TP. Hà Nội: Nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước

PV.

Theo báo cáo của UBND TP. Hà Nội, thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, TP. Hà Nội đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp quản lý, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chi ngân sách các cấp.

TP. Hà Nội: Nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước. Nguồn: Internet
TP. Hà Nội: Nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước. Nguồn: Internet

Để bảo đảm nguồn vốn cho đầu tư phát triển, trong quá trình xây dựng dự toán năm 2016 và 2017, UBND TP. Hà Nội đã giao Sở Tài chính rà soát, thực hiện tiết kiệm ngay từ khâu dự toán và thực hiện cơ cấu lại so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao để dành nguồn, bổ sung thêm nguồn vốn cho chi đầu tư phát triển và thực hiện các nhiệm vụ quan trọng của Thành phố.

Theo đó, năm 2017, Hà Nội đã cắt giảm 1.496 tỷ đồng chi thường xuyên so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó 1.000 tỷ đồng bổ sung dự phòng ngân sách Thành phố để sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, đột xuất phát sinh của Thành phố và 496 tỷ đồng giành cho chi trả nợ gốc các khoản Thành phố đã huy động cho đầu tư phát triển trong các năm trước.

Nhằm thực hiện quản lý, điều hành chi ngân sách bám sát dự toán được HĐND Thành phố giao, bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm, cơ cấu lại các khoản chi ngân sách nhà nước để nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước, trong điều hành, thực hiện dự toán ngân sách, Hà Nội đã tiến hành thực hiện 5 nhiệm vụ chính, cụ thể:

Một là, rà soát quy trình thực hiện, định mức, đơn giá đặt hàng dịch vụ công ích. Trong năm 2016 và những tháng đầu năm 2017, Thành phố đã rà soát lại quy trình thực hiện, định mức, đơn giá đặt hàng dịch vụ công ích, như: Vận tải hành khách công cộng, duy tu đê điều, chiếu sáng công cộng, dịch vụ thủy lợi, cây xanh, thoát nước...theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí, đưa cơ giới hóa và áp dụng khoa học công nghệ nhằm bảo đảm chất lượng đầu ra ngày một tốt hơn.

Kết quả, qua rà soát đã thực hiện cắt giảm, điều chỉnh 130 quy trình, 454 định mức, 1.071 hạng mục đơn giá với 09 lĩnh vực: vệ sinh môi trường, thoát nước, chiếu sáng, công viên cây xanh, đê điều, tưới tiêu, hạ tâng đường bộ, xe buýt, quan trắc. 

Hai là, triển khai thực hiện mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung. Trong điều hành, thực hiện dự toán ngân sách Thành phố, Hà Nội đã triển khai mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung với danh mục gồm 13 loại tài sản, dịch vụ, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, công khai minh bạch, cải cách thủ tục hành chính, giảm đầu mối trong đấu thầu mua sắm tài sản, hàng hóa của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công thuộc Thành phố, là đơn vị đầu tiên của cả nước thực hiện.

Tính đến nay, Thành phố đã triển khai đấu thầu 6 gói thầu mua sắm tài sản với giá trị trúng thầu là 359,6 tỷ đồng, giảm so với đăng ký nhu cầu của các cơ quan, đơn vị là 22,9 tỷ đồng (5,98%); 26 gói thầu công ích dịch vụ vệ sinh môi trường giai đoạn 2017-2020 với giá trúng thầu 4.470 tỷ đồng, giảm so với đăng ký nhu cầu của các cơ quan, đơn vị là 170,2 tỷ đồng (3,67%), bình quân 1 năm tiết kiệm được 44 tỷ 420 triệu đồng.

Ba là, triển khai rà soát số xe ô tô phục vụ công tác chung. Đồng thời, Hà Nội cũng đã rà soát, dừng triển khai và thu hồi để bổ sung dự phòng ngân sách địa phương đối với các khoản chi thường xuyên chậm phân bổ và triển khai thực hiện theo nghị quyết của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Bốn là, rà soát, dừng triển khai và thu hồi để bổ sung dự phòng ngân sách địa phương đối với các khoản chi thường xuyên chậm phân bổ và triển khai thực hiện theo nghị quyết của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Bên cạnh việc thực hiện các Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN hàng năm và hướng dẫn của Bộ Tài chính, UBND Thành phố đã chỉ đạo Sở Tài chính cùng các sở, ban ngành của Thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên.

Đồng thời, rà soát và kiên quyết dừng triển khai và thu hồi để bổ sung dự phòng ngân sách địa phương đối với kinh phí thường xuyên đã giao trong dự toán đầu năm của các đơn vị sử dụng ngân sách nhưng đến ngày 30/6 chưa phân bổ, với các khoản kinh phí mua sắm, sửa chữa đã bố trí trong dự toán ngân sách giao đầu năm nhưng đến ngày 30/6 chưa triển khai thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Năm là, tập trung thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập gắn với lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công theo quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ.

Sở Tài chính Hà Nội cho biết, đến nay, Hà Nội đã cơ bản hoàn thành công tác rà soát, ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN của Thành phố đối với 11/12 lĩnh vực theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ.

Cụ thể, đã ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công 7 lĩnh vực gồm: y tế và dân số; giáo dục và đào tạo; khoa học công nghệ; thông tin truyền thông và báo chí; lao động, thương binh và xã hội, nông nghiệp và phát triển nông thôn và lĩnh vực tư pháp; 4 lĩnh vực gồm: giao thông vận tải, tài nguyên và môi trường, xây dựng, công thương không có dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN theo phân cấp.

Đồng thời, chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện giao quyền tự chủ tài chính và hướng dẫn chi thường xuyên năm 2017 cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Từng bước tính đúng, tính đủ các chi phí trong giá dịch vụ sự nghiệp công, xóa bỏ bao cấp qua giá, phí dịch vụ nhằm tăng tính cạnh tranh, đảm bảo lợi ích của các đơn vị cung ứng dịch vụ sự nghiệp công và người dân, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách; trong đó đang thực hiện theo lộ trình tiến tới tính đúng, tính đủ chi phí dịch vụ y tế; nâng mức học phí đối với lĩnh vực giáo dục.