Việt Nam đẩy mạnh các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu

Minh Hằng

Tại Hội thảo tham vấn dự thảo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu (BĐKH) giai đoạn đến năm 2050 do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức mới đây, các đối tác quốc tế đánh giá cao và ủng hộ việc xây dựng Chiến lược; đồng thời, khẳng định sẽ đồng hành cùng Việt Nam trong quá trình triển khai Chiến lược sau này.

Chuyển biến về chất trong ứng phó với biến đổi khí hậu

Nêu bật những thành tựu của Việt Nam về ứng phó BĐKH, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, trong những năm qua, Việt Nam luôn tích cực, chủ động thực hiện các cam kết quốc tế về BĐKH.

Theo đó, Việt Nam đã trình Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) năm 2015, hoàn thành cập nhật NDC vào năm 2020; qua đó, đưa trách nhiệm giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với BĐKH vào Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật để toàn dân thực hiện.

Đồng thời, Việt Nam cũng đã xây dựng dự thảo Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050. Các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của dự thảo Chiến lược phù hợp với mục tiêu cam kết và thực hiện các yêu cầu của Thỏa thuận Paris.

Việt Nam đã trình Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) năm 2015, hoàn thành cập nhật NDC vào năm 2020; qua đó, đưa trách nhiệm giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với BĐKH vào Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Việt Nam đã trình Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) năm 2015, hoàn thành cập nhật NDC vào năm 2020; qua đó, đưa trách nhiệm giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với BĐKH vào Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

“Dự thảo Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050 phản ánh sự chuyển đổi về chất trong công tác ứng phó với BĐKH của Việt Nam; đồng thời, thể hiện lộ trình để hiện thực hoá cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc (COP26), các nhiệm vụ, giải pháp đề ra nhằm đạt mục tiêu đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050” - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành khẳng định.

Trong quá trình xây dựng dự thảo Chiến lược, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhận được sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP), Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ), Bộ Môi trường Nhật Bản. Ban soạn thảo, Tổ biên tập cũng đã tham khảo các chiến lược dài hạn về BĐKH của nhiều quốc gia trên thế giới.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương từ khi xây dựng Đề cương Chiến lược, khảo sát 63 địa phương và thực hiện phỏng vấn sâu 20 tỉnh, thành phố. Đến nay, dự thảo Chiến lược cũng đã được gửi xin ý kiến các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các địa phương và các nhà khoa học.

Các đối tác quốc tế ủng hộ, cam kết đồng hành cùng Việt Nam

Phát biểu tại hội thảo, các đại biểu quốc tế đều đánh giá cao và ủng hộ việc xây dựng dự thảo Chiến lược; đồng thời, cam kết sẽ đồng hành cùng Việt Nam trong quá trình triển khai Chiến lược sau này.

Bà Caitlin Wiesen - Trưởng đại diện Cơ quan Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho rằng, dự thảo Chiến lược sẽ tạo nền tảng vững chắc cho các kế hoạch và chính sách về khí hậu và năng lượng quan trọng khác như Quy hoạch điện 8 và Kế hoạch tổng thể cho phát triển năng lượng, cập nhật NDC, Kế hoạch thích ứng quốc gia và Chiến lược tăng trưởng xanh…

“Chiến lược được thông qua sẽ giúp huy động toàn xã hội tham gia hành động có trách nhiệm với khí hậu vì một quá trình chuyển đổi công bằng và phát triển bền vững của Việt Nam. Điều này cũng cho thấy, Việt Nam đã sẵn sàng thực hiện cam kết mạnh mẽ và có hệ thống hơn về BĐKH” - bà Caitlin Wiesen nhấn mạnh.

Các đối tác quốc tế ở các nước phát triển cam kết sẽ đồng hành, hỗ trợ Việt Nam trong chuyển đổi hệ thống năng lượng cả về công nghệ, chuyên gia và nguồn vốn.
Các đối tác quốc tế ở các nước phát triển cam kết sẽ đồng hành, hỗ trợ Việt Nam trong chuyển đổi hệ thống năng lượng cả về công nghệ, chuyên gia và nguồn vốn.

Nhìn nhận ở khía cạnh khác, Phó Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức Weert Boerner cho rằng, dự thảo Chiến lược cho thấy, mục tiêu trung hòa khí hậu ở Việt Nam là rất tham vọng và đầy thách thức nhưng khả thi. Dự thảo Chiến lược đưa ra 3 lựa chọn giảm phát thải năng lượng. Đức đề xuất Việt Nam lựa chọn phương án 1 với dự báo tỷ trọng năng lượng tái tạo chiếm 73% trong cơ cấu điện năng của Việt Nam vào năm 2050. Kịch bản này ít tốn kém và ít phụ thuộc hơn vào các công nghệ chưa hoàn thiện hoặc gây nhiều tranh cãi, cả trong nước và quốc tế.

Cùng quan điểm, ông Conan Herve - Giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) cho rằng, việc xây dựng Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến 2050 của Việt Nam là rất đúng hướng và là “chìa khóa” thực hiện các chính sách về BĐKH. Việt Nam là quốc gia đang phát triển gắn liền với nước, cần chú trọng thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến duy trì, bảo vệ, bảo tồn nguồn nước. Cần nâng mức độ các quy định, quy chuẩn hạ tầng xây dựng hướng đến mục tiêu này, giảm tối đa tác động đến nguồn nước, đặc biệt ở khu vực đô thị...

Cũng tại hội thảo, các đối tác quốc tế ở các nước phát triển cam kết sẽ đồng hành, hỗ trợ Việt Nam trong chuyển đổi hệ thống năng lượng cả về công nghệ, chuyên gia và nguồn vốn; giảm nhẹ tác động đến những đối tượng dễ bị tổn thương, tăng tiếp cận các nguồn tài chính khí hậu…, nhưng tương ứng sẽ có các yêu cầu về đảm bảo tính minh bạch.

Trên cơ sở tham vấn chuyên gia, đối tác quốc tế, ông Tăng Thế Cường - Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, sau quá trình tham vấn các chuyên gia, tổ chức quốc tế và ý kiến người dân, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ hoàn thiện dự thảo Chiến lược và dự kiến trình Chính phủ trong tháng 5/2022.

Dự thảo Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050 đã đề ra các mục tiêu: Chủ động thích ứng hiệu quả, giảm mức độ dễ bị tổn thương, tổn thất và thiệt hại do BĐKH; Giảm phát thải khí nhà kính theo mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; Tận dụng cơ hội từ ứng phó BĐKH để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, nâng cao sức chống chịu và cạnh tranh của nền kinh tế; Đóng góp tích cực, trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất.