Xếp hạng tín dụng: Góc nhìn toàn diện từ bức tranh kinh tế

Theo Duy Minh/congthuong.vn

Cố gắng của Chính phủ và các bộ, ngành trong việc điều hành chính sách, nhằm đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế vĩ mô những năm qua đã được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên, với xếp hạng mới nhất của Moody’s về hồ sơ tín dụng của Việt Nam bằng việc hạ bậc tín nhiệm - dù còn nhiều điểm gây tranh luận, nhưng ở góc độ khác, lại như sự cảnh tỉnh, giúp chúng ta nhìn nhận tổng thể và toàn diện về bức tranh kinh tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ngày 18/12/2019, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service (“Moody’s”) thông báo nguyên xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức Ba3 đối với các khoản phát hành bằng đồng nội tệ, ngoại tệ và các khoản vay cao cấp không được bảo đảm, và điều chỉnh triển vọng xuống Tiêu cực, kết thúc thời gian đưa hồ sơ tín dụng của Việt Nam vào diện theo dõi hạ bậc kể từ ngày 9/10/2019. 

Trả nợ nước ngoài của Chính phủ đến ngày 10/12 đạt khoảng 49.179 tỷ đồng
Trả nợ nước ngoài của Chính phủ đến ngày 10/12 đạt khoảng 49.179 tỷ đồng

Xếp hạng của Moody’s trong bối cảnh nền kinh tế của Việt Nam đạt mức tăng trưởng ở cả 12/12 chỉ tiêu năm 2019, trong đó có nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 500 tỷ USD và dự trữ ngoại hối vượt con số 73 tỷ USD cho thấy, sự đánh giá này chưa được nhìn nhận trên bình diện tổng thể.

Theo đó, Bộ Tài chính nêu quan điểm: Moody’s đưa ra quyết định điều chỉnh giảm triển vọng tín nhiệm của Việt Nam bắt nguồn từ nhận định cho rằng vẫn tiềm ẩn rủi ro trong việc chậm trả nghĩa vụ nợ gián tiếp của Chính phủ trong bối cảnh chưa có những giải pháp rõ ràng để cải thiện công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan, cũng như tăng cường tính minh bạch về quản lý nợ được Chính phủ bảo lãnh.

Cũng theo Bộ Tài chính, việc hạ triển vọng tín nhiệm của Việt Nam chỉ dựa trên sự việc riêng lẻ đối với nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ mà bỏ qua thành tựu toàn diện Việt Nam đã đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện khả năng chống chọi với các “cú sốc” từ bên ngoài và nâng cao tính bền vững danh mục nợ công là không xác đáng.

Thực tế, hoạt động kiểm soát nợ công của Việt Nam thời gian qua, nhất là năm 2019 đã có nhiều cải thiện. Thông tin từ Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại ( Bộ Tài chính) cho biết, Cục đã chủ động trao đổi với Ngân hàng Thế giới (WB) xây dựng Khung cải cách quản lý nợ công với lộ trình hoạt động hướng đến trung hạn (2025) và đích dài hạn hơn (2030), phấn đấu công tác quản lý nợ công tiệm cận và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Công tác trả nợ nước ngoài được thực hiện kịp thời, đầy đủ và trong phạm vi dự toán được duyệt. Lũy kế đến ngày 10/12/2019, trả nợ nước ngoài của Chính phủ khoảng 49.179 tỷ đồng (trong đó nghĩa vụ trả nợ cấp phát khoảng 29.103 tỷ đồng, cho vay lại khoảng 20.076 tỷ đồng) đạt khoảng 94,5% kế hoạch trả nợ trong năm 2019…

Trở lại câu chuyện xếp hạng của Moody’s, Bộ Tài chính cho rằng, Moody’s đưa ra việc tiếp tục theo dõi hồ sơ tín dụng của Việt Nam (với triển vọng Tiêu cực) là không tương xứng với chỉ đạo hết sức quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, cũng như hàng loạt các biện pháp mà Chính phủ và các bộ, ngành đã triển khai trong thời gian qua về hoạt động trả nợ. 

Bộ Tài chính khẳng định, Chính phủ Việt Nam tiếp tục theo đuổi mục tiêu củng cố vững chắc nền tảng kinh tế vĩ mô, nâng cao năng lực nội tại của nền kinh tế, đẩy mạnh cải cách thể chế và khơi thông nguồn lực để đảm bảo khả năng trả nợ, duy trì bền vững nợ công và an ninh tài chính quốc gia, nhưng vẫn đảm bảo nguồn lực để phát triển.