Nhiều điểm sáng trong “bức tranh” kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước

PV.

Hôm nay (ngày 31/10), Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2018 -2020.

Các đại biểu Quốc hội đánh giá cao kết quả điều hành của Chính phủ trong thời gian qua. Nguồn: internet
Các đại biểu Quốc hội đánh giá cao kết quả điều hành của Chính phủ trong thời gian qua. Nguồn: internet
Kinh tế - xã hội với nhiều điểm sáng
Báo cáo của Chính phủ cho biết, tình hình kinh tế - xã hội thời gian qua tiếp tục chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Cchính sách tiền tệ được phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng.
Nhờ đó, tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,41%, ước cả năm đạt 6,7%; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng bước đầu phát huy hiệu quả, giảm dần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, nhất là dầu khí. Chất lượng tăng trưởng có bước chuyển biến.
Giá tiêu dùng bình quân 9 tháng tăng 3,79%, ước cả năm khoảng 4%, lạm phát cơ bản khoảng 1,6%. Tín dụng 9 tháng tăng 12%, cơ cấu chuyển dịch tích cực, chất lượng được nâng lên; thanh khoản, an toàn hệ thống được bảo đảm. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới, bổ sung và mua cổ phần trong 9 tháng đạt 25,5 tỷ USD, tăng 34,3%; vốn FDI thực hiện đạt kỷ lục 12,5 tỷ USD, tăng 13,4%.
Công tác chống thất thu ngân sách nhà nước, chuyển giá, giảm nợ đọng thuế được chú trọng; tăng cường kiểm soát, triệt để tiết kiệm chi; ước cả năm tổng thu ngân sách nhà nước tăng 2,3% so với dự toán và tăng 10,1% so với năm 2016; bội chi 3,5% GDP, bằng mức Quốc hội thông qua. Kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước được tăng cường; từng bước chấn chỉnh sai phạm trong sử dụng tài sản công. Nợ công trong giới hạn cho phép và có xu hướng giảm...
Trên cơ sở kết quả 9 tháng, với nỗ lực phấn đấu trong thời gian còn lại, dự báo cả năm 2017 Việt Nam sẽ đạt và vượt toàn bộ 13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Các đại biểu Quốc hội đánh giá cao
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao kết quả điều hành của Chính phủ trong thời gian qua và cho rằng, Chính phủ đã có chiến lược và hướng điều hành hết sức đúng đắn, mạnh mẽ, chắc chắn, cách mạng và thận trọng.
Đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) cho rằng, những kết quả về kinh tế - xã hội thời gian qua là nhờ sự quyết tâm trong lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, toàn hệ thống chính trị và nhân dân cả nước.

Đồng tình với báo cáo của Chính phủ, đại biểu Trần Công Thuật (Quảng Bình) nhận định, 10 tháng qua, Chính phủ đã có nhiều giải pháp tích cực, năng động, chỉ đạo quyết liệt; doanh nghiệp cũng có nhiều cố gắng; cử tri cũng đồng tình với những tồn tại, hạn chế và những giải pháp Chính phủ đã chỉ ra trong báo cáo.

Về công tác điều hành ngân sách nhà nước, đại biểu Quốc hội nhất trí cao với những đánh giá của Quốc hội về ngân sách nhà nước năm 2017, đại biểu cũng góp ý về vấn đề cân đối ngân sách đối với các tỉnh miền núi; đổi mới thủ tục, sớm ban hành các hướng dẫn để địa phương đẩy nhanh tiến độ phân bổ vốn, triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (giảm nghèo bền xững và xây dựng nông thôn mới) giai đoạn 2016 - 2020...

Các đại biểu Quốc hội cũng đồng tình với các chỉ tiêu cũng như giải pháp thực hiện kế hoạch KT-XH đặt ra cho năm 2018, tin tưởng sẽ đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra. Các đại biểu đề nghị trong năm 2018 cần tập trung cổ phần hóa hiệu quả các doanh nghiệp nhà nước; thực hiện thật tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, đồng cảm với dân, để dân đồng thuận với các chủ trương, quyết sách của chính quyền...

Năm 2018, Chính phủ đặt ra các mục tiêu cụ thể về kinh tế như: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,5 - 6,7%; Tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7 - 8%; Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33 - 34% GDP.