Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng:

Thành công của cuộc bầu cử khẳng định trách nhiệm, lòng yêu nước và niềm tin của nhân dân ta

PV.

Ngày 18/7, Hội đồng bầu cử quốc gia đã tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác bầu cử đại biểu quốc hội (ĐBQH) khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, tại Nhà Quốc hội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dự và phát biểu tại Hội nghị.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị

Theo Báo cáo của Hội đồng Bầu cử quốc gia, sau hơn 4 tháng chuẩn bị khẩn trương và tích cực, cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 trên toàn quốc vào ngày 22/5/2016 đã thành công tốt đẹp.

Với tỷ lệ trên 99% số cử tri đi bầu, đã bầu được 494 ĐBQH, 3.907 đại biểu HĐND cấp tỉnh, 25.180 đại biểu HĐND cấp huyện và 292.306 đại biểu HĐND cấp xã.

Cơ cấu, thành phần đại biểu cơ bản phản ánh được tính đại diện rộng rãi của các tầng lớp nhân dân; chất lượng đại biểu được nâng lên; tỷ lệ đại biểu là phụ nữ, người dân tộc thiểu số, tuổi trẻ, trình độ trên đại học đều cao hơn so với nhiệm kỳ trước.

Cuộc bầu cử diễn ra trong không khí dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, thực sự là ngày hội của cả nước, là một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân.

“Thành công này một lần nữa khẳng định ý thức chính trị, tinh thần trách nhiệm và lòng yêu nước của nhân dân ta, thể hiện niềm tin của nhân dân ta vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, khẳng định quyền làm chủ của nhân dân và tinh thần đoàn kết dân tộc” nhấn mạnh điều này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý: Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh đất nước ta có nhiều thời cơ, thuận lợi, đồng thời có không ít khó khăn, thách thức.

Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng vừa kết thúc thành công tốt đẹp, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục ổn định, phát triển. Nhiều quy định mới của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND mới được ban hành là cơ sở pháp lý quan trọng, thuận lợi cho cuộc bầu cử.

Tuy nhiên, tình hình hạn hán nghiêm trọng ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, xâm nhập mặn ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; sự cố hải sản chết bất thường ở một số tỉnh ven biển miền Trung; sự chống phá của các lực lượng thù địch... đã gây không ít khó khăn cho công tác bầu cử.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sát sao của Trung ương, sự vào cuộc tích cực của Hội đồng Bầu cử quốc gia; sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức, đoàn thể nhân dân; sự chủ động, tích cực, trách nhiệm của các tổ chức phụ trách bầu cử; tinh thần làm chủ và sự ủng hộ của nhân dân, cùng với việc thực hiện công khai, minh bạch trong từng bước tiến hành theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật, đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần quan trọng vào thành công của cuộc bầu cử.

Đặc biệt, chúng ta đã làm tốt công tác nhân sự, bảo đảm phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ, cơ bản giới thiệu được những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của nhân dân.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng cho rằng: Tiếp theo thành công rực rỡ của Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng, thành công tốt đẹp của cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Kết quả trên góp phần củng cố và tăng thêm lòng tin của nhân dân với Đảng, thắt chặt hơn nữa mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, tạo tiền đề cho việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, xây dựng các cơ quan đại diện có đủ năng lực hoạt động với chất lượng, hiệu quả cho chính quyền bốn cấp trong nhiệm kỳ tới.

Chính quyền do nhân dân bầu ra sẽ gắn bó mật thiết với nhân dân, bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân; tôn trọng, lắng nghe ý kiến nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân, vì nhân dân phục vụ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được cũng còn một số vấn đề cần được đánh giá kỹ để đánh giá, bổ sung thêm, bảo đảm tổng kết đầy đủ, toàn diện và sâu sắc về quá trình chuẩn bị, tổ chức tiến hành cuộc bầu cử; làm rõ nguyên nhân của những kết quả đạt được, phân tích sâu hơn những hạn chế, bất cập và có những đề xuất, kiến nghị cụ thể để các cơ quan có thẩm quyền đề ra các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo và hoàn thiện pháp luật, nhằm nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị, tiến hành bầu cử trong những nhiệm kỳ tiếp theo.

“Mỗi ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp cần nỗ lực phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, hoàn thành tốt nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, góp phần vào thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, đưa đất nước tiếp tục phát triển nhanh, bền vững, xứng đáng với niềm tin và sự mong đợi của nhân dân và cử tri cả nước”, Trên cơ sở đó, Tổng Bí thư đề nghị.