Quan trọng là giảm tỉ trọng đầu tư công trong tổng đầu tư

PV.

Đó là nội dung được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh khi trao đổi với báo chí bên lề phiên họp tổ sáng 22/10 về các vấn đề tái cơ cấu thu chi ngân sách gắn với bảo đảm an toàn nợ công, thúc đẩy hiệu quả của tái cơ cấu nền kinh tế trong 5 năm tới.

Quan trọng là giảm tỉ trọng đầu tư công trong tổng đầu tư. Nguồn: internet
Quan trọng là giảm tỉ trọng đầu tư công trong tổng đầu tư. Nguồn: internet

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm tới, nguồn lực đầu tư từ xã hội ít nhất phải gấp 5 lần của đầu tư công khoảng 10 triệu tỷ đồng.

Nguồn vốn đầu tư công cho giai đoạn 2016-2020 là 2 triệu tỷ đồng đã được Chính phủ công bố, trong đó từ ngân sách Trung ương là 1,2 triệu tỷ đồng còn lại ngân sách địa phương phải chi 880.000 tỷ đồng.

Vì vậy, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cần phải huy động nguồn lực trong dân, các thành phần kinh tế càng nhiều càng tốt.

Về vấn đề nới hay không nới trần nợ công, trước nhiều ý kiến thắc mắc tại sao các nước phát triển nợ công hơn 100%, thậm chí 200% như Nhật Bản mà Việt Nam lại chốt 65%, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã tính toán kỹ về vấn đề này.

Phó Thủ tướng cho biết, nếu nới trần lên thì áp lực trả nợ sẽ rất lớn. Do đó, để bảo đảm bền vững an toàn nợ công thì dứt khoát phải khống chế trần nợ công không vượt quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 55% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia là không quá 55% GDP cho đến tận năm 2020.

Theo Phó Thủ tướng, đúng là đặt ra trần nợ công là quan trọng nhưng không phải là tất cả mà khả năng trả nợ mới là quan trọng. Đặc biệt, mục tiêu là tái cơ cấu đầu tư công phải nằm trong tái cơ cấu lại thu chi ngân sách và bảo đảm bền vững, an toàn nợ công.

Theo đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, ngân sách nhà nước chỉ đầu tư vào những cái thiết yếu, quan trọng, có tính chất "mồi" và phấn đấu làm sao tỉ trọng đầu tư công trong tổng đầu tư của toàn xã hội giảm xuống.

Đồng thời, phải giảm hệ số sử dụng vốn (ICOR), đồng nghĩa với việc tăng hiệu quả đầu tư lên.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, Phó Thủ tướng cho rằng, hàng năm phải siết chặt kỷ luật tài khóa; coi tiết kiệm là quốc sách và siết chặt kỷ luật kỷ cương, cố gắng tăng thu để tăng chi,

Tuy nhiên, "chi tiêu phải trong khả năng của nền kinh tế, vay nợ tương ứng với khả năng trả nợ, dứt khoát không nâng trần nợ công, không để nợ lại cho đời sau." - Phó Thủ tướng khẳng định.