Trao đổi về Chỉ số công khai minh bạch ngân sách ở Việt Nam

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 1 - Tháng 6/2020

Kết quả khảo sát toàn cầu về Chỉ số công khai ngân sách mở năm 2019 vừa được công bố cho thấy, điểm số công khai minh bạch ngân sách của Việt Nam đã tăng mạnh so với các kỳ đánh giá trước đó.

Chỉ số công khai minh bạch ngân sách ở Việt Nam được các tổ chức minh bạch quốc tế đánh giá cao.
Chỉ số công khai minh bạch ngân sách ở Việt Nam được các tổ chức minh bạch quốc tế đánh giá cao.

Trong bối cảnh nhiều nền kinh tế trên thế giới đang bị ảnh hưởng bị dịch bệnh Covid-19, việc chỉ số công khai minh bạch ngân sách ở Việt Nam được các tổ chức minh bạch quốc tế đánh giá cao có ý nghĩa quan trọng đến niềm tin của người dân và đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài đã đang và sẽ đến đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới.

Sáng kiến thúc đẩy công khai minh bạch ngân sách

Khảo sát ngân sách mở (OBS) là sáng kiến nhằm thúc đẩy công khai minh bạch ngân sách do Tổ chức Quan hệ đối tác ngân sách quốc tế (IBP) thực hiện định kỳ 2 năm/lần. Hoạt động này được bắt đầu từ năm 2006, đến nay đã được triển khai thực hiện tại trên 100 quốc gia trên thế giới. Việc khảo sát được tiến hành thông qua Bảng hỏi ngân sách mở dựa trên 3 trụ cột lớn là: (i) Công khai ngân sách; (ii) Sự tham gia của công chúng; (iii) Giám sát của cơ quan lập pháp và kiểm toán.

Việt Nam là một trong những quốc gia được IBP khảo sát từ năm 2006. Đến năm 2012, IBP phối hợp với Trung tâm hội nhập quốc tế (CDI) cùng tham gia khảo sát, đánh giá về hoạt động công khai minh bạch ngân sách của Việt Nam.

CDI có trên 8 năm kinh nghiệp làm việc trong lĩnh vực lập kế hoạch có sự tham gia, minh bạch ngân sách, trách nhiệm giải trình và sự tham gia của người dân tại Việt Nam. CDI chịu trách nhiệm thực hiện khảo sát ngân sách mở tại Việt Nam 2 năm 1 lần và theo dõi công khai ngân sách trực tuyến hàng tháng tại Việt Nam.

Việc tham gia mạng lưới quốc tế về minh bạch ngân sách cho CDI nhiều cơ hội trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao năng lực về minh bạch ngân sách và trách nhiệm giải trình, đặc biệt là với công cụ ngân sách công dân.

CDI là một thành viên của Liên minh Minh bạch Ngân sách của các tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam, thực hiện việc vận động chính sách cho Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) sửa đổi, bổ sung hướng tới minh bạch, trách nhiệm giải trình và sự tham gia của người dân.

Để đảm bảo tính chính xác, minh bạch, khách quan, từ năm 2015, IBP đề nghị Bộ Tài chính tham gia vào quá trình khảo sát để đưa ra ý kiến bình luận và cung cấp các tài liệu hỗ trợ trả lời các câu hỏi khảo sát. Từ đó đến nay, trong quá trình khảo sát, IBP đã thông qua tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam là CDI thực hiện đánh giá và cung cấp bằng chứng để trả lời các câu hỏi khảo sát; đồng thời, mời đại diện Chính phủ các nước.

Ở Việt Nam do Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Kiểm toán Nhà nước, Văn phòng Quốc hội tham gia bình luận và cung cấp tài liệu hỗ trợ trả lời các câu hỏi khảo sát.

Kết quả điểm số công khai minh bạch ngân sách của Việt Nam

Theo kết quả Khảo sát toàn cầu về Chỉ số công khai ngân sách mở 2019 vừa được IBP công bố mới đây, điểm số công khai minh bạch ngân sách của Việt Nam đã tăng mạnh so với các năm trước. Cụ thể, kết quả điểm số công khai minh bạch ngân sách của Việt Nam năm 2019 đã có bước cải thiện so với kỳ đánh giá năm 2017, xếp hạng 77/117 nước, tăng 14 bậc, trong đó: đạt 38/100 điểm đối với trụ cột Công khai ngân sách, tăng 23 điểm; 11/100 điểm đối với trụ cột Sự tham gia của công chúng, tăng 4 điểm; 74/100 điểm đối với trụ cột Giám sát, tăng 2 điểm so với năm 2017.

Theo IBP, Việt Nam được đánh giá đã có nhiều nỗ lực và bước tiến đáng ghi nhận về mức độ công khai minh bạch NSNN. Với việc áp dụng các quy định của Luật NSNN năm 2015 (có hiệu lực từ năm ngân sách 2017), phạm vi, đối tượng, nội dung và hình thức công khai đã được mở rộng hơn so với trước đây.

Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, việc công khai số liệu và báo cáo thuyết minh về dự toán NSNN khi Chính phủ trình Quốc hội, kèm theo Báo cáo ngân sách công dân với ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu đã tạo cơ hội để người dân nắm bắt thông tin, từ đó tăng cường sự quan tâm và tham gia tích cực vào quá trình xây dựng, giám sát ngân sách.

Về mức độ công khai minh bạch ngân sách, Quốc hội đã thông qua Luật NSNN năm 2015 (có hiệu lực từ năm ngân sách 2017) với những quy định về phạm vi, đối tượng, nội dung và hình thức công khai được mở rộng hơn rất nhiều so với trước đây, chẳng hạn như việc công khai số liệu và báo cáo thuyết minh về dự toán NSNN khi Chính phủ trình Quốc hội...

Bên cạnh đó, phải kể đến sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành và các cấp chính quyền địa phương đối với công tác công khai ngân sách.

Cho đến nay, Bộ Tài chính đã thực hiện công bố 8 tài liệu ngân sách chủ chốt cần được công khai theo thông lệ quốc tế, bao gồm: (1) Định hướng xây dựng ngân sách; (2) Dự thảo dự toán ngân sách trình Quốc hội; (3) Dự toán ngân sách được Quốc hội quyết định; (4) Báo cáo ngân sách công dân; (5) Báo cáo ngân sách quý; (6) Báo cáo ngân sách 6 tháng; (7) Báo cáo ngân sách cuối năm; (8) Báo cáo kiểm toán; trong đó 7/8 tài liệu được IBP công nhận và tính điểm, riêng Báo cáo ngân sách 6 tháng tạm thời chưa được tính điểm do chưa đưa ra các thông tin định lượng về dự báo NSNN cả năm.

Bên cạnh đó, nhằm tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận, tham gia xây dựng dự toán ngân sách và giám sát quá trình quản lý, sử dụng NSNN, báo cáo ngân sách công dân được xây dựng với ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu. Đồng thời, Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính cũng đã mở chuyên mục Công khai ngân sách để công khai đầy đủ, kịp thời các tài liệu, số liệu về NSNN; chuyên mục Hỏi và đáp để tiếp nhận và giải đáp kịp thời các ý kiến, góp ý của người dân.

Theo các chuyên gia kinh tế, kết quả đánh giá trên một mặt thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong việc hoàn thiện khung khổ pháp lý, chế độ, chính sách nhằm tăng cường công khai minh bạch ngân sách; mặt khác, thể hiện sự hợp tác chủ động, tích cực của các cơ quan chức năng trong quá trình khảo sát của IBP.

Lợi ích đạt được từ Chỉ số công khai minh bạch ngân sách

Theo Tổng cục Thống kê, từ đầu năm 2020 đến nay, dịch bệnh Covid-19 đã lan rộng trong phạm vi toàn cầu và tác động nghiêm trọng đến kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng. Thị trường vốn, thị trường tài chính thế giới đồng loạt giảm mạnh, dịch chuyển dòng đầu tư FDI từ nước này sang nước khác để tránh gián đoạn nguồn cung và sự phụ thuộc quá mức vào một nền kinh tế...

Đã có nhiều tổ chức quốc tế uy tín đã đồng loạt hạ thấp dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2020, trong đó OECD (tháng 3/2020) dự báo chỉ đạt 2,4%, WB (tháng 3/2020) dự báo 2,5%, IMF (tháng 4/2020) dự báo ở mức -3%; tăng trưởng của các nền kinh tế chủ chốt cũng được dự báo sụt giảm nghiêm trọng, trong đó Mỹ chỉ còn 0,4% (dự báo của ADB tháng 4/2020) hoặc có thể ở mức -5,9% (IMF, tháng 4/2020), EU mức -1% (ADB, tháng 4/2020) hoặc thậm chí -7,2% (IMF, tháng 4/2020), Trung Quốc 2,3% (ADB, tháng 4/2020) hoặc 1,2% (IMF, tháng 4/2020), Nhật Bản -1,5% (ADB, tháng 4/2020) hoặc thậm chí -5,2% (IMF, tháng 4/2020).

Trong bối cảnh đó, Việt Nam vừa thực hiện kiểm soát tốt dịch bệnh, vừa đẩy mạnh hoạt động khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội. Tăng trưởng kinh tế mặc dù có bị suy giảm (GDP quý I/2020 chỉ tăng 3,81% so với kế hoạch cả năm đề ra là 6,8%), nhưng vẫn là điểm sáng trong khu vực và trên thế giới. Nền tảng kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được duy trì ổn định, tạo thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội sau khi dịch bệnh kết thúc.

Chính phủ đã chủ động cập nhật, thông tin kịp thời tình hình và biện pháp phòng chống dịch bệnh cho người dân; gặp gỡ, trao đổi với các doanh nghiệp để nắm bắt khó khăn và có đánh giá đầy đủ, toàn diện tác động của dịch bệnh Covid-19 tới nền kinh tế và cân đối ngân sách, từ đó ban hành và chỉ đạo thực hiện các giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do đại dịch gây ra.

Những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong điều hành nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm cân đối thu chi ngân sách, linh hoạt trong điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ... đã được các tổ chức quốc tế ghi nhận. Mới đây, ngày 21/5/2020, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings (S&P) thông báo tiếp tục duy trì xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức BB, triển vọng Ổn định.

Việc S&P xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức BB phản ánh đánh giá của tổ chức này về tiềm năng phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam sau khoảng thời gian giảm tốc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tổ chức này nhận định, thành tựu tăng trưởng vững chắc của Việt Nam trong những năm qua sẽ tiếp tục hỗ trợ duy trì định mức tín nhiệm quốc gia của Việt Nam.

Triển vọng tín nhiệm của Việt Nam được duy trì ở mức Ổn định thể hiện nhận định nền kinh tế sẽ phục hồi nhanh chóng và cân bằng khi đại dịch toàn cầu được kiểm soát, với khu vực xuất khẩu và tổng cầu nội địa là động lực tăng trưởng chính giúp dự báo tăng trưởng của Việt Nam cao hơn hẳn mức bình quân của các quốc gia đồng hạng tín nhiệm.

Trong kịch bản đại dịch trên toàn cầu được cơ bản kiểm soát vào cuối năm 2020 hoặc đầu năm 2021, S&P dự báo tăng trưởng GDP thực của Việt Nam sẽ hồi phục trong năm 2021 và từ năm 2022 sẽ tiến gần tốc độ phát triển Việt Nam đã xác lập trong dài hạn từ 6,0%-7,0%...

Việc chỉ số công khai minh bạch ngân sách tăng mạnh, niềm tin về triển vọng thông qua xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức cao..., củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài, tạo cơ sở để thu hút thêm các dòng vốn trong và ngoài đầu tư vào Việt Nam. Việt Nam sẽ tiếp tục là địa điểm an toàn, hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.

Giải pháp công khai ngân sách nhà nước

Để thực hiện tốt công tác công khai NSNN, trong thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trong ngành Tài chính thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp sau:

Thứ nhất, rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định pháp lý về công khai tài chính-NSNN, hướng tới chuẩn mực quốc tế như: công khai các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, công khai chi tiết kế hoạch tài chính – NSNN 3 năm, công khai các dự báo về tình hình thực hiện NSNN cả năm từ giữa năm ngân sách…

Thứ hai, thực hiện tốt công tác công khai NSNN, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công khai ngân sách, tạo điều kiện tối đa cho người dân được tiếp cận và khai thác thông tin NSNN.

Thứ ba, kết quả đánh giá cũng chỉ ra hạn chế của Việt Nam hiện nay là điểm số đối với trụ cột “Sự tham gia của công chúng” còn thấp. Do vậy, các cơ quan chức năng cần rút kinh nghiệm trong việc thông tin, tuyên truyền cho người dân, đảm bảo đầy đủ, kịp thời hơn và có giải pháp khuyến khích người dân tham gia chủ động, tích cực hơn trong việc hoạch định chính sách tài chính-NSNN.

Thứ tư, tăng cường việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện công khai ngân sách của các bộ/ngành, địa phương, các đơn vị sử dụng ngân sách, các tổ chức được NSNN hỗ trợ, đảm bảo thực hiện đúng theo quy định của Luật NSNN.

Thứ năm, phối hợp tích cực với các cơ quan thông tấn báo chí, các tổ chức xã hội dân sự, các tổ chức đoàn thể thực hiện tốt công tác tuyên truyền để nâng cao hiểu biết và thu hút sự quan tâm của người dân đối với hoạt động công khai NSNN, giúp người dân thực hiện tốt vai trò kiểm tra, giám sát trong quá trình quản lý, sử dụng NSNN của các ngành, các cấp.

Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội (2015), Luật Ngân sách nhà nước sửa đổi năm 2015;
2. Tuệ Anh (2020), Chỉ số công khai minh bạch ngân sách tăng mạnh, Việt Nam tạo sức hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài, Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính;
3. Bùi Dương (2020), S&P khẳng định hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức BB, triển vọng Ổn định, Tạp chí điện tử Tài chính;
4. Minh Khang (2020), Điểm số công khai minh bạch ngân sách của Việt Nam tăng mạnh, Tạp chí điện tử Tài chính;
5. Một số website: mof.gov.vn, cdivietnam.org...