Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước 2 tháng đầu năm tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2019


Theo nhận định của Bộ Tài chính, tiến độ thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN) cho đến thời điểm hiện tại vẫn giúp ngân sách trung ương (NSTW) và ngân sách các cấp địa phương (NSĐP) đảm bảo được cân đối.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, số thu NSNN từ hoạt động xuất nhập khẩu tháng 2 và 2 tháng đầu năm nay đều giảm so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thể, số thu tháng 2 ước đạt 23.700 tỷ đồng, thấp hơn 2.300 tỷ đồng so với tháng 1. Trong khi đó, tổng thu 2 tháng đầu năm ước đạt 49.700 tỷ đồng, bằng 14,7% dự toán và giảm 7.87% so với cùng kỳ năm 2019.

Tổng thu 2 tháng đầu năm từ xuất, nhập khẩu ước đạt 49.700 tỷ đồng, bằng 14,7% dự toán và giảm 7.87% so với cùng kỳ năm 2019. Theo Tổng cục Hải quan, nguyên nhân là hầu hết kim ngạch xuất, nhập khẩu của các mặt hàng đóng góp số thu lớn (máy móc, thiết bị, sắt thép, xăng dầu...) đều giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, qua 2 tháng đầu năm, tiến độ thu, chi vẫn giúp NSTW và NSĐP đảm bảo được cân đối.

Cụ thể, theo số liệu tổng hợp của Bộ Tài chính, tổng thu thu nội địa trong 2 tháng đầu năm đạt 233,2 nghìn tỷ đồng, bằng 18,4% dự toán, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Tính đến hết tháng 2, có 9/18 khoản thu, sắc thuế đạt khá (trên 17%), trong đó một số khoản thu lớn như: Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 20,8%; khu vực công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh đạt 18,4%; thuế thu nhập cá nhân đạt 18,8%; thu từ xổ số đạt 33,6%; thu cổ tức, lợi nhuận còn lại đạt 21,6%; tiền sử dụng đất ước đạt 22,5%,.... 9/18 khoản thu còn lại đạt dưới 17% gồm khu vực doanh nghiệp nhà nước ước đạt 16%; Thuế bảo vệ môi trường ước đạt 14,4%; lệ phí trước bạ ước đạt 13,3%; phí, lệ phí ước đạt 15,3%; thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên khoáng sản ước đạt 9,5%,...

2 tháng qua, có 45/63 địa phương có tiến độ thực hiện dự toán cao hơn tiến độ chung 18%, 8/63 địa phương thu đạt ở mức trung bình từ 16-18%. Còn 10/63 địa phương có tiến độ thu đạt thấp (dưới 16%) là Đà Nẵng, Quảng Trị, Hải Phòng, Bắc Cạn, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Lào Cai, Sơn La, Hòa Bình, Lai Châu.

Tính riêng trong tháng 2/2020, tổng thu cân đối NSNN ước đạt 95,1 nghìn tỷ đồng, đóng góp vào luỹ kế thu 2 tháng đầu năm đạt 276,7 nghìn tỷ đồng, bằng 18,3% dự toán, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2019.

Để phòng, chống dịch Covid-19, cả NSTW và NSĐP đã tăng chi cho các hoạt động y tế, bảo đảm vệ sinh môi trường và các hoạt động hỗ trợ kiểm soát, phòng chống và dập dịch viêm đường hô hấp cấp do virut corona gây ra. NSTW đã trích 517,7 tỷ đồng dự phòng năm 2020 bổ sung cho Bộ Y tế triển khai các hoạt động phòng, chống dịch.

Bên cạnh đó, thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã xuất cấp 12,76 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để khắc phục hậu quả thiên tai, cứu trợ, cứu đói cho nhân dân trong dịp giáp hạt đầu năm 2020.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính đang tiếp tục chỉ đạo Vụ NSNN, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và các đơn vị liên quan đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến tình hình thu NSNN để có những biện pháp kịp thời trong từng giai đoạn.

Song song với đó, Bộ Tài chính sẽ đồng thời áp dụng tích cực nhiều giải pháp nhằm hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ cân đối NSNN được giao, như: chống thất thu, đẩy mạnh quản lý rủi ro, thanh kiểm tra; xử lý vướng mắc, đôn đốc thu hồi nợ thuế; cải cách hành chính, tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh...