Nghị quyết 01: Chuẩn bị công phu, tính khả thi cao, kỳ vọng đột phá

Theo Thu Hà/chinhphu.vn

Các chuyên gia kinh tế đánh giá Nghị quyết 01 năm 2018 của Chính phủ đã được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, công phu, với cách làm mới và nhiều nội dung hết sức quan trọng được kỳ vọng sẽ tạo ra những đột phá mới trong năm bản lề thực hiện kế hoạch 5 năm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2017. Nguồn: VGP
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2017. Nguồn: VGP

TS. Trần Du Lịch: Tính khả thi rất cao

Chuyên gia kinh tế, TS. Trần Du Lịch cho biết qua theo dõi, ông nhận thấy Nghị quyết 01 có quá trình chuẩn bị rất kỹ ngay từ khâu  lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương, chuyên gia, được sửa đi sửa lại nhiều lần. Tinh thần của Nghị quyết là xem năm 2018 là năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2016-2020, nên có ý nghĩa rất quan trọng để thực hiện các mục tiêu phát triển.

Về các điểm nổi bật trong Nghị quyết, TS. Trần Du Lịch cho rằng điểm đầu tiên, Chính phủ đã đưa ra phương châm hành động 10 chữ rất khái quát, nhưng thể hiện được tư tưởng chỉ đạo trong điều hành, trong chính sách: Kỷ cương, Liêm chính, Hành động, Sáng tạo, Hiệu quả.

Thứ hai, Nghị quyết đề ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra, trong đó phải duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế, ít nhất bằng 2017 là 6,7% như Nghị quyết của Quốc hội. Nghị quyết cũng thể hiện nội dung rất quan trọng là tiếp tục giữ vững những thành quả, những chỉ số về ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng để tăng trưởng bền vững.

Thứ ba, Nghị quyết thể hiện rằng mặc dù năm 2017 đạt rất nhiều thành tựu  nhưng chúng ta không được chủ quan, thỏa mãn mà phải tiếp tục tập trung 3 khâu đột phá chiến lược.

Cuối cùng, Nghị quyết phân công trách nhiệm rất rõ với 242 nhiệm vụ cụ thể, có mục tiêu, có lộ trình, có thời gian hoàn thành cho các bộ ngành, địa phương.

“Nhiều năm theo dõi điều hành của Chính phủ, tôi nhận thấy Nghị quyết 01 của năm 2018 được chuẩn bị rất kỹ, rất công phu và tôi đánh giá tính khả thi rất cao”, TS. Trần Du Lịch nhấn mạnh.

TS. Trần Du Lịch cũng cho rằng thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Nghị quyết 01 được xây dựng gọn hơn, tập trung hơn so với các năm trước, không đưa công việc thường xuyên thuộc chức năng của bộ, ngành… Những nhiệm vụ tại Nghị quyết là nhấn mạnh nhằm thực hiện mục tiêu đặt ra. Đây là một đổi mới trong phương thức ban hành Nghị quyết.

Cũng theo vị chuyên gia, lĩnh vực kinh tế vẫn là nội dung quan trọng của Nghị quyết, theo đó phải duy trì và phát triển hơn nữa tinh thần, không khí, niềm tin của thị trường trong cải cách thể chế. Mặc dù chúng ta đã xác định 3 khâu đột phá chiến lược nhưng đột phá thể chế vẫn mang ý nghĩa cực kỳ quan trọng, thúc đẩy các khâu, các lĩnh vực khác.

Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo đều liên quan đến thể chế. Trong thể chế có nhiều nội dung, nhưng theo tôi cần bám sát Nghị quyết Trung ương 5 về kinh tế tư nhân và các Nghị quyết Trung ương 6 về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Nghị quyết 01 của Chính phủ cũng thể hiện rõ những nội dung thúc đẩy việc này”, TS. Trần Du Lịch nhận định.

TS. Nguyễn Đình Cung: Tạo áp lực và động lực mạnh hơn trong 2018

Phân tích cụ thể hơn về phương châm 10 chữ năm 2018 của Chính phủ, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: Kỷ cương thể hiện hệ thống có kỷ luật, trật tự, có trách nhiệm giải trình. Trong bối cảnh Việt Nam, thực thi chính sách vẫn là điểm yếu cố hữu, điều này rất cần thiết để tạo chuyển động mạnh mẽ hơn, để các chỉ đạo, chính sách, luật lệ được thực thi nhất quán, đầy đủ và kịp thời.

Liêm chính là phải làm một cách minh bạch, cẩn trọng, có trách nhiệm trong bộ máy công, để đạt mục tiêu chính sách công, phục vụ cho phát triển. Việc này cũng giúp tránh lạm dụng quyền lực công vì lợi ích riêng. Liêm chính cũng gắn liền với việc phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước hiện nay. 

Hai quan điểm này gắn chặt với hành động, nói đi đôi với làm và làm phải nhiều hơn nói. Chúng ta thường nói chính sách ra một, thì hành động phải 10 mới đạt kết quả. Hành động ấy phải nhất quán từ trên xuống dưới, giữa các cơ quan với nhau.

Sáng tạo nghĩa là phải có cái mới, khác biệt. Trước một yêu cầu, một vấn đề, cần tư duy mới, từ đó có cách làm mới. Chúng ta thường bao biện đúng quy trình, quy định. Nếu không có quy trình thì làm sao? Và giả sử có quy trình rồi nhưng có cách làm mới, hiệu quả hơn thì thế nào? Nói cách khác, nêu cao sáng tạo sẽ tạo động lực sửa đổi quy định, quy trình, không áp dụng một cách thụ động, cứng nhắc. 

Hành động, sáng tạo, thì mục tiêu cuối cùng là phải hiệu quả, phải đạt mục tiêu với chi phí thấp nhất, không phải bằng mọi giá.

TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng đây là những thông điệp rõ ràng của Thủ tướng gửi lãnh đạo bộ, ngành, địa phương, từ đó làm căn cứ đánh giá người đứng đầu, kể cả các bộ và địa phương.

Về nhiệm vụ năm 2018, ông Cung cho rằng rất cần duy trì động lực thay đổi, trạng thái năng động đã được bắt đầu trong năm 2017. “Việc thay đổi có thể từ áp lực bên ngoài, nhưng đã dần chuyển hóa thành động lực nội sinh. Thậm chí, 2017 đã bắt đầu có sự cạnh tranh giữa các bộ với nhau trong sự thay đổi. Đây là việc rất khác”, ông Cung nhận xét.  

Muốn làm được như vậy, vị Viện trưởng cho rằng dư luận xã hội cần tạo thêm áp lực, chỉ đạo của Thủ tướng cần liên tục hơn nữa, nhiều hơn nữa, và các bộ, các Bộ trưởng cần nhận thức hiện mới chỉ là khởi đầu, cần tạo áp lực thay đổi nhiều hơn nữa, để quy mô rộng hơn, mức độ mạnh hơn. Từ đó, tạo ra được động lực và áp lực, thúc đẩy phát triển, thúc đẩy hành động, từ các Bộ trưởng, các Chủ tịch, Phó Chủ tịch tỉnh đến các Giám đốc sở, các Chủ tịch huyện, lãnh đạo cục, vụ...

Cũng theo ông Cung, trong năm 2018 nên mở rộng hơn nữa những nỗ lực tái cơ cấu, nhất là tái cơ cấu 3 trọng tâm ưu tiên: doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng và đầu tư công. Để vừa phát triển, vừa giảm chi phí của doanh nghiệp, Chính phủ cũng cần chỉ đạo tập trung vào lĩnh vực hậu cần logistics, và trong những năm trước mắt có thể tập trung chỉ đạo 2 lĩnh vực có thể phát triển tốt hơn là du lịch và nông nghiệp.

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Lạc quan trong thận trọng

Trong khi đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng năm 2017, những chỉ số kinh tế rất khả quan từ vấn đề kiểm soát lạm phát, tăng trưởng kinh tế, tình hình xuất nhập khẩu, dự trữ ngoại hối, tất cả các thị trường từ thị trường ngân hàng đến tỷ giá, vàng, bất động sản, chứng khoán tăng trưởng tốt. Do đó, nhìn chung chúng ta có thể lạc quan trong thận trọng trong năm 2018.

Cụ thể, những cơ hội để những nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam còn rất lớn. Việc hội nhập của chúng ta vào nền kinh tế thế giới càng sâu rộng, giúp mở rộng thị trường, không những về mậu dịch thương mại, đầu tư nước ngoài càng ngày càng nhiều. Đây là điểm tích cực cho nền kinh tế Việt Nam vì chúng ta dựa nhiều vào ngoại thương và đầu tư nước ngoài.

Về phía nội bộ, điểm nổi bật là những chương trình cải cách của Chính phủ với chủ trương Chính phủ kiến tạo, tiếp tục cải cách để tạo thông thoáng cho nền kinh tế và thuận lợi cho đầu tư nước ngoài.

Xử lý những sai phạm liên quan đến tham nhũng là những vấn đề hết sức quan trọng. “Tôi tin rằng năm nay sẽ xử lý những vấn đề tham nhũng mạnh tay hơn”, TS. Nguyễn Trí Hiếu bày tỏ.

Bên cạnh đó, năng lực lao động và tính cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam ngày càng tăng. Việc năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng bậc mạnh trong năm qua là tín hiệu tích cực và Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng điểm, tăng thứ hạng về năng lực cạnh tranh.

Năng lực lao động mặc dù còn thấp so với khu vực do trình độ kỹ thuật, năng lực trình độ ngoại ngữ nhưng có sự cải thiện đáng kể trong những năm qua và kỳ vọng sẽ tăng nhanh hơn trong năm 2018.

Cho rằng cơ hội và thách thức ngang nhau trong năm 2018, TS. Nguyễn Trí Hiếu đánh giá rằng Nghị quyết 01 đã đưa rất nhiều giải pháp. Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng nhắc tới những bất ổn, biến động của tình hình thế giới. Cùng với đó, cần lưu ý tới khả năng xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI bị tác động bởi bên ngoài, vấn đề xử lý nợ xấu và quản lý rủi ro của hệ thống ngân hàng, quản lý thị trường vàng, bất động sản…

“Qua thời gian, chúng ta sẽ đánh giá được chính xác về tính khả thi và hiệu quả của Nghị quyết 01”, ông Hiếu nhận định.