Tình hình mới, cách tiếp cận mới

Theo Tích Chu/Báo Sóc Trăng

Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến với 27 tỉnh, thành từ Phú Yên đến Cà Mau vào ngày 15/7, về những giải pháp mạnh mẽ hơn trong phòng, chống dịch Covid-19, nhằm đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu kép là vừa chống dịch có hiệu quả, vừa tăng trưởng kinh tế năm 2021.

Lúa Hè – Thu của tỉnh sắp vào vụ thu hoạch, rất cần có phương án, giải pháp tiêu thụ tốt để tạo sự an tâm cho nông dân. Ảnh minh họa: Tích Chu
Lúa Hè – Thu của tỉnh sắp vào vụ thu hoạch, rất cần có phương án, giải pháp tiêu thụ tốt để tạo sự an tâm cho nông dân. Ảnh minh họa: Tích Chu

Theo Thủ tướng, diễn biến dịch bệnh tại 27 tỉnh, thành trên còn diễn biến phức tạp, khó lường, nên các ca lây nhiễm trong cộng đồng có thể tăng lên trong thời gian tới. Vì vậy, các địa phương cần có những giải pháp tốt, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương và khu vực để không xảy ra các vấn đề phức tạp về an ninh trật tự, hay phát sinh tư tưởng chủ quan dẫn đến tác động xấu đến đời sống của người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các khu công nghiệp và các chuỗi cung ứng.

Với diễn biến dịch bệnh còn phức tạp như hiện nay, theo Thủ tướng, ưu tiên số 1 với các địa phương trên là cần tập trung phòng, chống dịch hiệu quả, nhưng không bỏ qua cơ hội tận dụng được để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đảm bảo cho tăng trưởng kinh tế. Trong tình hình mới hiện nay, Thủ tướng đề nghị các địa phương phải có cách tiếp cận mới trên cơ sở bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh địa phương và khu vực, căn cứ điều kiện cụ thể của địa phương để đưa ra những quyết sách phù hợp, trên cơ cở việc phòng, theo hướng chống dịch hiệu quả nhưng phải tôn trọng lợi ích chính đáng và hợp pháp của người dân.

Bên cạnh việc ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch, Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành và địa phương cần phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là khâu vận tải, cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa cần được bảo đảm thông suốt, tránh tình trạng ách tắc như vừa qua làm cho giá cả một số loại hàng hóa tăng cao.

Hiện nay, các địa phương và Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức được các “luồng xanh” để lưu thông hàng hóa đi, đến hoặc đi qua địa phương, liên tỉnh, liên vùng và quốc gia nhằm giải quyết tình trạng hàng hóa bị ách tắc do cách điều hành chưa thống nhất giữa các địa phương trên nguyên tắc giảm thiểu các thủ tục, nhanh nhất, thuận lợi nhất.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ Giao thông Vận tải cần thống kê toàn bộ lái xe đường dài để tập trung tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho nhóm đối tượng này và Bộ Y tế cần nghiên cứu lại quy định xét nghiệm định kỳ cho lái xe vận tải hàng hóa. Riêng ngành nông nghiệp thời gian qua tuy có đôi chút khó khăn trong tiêu thụ nhưng nhìn chung nhịp độ sản xuất vẫn được giữ vững, đảm bảo nguồn cung dồi dào về lương thực, thực phẩm.

Hiện nay, một số tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu vào vụ thu hoạch lúa Hè – Thu và cùng với đó là những vườn cây ăn trái cũng đang cho thu hoạch, nên vấn đề thu mua, vận chuyển, lưu thông hàng hóa là rất quan trọng. Tại Sóc Trăng, theo báo cáo từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, hiện 2.536ha nhãn với sản lượng ước khoảng 25.626 tấn của các huyện: Kế Sách, Long Phú, Cù Lao Dung và TX. Vĩnh Châu sẽ cho thu hoạch từ tháng 7 đến tháng 12, nên việc tìm kiếm một giải pháp tiêu thụ càng trở nên cấp bách.

Theo đó, ngành chuyên môn và các địa phương đã đề xuất một số biện pháp tiêu thụ như: đưa lên sàn thương mại điện tử, tìm kiếm doanh nghiệp thu mua, đóng gói từng loại nhãn khi đưa tiêu thụ, quảng bá nhãn trên online… Không riêng gì nhà vườn trồng nhãn, nông dân trồng lúa Hè – Thu cũng đang lo sốt vó vì không đầy 30 ngày nữa là đến vụ thu hoạch nhưng vẫn chưa thấy bóng thương lái, hay doanh nghiệp đến đặt vấn đề thu mua.

Sóc Trăng đang quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19 với mục tiêu sớm khống chế dịch nhanh, an toàn và hiệu quả để khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, trước mắt, song song với công tác phòng, chống dịch thì việc sớm có phương án, giải pháp tiêu thụ một số mặt hàng nông, thủy sản chủ lực cũng đang là vấn đề cấp thiết, nhằm đảm bảo hiệu quả sản xuất và tạo sự an tâm trong sản xuất cho nông dân. Đó cũng là một trong những cách tiếp cận có hiệu quả trong tình hình dịch bệnh hiện nay.