TP. Hồ Chí Minh: Đường trên cao 30 nghìn tỷ đầu tư thế nào?

Theo Tư Doãn/baogiaothong.vn

Nhà đầu tư vừa đề xuất nghiên cứu làm đường trên cao Bắc - Nam với tổng mức đầu tư 30 nghìn tỷ đồng.

Tuyến đường trên cao Bắc - Nam sẽ góp phần giải quyết ùn tắc ở khu vực trung tâm TP. Hồ Chí Minh
Tuyến đường trên cao Bắc - Nam sẽ góp phần giải quyết ùn tắc ở khu vực trung tâm TP. Hồ Chí Minh

Đây là tuyến đường nối các quận phía Nam như quận 7, Nhà Bè đến Tân Sơn Nhất, góp phần giải quyết ùn tắc ở các quận trung tâm TP. Hồ Chí Minh.

Nơm nớp nỗi lo ùn tắc

Anh Nguyễn Văn Chí (trú ở Nhà Bè) chia sẻ, mỗi lần có việc đi sân bay Tân Sơn Nhất là anh lại nơm nớp lo ùn tắc. Vào những dịp cao điểm lễ, Tết, nếu có chuyến bay lúc 10h sáng, từ khoảng 6h30 anh đã phải bắt đầu đi từ nhà.

“Khi di chuyển qua các tuyến ở đường quận 4, cầu Kênh Đôi, Kênh Tẻ và quận 1, 3 đều rất lo khi giờ bay thì sắp tới mà đường đông nghẹt”, anh Chí nói.

Chị Lê Thị Hường (trú quận 12) sáng nào cũng đến cơ quan ở quận 1 làm việc, phải di chuyển qua tuyến đường Cộng Hòa. Chị Hường cho hay, dù đã được mở rộng gấp đôi, nhưng đường Cộng Hòa thường xuyên ùn tắc bởi lưu lượng phương tiện quá đông. Từ lâu, tuyến đường đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân các quận 12, Hóc Môn, Củ Chi.

Ghi nhận của phóng viên, khu vực các quận phía Nam đi vào trung tâm, phương tiện thường di chuyển qua các tuyến đường chính là Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Hữu Thọ - Cầu Kênh Tẻ.

Đây là hai tuyến đường đã quá tải do có bề rộng nhỏ, cầu hẹp. Trong khi đó, khu đô thị Nam Sài Gòn đang xây dựng thêm hàng loạt các dự án, như: Mở rộng khu đô thị Phú Mỹ Hưng, khu đô thị GS Nhà Bè, Hiệp Phước…

Chỉ trong khoảng 5 năm tới, lượng cư dân tập trung về khu phía Nam sẽ tăng đáng kể. Lúc đó, kết nối giao thông giữa khu vực phía Nam và trung tâm càng thêm áp lực.

Ở hướng Bắc, sân bay Tân Sơn Nhất hiện đang là “điểm nóng” ùn tắc giao thông vào các giờ cao điểm và các dịp lễ, Tết. Hiện hướng lưu thông thuận tiện nhất từ các quận huyện phía Bắc và sân bay về trung tâm thành phố là hai hướng đường Cộng Hòa, Nguyễn Văn Trỗi và đường Cách Mạng Tháng Tám. Tuy vậy, các tuyến này cũng đã quá tải, có nhiều ngã ba, ngã tư giao cắt.

Được biết, TP. Hồ Chí Minh đã quy hoạch 5 tuyến đường bộ trên cao từ gần 10 năm trước. Tuy nhiên, đến nay chưa có một tuyến nào có hướng đề xuất đầu tư, bởi nguồn vốn rất lớn.

Mới đây, Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (CII) đã đề xuất tự nghiên cứu đầu tư trục đường trên cao Bắc - Nam. Tuyến đường dài 14,1km, 4 làn xe, điểm đầu từ nút giao Cộng Hòa - Trường Chinh (quận Tân Bình), sau đó chạy dọc các tuyến Cộng Hòa - Bùi Thị Xuân - hẻm 656 (đường Cách Mạng Tháng Tám) - Bắc Hải - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - dọc kênh Ông Lớn và kết thúc tại đường Nguyễn Văn Linh (quận 7).

Trong quy hoạch hệ thống đường trên cao của TP. Hồ Chí Minh, không có tuyến đường trên cao Bắc - Nam. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Mai Bảo Trâm, Phó tổng giám đốc CII, tuyến đường trên cao mà CII đề xuất không phải là tuyến đường mới.

Đây là sự kết hợp từng đoạn của 3 tuyến đường trên cao số 1, 2, 3 để ưu tiên xây dựng trước. Trong tương lai, khi TP. Hồ Chí Minh có đủ nguồn lực để xây dựng hoàn thiện các phân đoạn còn lại và các tuyến số 4, 5 sẽ tạo thành hệ thống giao thông trên cao hoàn chỉnh, đồng bộ.

“Vì vậy, dự án phù hợp qui hoạch, việc xây dựng đường trên cao các giai đoạn sau có thể thực hiện được mà không ảnh hưởng đến điều kiện khai thác của dự án”, bà Trâm nói.

Thu phí tự động để hoàn vốn

Cũng theo bà Trâm, nhà đầu tư đề xuất sẽ tự bỏ kinh phí để nghiên cứu dự án. Khái toán nguồn vốn đầu tư cho dự án khoảng gần 30.000 tỷ đồng. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 15.500 tỷ, chi phí xây dựng khoảng 14.500 tỷ, chưa tính chi phí lãi vay.

CII cũng đề xuất hình thức đầu tư là PPP, loại hợp đồng BOT và tiến độ thực hiện trong thời gian từ năm 2021 - 2025. Sau khi có phương án, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ quyết định việc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy định pháp luật.

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh cho rằng, trong điều kiện khó khăn về ngân sách, việc đầu tư hạ tầng theo hình thức BOT là phù hợp. Tuyến đường bộ trên cao mà CII đề xuất cũng phù hợp với định hướng phát triển hạ tầng giao thông thành phố đã phê duyệt đến năm 2030.

CII cũng đề xuất các phương án tài chính để hoàn vốn cho dự án. Với tổng mức đầu tư rất lớn, nhà đầu tư kiến nghị thành phố bỏ kinh phí để giải phóng mặt bằng. Với nguồn vốn xây lắp, nhà đầu tư đề xuất thu hồi vốn bằng thu phí dịch vụ theo hình thức thu phí tự động. Ngoài hoàn vốn bằng thu phí, nhà đầu tư còn đề xuất kết hợp chỉnh trang đô thị tại một số khu vực mà tuyến đường đi qua.

Theo ông Lâm, ý tưởng về đầu tư tuyến đường trên cao Bắc - Nam của CII đã được các Sở, ngành lắng nghe. Sở Giao thông vận tải đề xuất UBND TP giao Sở Giao thông vận tải thực hiện các công tác chuẩn bị như: Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự án khả thi, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư với một số tuyến đường trên cao theo quy hoạch. Hoặc giao Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện đề xuất dự án PPP theo quy định. UBND Thành phố sẽ tổ chức cuộc họp giữa nhà đầu tư và các sở ngành để cho ý kiến về dự án này.

Hướng tuyến đường trên cao Bắc - Nam

Đoạn 1: Bắt đầu từ nút giao Cộng Hòa và Trường Chinh, theo hướng tuyến quy hoạch của đường trên cao số 1 - đi dọc theo đường Cộng Hòa đến nút giao Lăng Cha Cả. Chiều dài khoảng 3,1km.

Đoạn 2: Theo hướng tuyến quy hoạch của đường trên cao số 2, từ Lăng Cha Cả tuyến rẽ theo Bùi Thị Xuân đến kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè, tuyến cắt qua Hẻm 658 - đường Cách Mạng Tháng Tám, đi dọc theo đường Bắc Hải đến nút giao với đường Thành Thái. Chiều dài khoảng 2,6km.

Đoạn 3: Theo hướng tuyến quy hoạch của đường trên cao số 3, từ nút giao Bắc Hải - Thành Thái, tuyến đi dọc theo đường Bắc Hải - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - dọc kênh Ông Lớn và kết thúc tại đường Nguyễn Văn Linh, vị trí tiếp giáp giữa nút giao cầu Ông Lớn và cầu Ông Bé trên đường Nguyễn Văn Linh. Chiều dài khoảng 8,4km.