Ảnh hưởng khi thiếu hụt vi chất dinh dưỡng ở trẻ

Theo Hà Thu/khoahocdoisong.vn

Khẩu phần ăn chưa đa dạng, cách chế biến chưa hợp lý, khả năng hấp thụ kém, chế độ ăn uống thiếu cả về số lượng và chất lượng… là một số nguyên nhân gây thiếu hụt vi chất dinh dưỡng ở trẻ.

Vi chất dinh dưỡng (VCDD) có vai trò thiết yếu trong việc bảo vệ và phát triển sức khỏe. Nguồn: internet
Vi chất dinh dưỡng (VCDD) có vai trò thiết yếu trong việc bảo vệ và phát triển sức khỏe. Nguồn: internet

Để giải quyết tình trạng này, nhiều năm qua, Việt Nam đã triển khai toàn diện các giải pháp để phòng chống suy dinh dưỡng, đặc biệt là phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ.

Có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Ngoài yếu tố gen, các tác nhân từ môi trường sống, chế độ vận động… thì nguyên nhân phổ biến hiện nay ở đại đa số trẻ em chính là sự thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng cần thiết trong bữa ăn hàng ngày.

Theo GS.TS. Lê Danh Tuyên: Vi chất dinh dưỡng (VCDD) có vai trò thiết yếu trong việc bảo vệ và phát triển sức khỏe. Thiếu VCDD gây hậu quả cho phát triển về trí tuệ và thể chất, làm tăng nguy cơ mắc bệnh và tử vong. Thiếu vi chất (vitamin A, sắt, folate, kẽm, iốt,..) để lại hậu quả rất lâu dài và nặng nề,... nhưng để phát hiện tình trạng thiếu các vi chất là rất khó, vì vậy người ta còn gọi là “nạn đói tiềm ẩn”.

Thiếu vitamin A có thể dẫn đến mù lòa, thiếu iốt có thể gây đần độn, thiếu sắt và acid folic ở phụ nữ mang thai có thể gây thai chết lưu, tăng nguy cơ dị tật ống thần kinh thai nhi, tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng và tử vong ở phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ, giảm năng suất lao động ở người trưởng thành. Thiếu VCDD ảnh hưởng lớn đến sự phát triển cả về thể chất, trí tuệ và tầm vóc. Thiếu sắt và iốt làm giảm chỉ số thông minh (IQ) ở trẻ em từ 10-15 điểm.

Theo khảo sát tình trạng dinh dưỡng trẻ em khu vực Đông Nam Á (SEANUTS), có đến 50% trẻ em Việt Nam có khẩu phần ăn thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng gồm vitamin A, B1, C, D và sắt. Khảo sát này cũng nêu ra một thực trạng rằng phần lớn trẻ em Việt Nam chỉ uống từ 80-140 ml sữa/ngày, nghĩa là chỉ bằng khoảng 35% so với chuẩn định mức cần phải có. Như vậy, để trẻ phát triển theo đúng chuẩn thì việc cơ cấu chế độ dinh dưỡng hợp lý, đủ cả chất và lượng chính là yếu tố tiên quyết mà các bậc phụ huynh và nhà trường cần quan tâm.