Nguồn nhân lực "hạt giống" sẽ giúp ngành Kho bạc hoàn thành sứ mạng mới

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Phát triển nguồn nhân lực là một trong bốn trụ cột của Chiến lược phát triển Kho bạc nhà nước (KBNN). Xác định được tầm quan trọng này, KBNN và Học viện Tài chính đã phối hợp với Đại học Victoria- NewZealand đào tạo nguồn nhân lực chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ mới.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với PGS., TS. Bùi Đường Nghiêu, Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế thuộc Học viện Tài chính xung quanh vấn đề này.                                                          

Phóng viên: Nguồn nhân lực luôn là yếu tố then chốt, quyết định sự thành công của các đơn vị. Với đội ngũ cán bộ KBNN hiện nay, theo ông, họ đã đáp ứng và bắt kịp với xu thế đổi mới chưa?

1
PGS., TS. Bùi Đường Nghiêu,
Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế

PGS., TS. Bùi Đường Nghiêu: Xét dưới góc độ đào tạo, chúng tôi cho rằng đại đa số cán bộ KBNN hiện nay đều là các cán bộ có chất lượng và đã đáp ứng được tốt nhiệm vụ của Kho bạc hiện tại. Tuy nhiên, điều đó mới chỉ dừng ở nhu cầu hiện nay.

Đặt trong bối cảnh đất nước đang hội nhập quốc tế sâu rộng và đối chiếu với sứ mạng mới mà Đảng và Nhà nước giao cho KBNN trong thời gian tới, đó  là thực hiện chức năng Tổng Quản lý ngân quỹ nhà nước (TQLNQNN) và chức năng Tổng Kế toán nhà nước  (TKTNN) thì đội ngũ cán bộ này cần phải được bổ sung, đào tạo thêm kiến thức để vừa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mới được giao phó, vừa nhằm đáp ứng nhu cầu chiến lược mở mang “bờ cõi” của KBNN vươn ra hội nhập với thế giới.

Theo đó, việc học tập, bổ trợ kiến thức này nên được học tập tại nước ngoài.

Về ngoại ngữ, tôi được biết các cán bộ KBNN có trình độ ngoại ngữ tốt chủ yếu tập trung ở các KBNN thuộc các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... còn ở các địa phương thì chưa được “ổn” lắm.

Tôi cho rằng để đáp ứng việc đào tạo chuyên môn ở nước ngoài theo mô hình các nước tiến tiến, vấn đề ngoại ngữ là rất quan trọng.

Vậy theo ông, KBNN cần phải làm gì để có nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ yêu cầu đổi mới?

Trước yêu cầu cải cách và hiện đại hóa để nâng cao vị thế, vai trò của KBNN lên một tầm mới, tôi cho rằng, KBNN cần phải có chiến lược đào tạo đội ngũ cán bộ vừa giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, vừa giỏi cả ngoại ngữ. Đây là việc làm hết sức cần thiết. Có như thế, toàn ngành Kho bạc mới có được đội ngũ cán bộ tốt đáp ứng được mọi yêu cầu của công việc.

Như ông nói ở trên, chúng ta cần phải đào tạo nguồn nhân lực ở nước ngoài. Vậy mô hình của nước nào đang được KBNN và Học viện Tài chính hướng tới để đưa vào áp dụng tại Việt Nam? Và vì sao chúng ta lại chọn mô hình của nước này mà không phải của nước nào khác?

Qua tham khảo nhiều mô hình của các nước tiên tiến trên thế giới, chúng tôi thấy rằng  mô hình của NewZealand để gửi cán bộ sang đó đào tạo là phù hợp và khả thi. NewZealand là nước có nền giáo dục tiên tiến nhất thế giới. Trường Đại học Victoria là trường đại học công lập hàng đầu của nước này, đó là một trường đại học rất danh tiếng trong khối thịnh vượng chung và được xếp thứ hạng cao nhất trên thế giới.

Bên cạnh đó, Trường Đại học Victoria cũng đã được Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo nước ta cấp giấy phép hợp tác với Học viện Tài chính để xây dựng chương trình đào tạo cử nhân thuộc các ngành tài chính, kinh doanh, kế toán với thời gian đào tạo: 18 tháng tại Việt Nam và 18 tháng tại NewZealand, bằng tốt nghiệp do New Zealand cấp.

Học viện Tài chính mà cụ thể là Viện Đào tạo quốc tế có vai trò gì trong việc liên kết đào tạo này? Viện sẽ có chiến lược gì để giúp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ KBNN, thưa ông?

Như tôi nói ban đầu, tới đây KBNN sẽ có một tầm cao mới và để xứng đáng với tấm cỡ chiến lược của Kho bạc, đảm bảo thực hiện thành công các chức năng, nhiệm vụ mới, đặc biệt là chức năng TKTNN và TQLNQNN, KBNN phải có chiến lược phát triển nguồn nhân lực theo hướng hội nhập (tức là vươn tới, ngang bằng với trình độ của quốc tế).

Học viện Tài chính, cụ thể Viện Đào tạo quốc tế đã được Bộ Tài chính trực tiếp giao nhiệm vụ cùng với KBNN thiết lập một chương trình đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho KBNN để đáp ứng xu hướng hội nhập quốc tế, giúp ngành Kho bạc hoàn thành sứ mạng mới của mình và vươn tới tầm cỡ quốc tế.

Để thực hiện nhiệm vụ này, Viện Đào tạo quốc tế  trước tiên sẽ là cầu nối giữa KBNN với trường Đại học Victoria- NewZealand. Tiếp theo, Viện sẽ giúp KBNN xây dựng nền móng ban đầu về ngôn ngữ, giúp nâng cao trình độ tiếng Anh cho các cán bộ KBNN để học có đủ trình độ ngoại ngữ sang nước ngoài học tập.

Với chương trình đào tạo này, ông có kỳ vọng gì trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ?

Qua việc liên kết đào tạo này, chúng tôi hy vọng cả 32 cán bộ được tuyển chọn lần này đi đào tạo chuyên sâu tại New Zealand sẽ đáp ứng đủ các tiêu chuẩn tiếng Anh để có cơ sở ngôn ngữ vững chắc khi theo học chuyên môn ở nước ngoài.

Chúng tôi cũng kỳ vọng đến khi kết thúc chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao giai đoạn đầu tiên này (đến đầu quý II/2015 chương trình đào tạo kết thúc), cả 32 cán bộ này sẽ là những cán bộ đầu tiên và cũng là “hạt giống quý” để KBNN vận hành tốt hai cơ quan mới là Cục Quản lý ngân quỹ và Cục Kế toán Nhà nước và giúp cải thiện đáng kể nguồn nhân lực của KBNN.

Xin cảm ơn ông!