Triệt để ứng dụng thành tựu công nghệ từ CMCN 4.0 trong lĩnh vực hải quan

PV.

Thế giới đang bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) - một cuộc cách mạng sản xuất mới gắn liền với những đột phá chưa từng có về công nghệ. CMCN 4.0 tác động tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội nói chung và lĩnh vực hải quan nói riêng.

CMCN 4.0 đặt ra yêu cầu đối với ngành Hải quan trong việc đổi mới công nghệ. Nguồn: internet
CMCN 4.0 đặt ra yêu cầu đối với ngành Hải quan trong việc đổi mới công nghệ. Nguồn: internet

Những yêu cầu đặt ra từ CMCN 4.0

Cũng như các lĩnh vực khác, CMCN 4.0 đòi hỏi phải có những thay đổi trong thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển Hải quan Việt Nam. TS. Nguyễn Công Bình – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho rằng, CMCN 4.0 đặt ra yêu cầu đối với ngành Hải quan trong việc đổi mới công nghệ, đẩy mạnh khoa học phân tích, quản lý và xử lý dữ liệu lớn, đổi mới mô hình quản lý theo hướng phục vụ- thông minh và đảm bảo an toàn, an ninh thông tin mạng.

Theo đó, việc ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về hải quan phải dự báo được các xu thế tương lai, các hình thái kinh doanh – dịch vụ mới và xử lý được các rủi ro từ cuộc CMCN 4.0 mang lại. Điều đó đồng nghĩa với việc công tác tham mưu xây dựng văn bản pháp luật hải quan phải chú trọng tạo ra môi trường pháp lý đầy đủ cho việc triển khai Chiến lược, kế hoạch và các chính sách của Hải quan trong giai đoạn chuyển đổi từ Hải quan điện tử sang Hải quan số và cấp độ cuối cùng của Hải quan số là Hải quan thông minh.

CMCN 4.0 với Internet kết nối vạn vật, các hệ thống sẽ dễ dàng tương tác với nhau và với con người theo thời gian thực. Do đó, thách thức đặt ra đối với ngành Hải quan là việc chủ động nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu của khoa học công nghệ vào các hoạt động nghiệp vụ kiểm tra, giám sát hải quan, kiểm tra thu thuế, điều tra chống buôn lậu và kiểm tra sau thông quan.

Cũng theo ông Bình, cuộc CMCN 4.0 sẽ tạo nên nhiều cơ hội mới cho các nền kinh tế khi máy móc tự động hóa thay thế con người, nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết kiệm chi phí nhân công và thủ tục hành chính. Như vậy, ngành Hải quan sẽ phải chuẩn bị phát triển nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao, đáp ứng được các yêu cầu công việc mới, các nội dung nghiệp vụ được số hóa và tích hợp xử lý thông minh.

Triệt để ứng dụng thành tựu công nghệ của cuộc CMCN 4.0

Để kịp thời tiếp cận và tận dụng triệt để thành tựu công nghệ từ cuộc CMCN 4.0, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Công Bình cho biết, Tổng cục Hải quan sẽ đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ internet kết nối vạn vật (IoT), phân tích dữ liệu lớn (Big data), Trí tuệ nhân tạo (AI), Di động (Mobility) và Ảo hóa (Cloud) trong các lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan.

Trong đó, ứng dụng công nghệ IoT trong quản lý, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh vận chuyển bằng container thông qua việc triển khai hệ thống định vị điện tử; Kết nối hệ thống kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải nhằm kiểm soát chặt chẽ phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh đường biển, đường bộ; Phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu trên cơ sở kết nối với trang thiết bị thông minh nhận dạng hình ảnh và ứng dụng phân tích dữ liệu lớn.

Tổng cục Hải quan cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ Bigdata và phân tích thông minh (BI) trong công tác quản lý doanh nghiệp, đáp ứng công tác quản lý rủi ro, phục vụ quá trình thanh tra, kiểm tra, điều tra phòng chống buôn lậu, nâng cao chất lượng quản lý doanh nghiệp. Bên cạnh đó, ngành Hải quan sẽ tiếp tục hoàn thiện Hệ thống hỗ trợ ra quyết định, cung cấp thông tin hỗ trợ cho các cấp quản lý của Tổng cục Hải quan trong quá trình quản lý nhà nước về hải quan.

Nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan sẽ ứng dụng công nghệ Mobility và AI trong nghiệp vụ hải quan. Theo đó, tiếp tục cung cấp chương trình chăm sóc khách hàng, trả lời tự động về thủ tục, quy trình nghiệp vụ hải quan; Xây dựng nền tảng công nghệ di động (Mobile  platform) đáp ứng yêu cầu thực hiện thủ tục hải quan mọi lúc – mọi nơi – trên mọi phương tiện; Xây dựng và triển khai hệ thống hỗ trợ người sử dụng (HelpDesk) nhằm hỗ trợ đắc lực cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan.

Công nghệ chuỗi khối (blockchain) cũng sẽ được Tổng cục Hải quan ứng dụng trong việc hiện đại hóa hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và đảm bảo an ninh, an toàn thông tin; Từng bước ứng dụng công nghệ Cloud trong việc hiện đại hóa hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, trước mắt thực hiện ảo hóa máy trạm và thực hiện các nội dung theo kế hoạch chung của Bộ Tài chính…