“Tội phạm hóa trục lợi bảo hiểm cần được xem xét kỹ lưỡng”

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) Trong khi chờ chính thức hóa việc bổ sung tội danh trục lợi bảo hiểm vào Bộ luật Hình sự sửa đổi, tại nhiều cuộc thảo luận mới đây, đa số ý kiến cho rằng, việc tội phạm hóa một hành vi là điều hệ trọng, nên cần thiết phải được nghiên cứu và đánh giá kỹ lưỡng.

“Tội phạm hóa trục lợi bảo hiểm cần được xem xét kỹ lưỡng”
Toàn cảnh Hội thảo. Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn

Cuối tuần trước, Vụ Pháp luật hình sự hành chính, Bộ Tư pháp phối hợp với Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính và Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Thực trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm và khả năng hình sự hóa một số hành vi trục lợi bảo hiểm”. Trước đó 1 tháng, Hội thảo “Phòng chống trục lợi bảo hiểm” do Công ty Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam (Prudential Việt Nam) phối hợp với Học viện Cảnh sát Nhân dân cũng đã được tổ chức tại TP. Vinh, Nghệ An.

Ông Doãn Thanh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm, sau khi đánh giá thực trạng trục lợi bảo hiểm cũng nhất trí cho rằng, cần hình sự hóa một số tội danh trục lợi bảo hiểm.

Các chuyên gia về pháp luật hình sự cũng cho rằng, có thể cần hình sự hóa một số tội danh liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm để đảm bảo quyền và lợi ích của DN bảo hiểm cũng như người tham gia bảo hiểm. Tuy vậy, để có thể đưa tội trục lợi bảo hiểm vào Bộ luật Hình sự, theo các chuyên gia, cần xem xét kỹ lưỡng hơn để vừa tạo nên một thị trường bảo hiểm lành mạnh, là tấm lá chắn vững vàng cho nền kinh tế - xã hội, nhưng vẫn đảm bảo không hình sự hóa các quan hệ kinh tế.

“Việc tội phạm hóa một hành vi là điều hệ trọng nên cần thiết phải được nghiên cứu kỹ, nhằm vừa đảm bảo tăng cường đấu tranh chống tội phạm, đồng thời phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa’, PGS.TS Đường Minh Giới, Trưởng Khoa sau đại học, Học viện Cảnh sát Nhân dân cho biết.

Chính vì vậy, theo đề xuất của ông Giới, hành vi trục lợi bảo hiểm xâm phạm đến nhiều mối quan hệ được Luật hình sự bảo vệ như quan hệ sở hữu, sự hoạt động đúng đắn của các cơ quan nhà nước, của các DN… Tuy nhiên, do mục đích của hành vi nhằm hướng vào tài sản, đồng thời với nó là việc xâm phạm vào quan hệ sở hữu, phản ánh rõ nét nhất tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội, nên cần xếp tội danh này vào Chương tội phạm xâm phạm sở hữu trong Bộ luật Hình sự.

Ngoài ra, cũng cần định lượng hành vi phạm tội bằng cách quy định rõ, gây ra thiệt hại bao nhiêu thì bị coi là tội phạm; cần phân định rõ 2 loại hình phạt: phạt chính (phạt tiền, tù có thời hạn); hình phạt bổ sung (phạt tiền, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định).

Còn theo Đại tá, PGS.TS Nguyễn Minh Đức, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và phòng ngừa tội phạm, Học viện Cảnh sát Nhân dân, nếu bổ sung tội phạm bảo hiểm vào Bộ luật Hình sự thì cần có một chương quy định “Tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm”, theo đó quy định các hành vi thành 2 nhóm tội danh.

Thứ nhất, quy định và xây dựng cấu thành tội phạm đối với 4 dạng hành vi vi phạm nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) thành các tội danh như sau: Tội trốn đóng BHXH cho người lao động; tội không đóng BHXH cho đủ số người lao động; tội không đóng đúng hạn BHXH cho người lao động; tội không đóng đủ mức BHXH cho người lao động.

Thứ hai, nhóm tội vi phạm quy định về quyền thụ hưởng BHXH, cần tách từ một số tội danh đã có (tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội tham ô tài sản, tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ và tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước) thành một số tội danh riêng cho lĩnh vực BHXH. Đồng thời, xây dựng cấu thành tội phạm cho những tội danh sau: tội tổ chức gian lận BHXH, tội tổ chức gian lận bảo hiểm y tế, tội gian lận BHXH, tội gian lận bảo hiểm y tế, tội cố ý tạo điều kiện cho người khác gian lận BHXH (trong đó có cả bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn); tội thiếu trách nhiệm trong thực hiện BHXH, bảo hiểm y tế.

Ngoài ra, đa số ý kiến nhất trí quan điểm rằng, để thống nhất trong các quy định về xử phạt vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, cũng nên sửa đổi Chương II Nghị định 86/2010/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm và Nghị định 92/2011/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm y tế theo hướng bổ sung quy định giới hạn phạm vi của tiêu chí phân biệt giữa vi phạm và tội phạm cho phù hợp với định hướng sửa đổi Bộ luật Hình sự.