Tổng cục Thuế: Tiếp tục hoàn thiện chính sách về thuế


Kết quả thu 6 tháng đầu năm 2019 do Tổng cục Thuế quản lý ước đạt 597.786 tỷ đồng, bằng 51,2% so với dự toán pháp lệnh, tăng 12,5% so với cùng kỳ. Đó là số liệu được Tổng cục Thuế công bố tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác thuế 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp công tác thuế 6 tháng cuối năm 2019. 

Vẫn còn những tồn tại cần khắc phục

Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác thuế 6 tháng đầu năm 2019, Tổng cục Thuế cho rằng nhiệm vụ công tác thuế 6 tháng đầu năm 2019 đã đạt được những kết quả toàn diện trên tất cả lĩnh vực. Đã có 50/63 địa phương tiến độ thu nội địa đạt trên 50% dự toán, trong đó có 44/63 địa phương đạt khá (trên 52%).

Cụ thể, số thu do cơ quan thuế các cấp thực hiện 6 tháng đầu năm 2019 đạt khá so với thực hiện cùng kỳ một số năm gần đây. Một số khoản thu, sắc thuế đạt khá so dự toán và tăng trưởng cao so cùng kỳ, như: Thu từ dầu thô ước đạt 30.350 tỷ đồng, bằng 68% dự toán, bằng 100,7% so với cùng kỳ; Thu nội địa ước đạt 567.437 tỷ đồng, bằng 50,5% so với dự toán pháp lệnh, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2018...

Tại Hội nghị, đại biểu đến từ các đơn vị như Cục Thuế Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Thừa Thiên Huế, Quảng Ninh đã có những bài tham luận liên quan đến các nội dung như thu hồi nợ đọng, thanh tra kiểm tra thuế, cải cách hành chính tinh gọn bộ máy.

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Trần Xuân Hà biểu dương những kết quả mà ngành Thuế đã nỗ lực đạt được trong 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế mà cơ quan thuế cần khắc phục.

Theo Thứ trưởng, tình hình kinh tế - xã hội có những điểm thuận lợi song vẫn có khó khăn nhất định như: tăng trưởng có thể đạt cao nhưng tốc độ có chậm hơn 2018, bên cạnh đó cũng chịu ảnh hưởng của xung đột thương mại của một số nền kinh tế lớn, tình hình hạn hán, bệnh dịch ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Vì vậy, có ảnh hưởng nhất định đến việc thực hiện nhiệm vụ dự toán thu 2019.

Về cơ chế chính sách quản lý thu, chính sách về thuế tuy đã được bổ sung, sửa đổi nhiều nhưng hệ thống các văn bản pháp luật chưa thực sự đồng bộ, có phần mâu thuẫn nhau; giữa qui định về quản lý thu với một số chính sách thuế. Một số nội dung chưa rõ này tạo ra sự bất cập trong thực hiện.

Bên cạnh đó, tình trạng trốn thuế, né thuế, chuyển giá, chuyển lợi nhuận khá phức tạp, nhất là các giao dịch liên kết, mặc dù cơ quan thuế có rất nhiều nỗ lực song cơ chế chính sách chưa thực sự hoàn thiện, chưa phù hợp với thực tế vì vậy có ảnh hưởng đến công tác quản lý thu.

Tình trạng nợ đọng về thuế đã được quan tâm xử lý tuy nhiên tình hình còn phức tạp, tổng số nợ gia tăng, nhất là nợ không có khả năng thu hồi (đến 30/6 là 83.389 tỷ, tăng 9,3%) hơn 7.000 tỷ. Nợ đọng này phản ánh chưa thực chất, trong đó 20,2% là khoản phạt và tiền chậm nộp.

Tăng cường phối hợp triển khai đồng bộ 8 nhóm nhiệm vụ

Chỉ ra những hạn chế, tồn tại, Thứ trưởng Trần Xuân Hà đề nghị Tổng cục Thuế cần chỉ đạo toàn hệ thống thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ sau:

Một là, các đơn vị trong hệ thống khẩn trương, tích cực trong việc tập trung thu NSNN, phấn đấu thu NSNN vượt 5% dự toán, trong đó thu nội địa (trừ xổ số kiến thiết, tiền thu sử dụng đất, chênh lệch lợi nhuận), toàn ngành cần phấn đấu đạt dự toán được giao. Đối với một số đơn vị còn khó khăn trong công tác thu như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương (đặc biệt liên quan đến thu sử dụng đất và thu từ khu vực FDI).

Tổng cục Thuế: Tiếp tục hoàn thiện chính sách về thuế - Ảnh 1

Tình hình kinh tế - xã hội có những điểm thuận lợi song vẫn có khó khăn nhất định. Tuy nhiên, việc thực hiện dự toán NSNN năm 2019 và 2020 có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020, chính vì vậy, Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tài chính mong rằng với sự đoàn kết, quyết tâm cao, toàn ngành Thuế sẽ hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính - ngân sách toàn ngành Tài chính."

Thứ trưởng Trần Xuân Hà.

Hai là, xây dựng dự toán thu ngân sách 2020 tích cực và phù hợp khả năng thực tế. Dự toán thu 2020 tăng 11-12% so với ước thực hiện 2019 (số kiểm tra cao hơn 3%) để đảm bảo cân đối ngân sách.

Ba là, Tổng cục Thuế phối hợp với các đơn vị khẩn trương dự thảo trình Chính phủ các Nghị định hướng dẫn Luật Quản lý thuế, các Thông tư thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính. Đồng thời, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ không có khả năng thu hồi. 

Bốn là, tiếp tục thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra chống thất thu NSNN, chống chuyển giá. Trong 6 tháng cuối năm, toàn hệ thống thuế phải thực hiện 60% kế hoạch cả năm 2019. Đồng thời đặc biệt lưu ý công tác thanh tra, kiểm tra gắn với thu hồi nợ đọng.

Năm là, tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 trở lên. Thí điểm thực hiện hóa đơn điện tử ở một số thành phố lớn, thu thuế qua hệ thống kết nối máy tính tiền các khu vực: khách sạn, nhà hàng, grab, be, goviet… Tập trung triển khai dứt điểm các dự án đang được triển khai, và lựa chọn ứng dụng quan trọng đối với ngành Thuế.

Sáu là, đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quản lý thuế. Cần có kế hoạch tuyên truyền có hiệu quả, trong đó có tuyên truyền về Luật Quản lý thuế, các quy trình, nghiệp vụ thuế, giải thích khó khăn vướng mắc với người nộp thuế. Đồng thời, thực hiện hợp tác quốc tế về thuế; rà soát lại tất cả các Hiệp định thuế, trình cấp có thẩm quyền Hiệp định đa phương về chống xói mòn thuế, chuyển lợi nhuận theo cam kết quốc tế. 

Bảy là, tiếp tục thực hiện sắp xếp lại tổ chức bộ máy, triển khai kế hoạch hợp nhất các Chi cục thuế huyện/quận/thị xã thành các Chi cục thuế khu vực; thực hiện luân phiên, luân chuyển cán bộ lãnh đạo theo quy định. Cùng với đó, đẩy nhanh công tác giải ngân vốn đặc biệt là vốn xây dựng cơ bản và vốn giải ngân các đề án công nghệ thông tin nội ngành. 

Tám là, rà soát việc thực hiện kết luận của Ủy ban kiểm tra Trung ương, kết luận Thanh tra Chính phủ, của Kiểm toán Nhà nước, trong đó có các kiến nghị thu nộp NSNN cũng như kiểm điểm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác quản lý để thể hiện triển khai kết luận nghiêm túc và cầu thị để sao đó có sự chuyển biến tích cực trong công tác nội ngành.