WB: Chính sách tài khóa chủ động sẽ hỗ trợ phục hồi kinh tế

Theo Minh Hoàng/thitruongtaichinhtiente.vn

Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, việc triển khai tiêm vắc xin nhanh chóng và chính sách tài khóa chủ động sẽ hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

WB vừa công bố báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô tháng 11 tại Việt Nam cho thấy, trong bối cảnh đợt bùng phát dịch COVID-19 kéo dài, Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức khi khởi động lại nền kinh tế sau một thời gian dài giãn cách xã hội. Tuy nhiên, số liệu kinh tế-xã hội tháng 10 cho thấy sự suy giảm kinh tế đã chạm đáy.

Chỉ số sản xuất công nghiệp và tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng khởi sắc khi các hoạt động kinh tế từng bước được khôi phục, tuy vẫn chưa phục hồi về mức được ghi nhận trước đợt bùng phát dịch tháng 4/2021.

Sau khi Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam khác dần dỡ bỏ các biện pháp hạn chế trong tháng 10, các chỉ số di chuyển chính đã tăng trở lại và các hoạt động kinh tế được khôi phục. Sự phục hồi đặc biệt mạnh mẽ ở các cửa hàng tạp hóa, siêu thị và hiệu thuốc, quay trở lại gần với mức trước đại dịch.

Ngược lại, chỉ số di chuyển đến nơi làm việc phục hồi với tốc độ chậm hơn so với thường thấy trong các đợt bùng phát dịch trước đó. Xu hướng di chuyển đến nơi làm việc này phần lớn phản ánh diễn biến ở các tỉnh phía Nam, nơi chỉ mới bắt đầu nới lỏng các hạn chế đi lại trong tháng 10 và đã bị ảnh hưởng bởi những khó khăn trong việc khôi phục hoàn toàn hoạt động sản xuất liên quan đến thiếu nguyên liệu và lao động.

Cán cân thương mại hàng hóa thặng dư tháng thứ hai liên tiếp do nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng chậm lại. Tính chung 10 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất siêu 160 triệu USD. Trong khi đó, vốn FDI đăng ký giảm sau ba tháng tăng.

Thặng dư thương mại đạt 2,85 tỷ USD trong tháng 10 do xuất khẩu hàng hóa tăng 5,7% (so với cùng kỳ năm trước) trong khi tăng trưởng nhập khẩu giảm từ 10,2% (so với cùng kỳ năm trước) trong tháng 9 xuống còn 8,1%.

Kết quả tăng trưởng xuất khẩu thể hiện những thách thức trong việc khởi động lại các nhà máy sản xuất ở một số ngành sau thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội ở các tỉnh phía Nam, trong đó có thiếu nguyên liệu và lao động. 

Mặc dù giá nhiên liệu tăng, nhưng lạm phát vẫn giảm nhẹ do giá lương thực, thực phẩm giảm và nhu cầu trong nước đối với các sản phẩm tiêu dùng khác còn yếu. Tăng trưởng tín dụng ổn định trong tháng 10 và lãi suất qua đêm liên ngân hàng chững lại sau 4 tháng giảm.

WB: Chính sách tài khóa chủ động sẽ hỗ trợ phục hồi kinh tế - Ảnh 1

Biểu đồ tăng trưởng tín dụng -  % thay đổi (NSA). Nguồn: WB

Dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 14,2% (so với cùng kỳ năm trước) trong tháng 10, tương đương với tốc độ của tháng 9. Điều này phản ánh sự phục hồi của các hoạt động kinh tế đang diễn ra sau đợt bùng phát dịch lần thứ tư, đặc biệt là trong các ngành dịch vụ.

Tăng trưởng tín dụng đối với khu vực dịch vụ (chiếm hơn 60% tổng tín dụng đối với nền kinh tế) đã ổn định ở mức 15,6% (so với cùng kỳ năm trước) trong tháng 10 sau khi giảm liên tục từ mức 18,3% trong tháng 5.

Tín dụng đối với ngành công nghiệp và xây dựng giữ nguyên ở tốc độ tăng trưởng khoảng 12,7% (so với cùng kỳ năm trước) kể từ tháng 7/2021, nhưng vẫn cao hơn so với trước đại dịch. Với nhu cầu tín dụng đang phục hồi, lãi suất qua đêm liên ngân hàng chững lại ở mức bình quân 0,65%, tương tự như mức ghi nhận vào tháng 9, chấm dứt xu hướng giảm bắt đầu từ tháng 7/2021.

Cân đối thu, chi ngân sách Nhà nước trở lại thặng dư vào tháng 10 chủ yếu do chi ngân sách giảm mạnh mặc dù thu ngân sách tiếp tục giảm tháng thứ ba.

Tính chung 10 tháng đầu năm 2021, ngân sách thặng dư, là dấu hiệu cho thấy chính sách tài khóa thắt chặt tiếp tục được thực hiện, không hỗ trợ tổng cầu trong quá trình phục hồi.

Cân đối thu, chi ngân sách nhà nước thặng dư 28 nghìn tỷ đồng (1,2 tỷ USD) trong tháng 10 do tổng chi giảm 18,8% mặc dù tổng thu cũng giảm 9,3% (so với cùng kỳ năm trước) do các hoạt động kinh tế chưa được khôi phục hoàn toàn.

Chi tiêu công giảm ở cả chi đầu tư phát triển (giảm 25,7% so với cùng kỳ năm trước) và chi thường xuyên (giảm 14,2% so với cùng kỳ năm trước). Trong 10 tháng đầu năm, ngân sách thặng dư 74,9 nghìn tỷ đồng (3,2 tỷ USD), với tổng chi giảm 8,8% (so với cùng kỳ năm trước) trong khi tổng thu tăng 7,6% (so với cùng kỳ năm trước).

Theo WB, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều trở ngại trong việc khởi động lại nền kinh tế sau một thời gian cách ly xã hội kéo dài, nhưng những diễn biến tích cực được quan sát trong tháng 10 cho thấy, tình hình kinh tế sẽ tiếp tục cải thiện và tăng trưởng được đẩy mạnh trong những tháng tới.

Các can thiệp về chính sách tài khóa sẽ phát huy hiệu quả, trong đó có việc miễn giảm thuế, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công và cung cấp trợ giúp xã hội cho những đối tượng gặp khó khăn.

Theo đó, gói giảm thuế GTGT trong tháng 11 và tháng 12/2021 cho các doanh nghiệp dịch vụ vận tải, du lịch, lưu trú, ăn uống và giải trí đã được thông qua, và được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu nội địa trong các ngành này.

Khi nền kinh tế mở cửa trở lại và số ca bệnh mới gia tăng, tiếp tục thực hiện tiêm vắc-xin một cách nhanh chóng và duy trì cảnh giác với các biện pháp xét nghiệm và cách ly sẽ giúp tránh một làn sóng dịch bệnh mới, một làn sóng có thể buộc Chính phủ phải áp dụng các biện pháp hạn chế mới để bảo vệ tính mạng của người dân.

WB cũng cho rằng lạm phát cũng cần được theo dõi vì nhu cầu trong nước phục hồi trong bối cảnh giá năng lượng trên thế giới tăng có thể gây ra áp lực tăng giá. Sức khỏe khu vực tài chính cũng cần được giám sát chặt chẽ.