Xóa bỏ độc quyền mua bán điện của EVN

Theo canhtranhquocgia.vn

Bộ Công Thương vừa có Quyết định số 8266/QĐ-BCT phê duyệt thiết kế chi tiết thị trường bán buôn điện cạnh tranh, trong đó đáng chú ý nhất là các quy định nhằm xóa bỏ vai trò độc quyền mua bán điện của EVN.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Cụ thể, nếu như từ trước đến nay, tất cả các đơn vị phát điện đều phải bán cho EVN (qua Công ty mua bán điện) thì nay, theo quy định mới, các công ty phát điện đang tham gia thị trường phát điện cạnh tranh, sẽ được bán cho các nhóm đối tượng sau:

Thứ nhất là Công ty mua bán điện của EVN.

Thứ hai, 5 Tổng công ty Điện lực của EVN (miền Bắc, Trung, Nam, Hà Nội và TP.HCM).

Thứ ba là khách hàng sử dụng điện lớn mua điện từ cấp điện áp 110kV trở lên đấu nối trực tiếp vào trạm biến áp truyền tải cấp 220kV đáp ứng các điều kiện theo quy định của Bộ Công Thương.

Thứ tư là đơn vị mua buôn điện cạnh tranh mới được phép tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của Bộ Công Thương. Như vậy, doanh nghiệp này không bắt buộc phải là doanh nghiệp nhà nước, chỉ cần đáp ứng đủ điều kiện sẽ được cấp phép để mua điện từ thị trường, bán lại cho các hộ tiêu thụ điện lớn.

Thay vì phải mua điện từ EVN, các đơn vị trên sẽ được mua điện trực tiếp từ thị trường phát điện cạnh tranh để bán cho khách hàng (hiện hầu hết các công ty phát điện đã chào giá và được huy động theo mức giá từ thấp đến cao trên thị trường phát điện cạnh tranh).

Về kế hoạch thực hiện, giai đoạn chuẩn bị sẽ đến hết năm 2015, trong đó sẽ hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án tái cơ cấu ngành điện, hoàn thành đề án phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ vận hành và giám sát thị trường, xây dựng và ban hành đề cương nội dung đào tạo, nâng cao năng lực cho các thành viên tham gia thị trường.

Giai đoạn vận hành thí điểm bước 1 sẽ thực hiện trong năm 2016 (tính toán mô phỏng trên giấy, không thanh toán thực).

Giai đoạn vận hành thí điểm bước 2 thực hiện từ 2017 -2018 với những thử nghiệm các cơ chế vận hành thị trường trong thực tế, tiếp tục hoàn thiện các quy định sau đó sẽ tổng kết, đánh giá, điều chỉnh cơ chế vận hành thị trường hoàn chỉnh (nếu cần thiết) để triển khai giai đoạn vận hành chính thức thị trường hoàn chỉnh từ năm 2019.

Cũng theo Quyết định, tất cả các nhà máy điện đều được quyền lựa cách thức tham gia thị trường bán điện.

Cụ thể, bên bán điện là tất cả các nhà máy điện có công suất đặt trên 30 MW sẽ trực tiếp tham gia thị trường điện. Các nhà máy thủy điện có công suất đặt từ 30 MW trở xuống có quyền lựa chọn tham gia thị trường khi đáp ứng đủ các điều kiện về cơ sở hạ tầng. Các nhà máy điện BOT, nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu tham gia thị trường bán buôn cạnh tranh theo một trong các hình thức như: Trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua đơn vị chào giá thay thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)…

Lộ trình hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam theo Quyết định 63/2013/QĐ-TTg


Thị trường điện lực được hình thành và phát triển qua 03 cấp độ sau:

1. Thị trường phát điện cạnh tranh (cấp độ 1): Tiếp tục thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh đến hết năm 2014.

2. Thị trường bán buôn điện cạnh tranh (cấp độ 2):

a) Từ năm 2015 đến năm 2016: Thực hiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh thí điểm;

b) Từ năm 2017 đến năm 2021: Thực hiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh hoàn chỉnh.

3. Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh (cấp độ 3):

a) Từ năm 2021 đến năm 2023: Thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh thí điểm;

b) Từ sau năm 2023: Thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh hoàn chỉnh.

Như vậy theo thiết kế chi tiết của Bộ Công Thương, lộ trình đã được đẩy nhanh hơn so với kế hoạch ban đầu.