cao năng lực và phát triển hoạt động TĐG giai đoạn 2013-2020” đã được Lãnh đạo Bộ Tài chính thông qua.

Cùng với việc triển khai thực hiện đề án này, trong phạm vi quyền hạn được giao, chúng tôi sẽ nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm phát triển nghề TĐG tài sản ở Việt Nam đảm bảo tuân thủ quy định của hệ thống pháp luật của Nhà nước, tạo môi trường pháp lý ổn định và thuận lợi để đưa nghề TĐG thành một nghề có tính chuyên nghiệp cao.

Xin cảm ơn ông!