Bát nháo thị trường thực phẩm sạch

Theo Thu Hương/kinhtedothi.vn

Đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về thực phẩm hữu cơ, các cửa hàng kinh doanh sản phẩm này đua nhau nở rộ.

Bát nháo thị trường thực phẩm sạch. Nguồn: Internet
Bát nháo thị trường thực phẩm sạch. Nguồn: Internet

Tuy nhiên, chất lượng hiện vẫn còn là dấu hỏi bởi Việt Nam chưa có bộ quy chuẩn cho thực phẩm hữu cơ. 

Giá cao, chất lượng có tương xứng?

Khảo sát thực tế thị trường thực phẩm hữu cơ trên địa bàn Hà Nội cho thấy, người tiêu dùng không khó tìm được một cửa hàng bán thực phẩm hữu cơ với đầy đủ các loại thực phẩm thiết yếu có giá cao gấp 2 - 3 lần so với hàng không gắn nhãn mác hữu cơ.

Hiện tại, hệ thống kinh doanh thực phẩm hữu cơ như: Bác Tôm, Big Green - Organic… bán các loại thịt lợn ba chỉ, thịt thăn, thịt mông là 155.000 đồng/kg; sườn 165.000 đồng/kg; xương cục, xương ống, móng giò, thịt thủ có giá 120.000 đồng/kg; cá lăng tươi cắt khúc 320.000 đồng/kg; gà trống thiến 330.000 đồng/kg...

"Hiện nay ở Việt Nam, mặc dù có tiêu chuẩn cho sản phẩm hữu cơ nhưng không có bộ Quy chuẩn cụ thể nên ngành nông nghiệp hữu cơ khó phát triển như mong đợi. Vì vậy, ngành nông nghiệp nên xây dựng những quy chuẩn chung về chất lượng, cách thức sản xuất nông nghiệp hữu cơ cũng như giúp người tiêu dùng có cơ sở để lựa chọn sản phẩm hữu cơ đảm bảo chất lượng."  PGS.,TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (ĐHQG Hà Nội)

Không chỉ thực phẩm tươi sống có giá rất cao mà các sản phẩm rau hữu cơ như quả bầu, hoa thiên lý, rau bầu, súp lơ xanh cũng có giá bán lên đến 33.000 - 35.000 đồng/kg, thậm chí hoa thiên lý được rao bán 15.000 đồng/100gam. Giá bán của gạo hữu cơ dao động tùy thương hiệu, loại rẻ nhất cũng 35.000 - 40.000 đồng/kg; gạo đặc sản vùng miền có nơi lên tới 80.000 - 90.000 đồng/kg.

Trong khi thực phẩm hữu cơ giá cao thì tại hệ thống chợ truyền thống và siêu thị, giá bán các mặt hàng này lại khá thấp. Theo một số tiểu thương kinh doanh mặt hàng thực phẩm tươi sống tại chợ Thành Công, do dịch tả lợn châu Phi đang lan rộng nên giá bán mặt hàng này dao động từ 80.000 - 100.000 đồng/kg, cá lăng tươi chỉ 80.000 - 90.000 đồng/kg; ngay cả siêu thị Big C cũng chỉ 120.000 đồng/kg cá lăng... Đại diện quán ăn "Bếp hàng xóm" trên phố Nguyễn Công Hoan cho biết, cá lăng đã được chế biến thành món ăn ở đây cũng chỉ có giá 290.000 đồng/kg.

Cần bộ quy chuẩn

Lý giải việc giá bán thực phẩm hữu cơ cao hơn hệ thống chợ truyền thống, nhân viên cửa hàng thực phẩm Bác Tôm trên phố Vũ Trọng Phụng cho biết: Giá bán cao là bởi các mặt hàng được sản xuất theo những tiêu chuẩn chặt chẽ như: Không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, không dùng chất kích thích tăng trưởng... Thế nhưng theo quan sát của phóng viên Kinh tế & Đô thị, trên bao bì của rất nhiều loại thực phẩm ngoài nhãn mác thực phẩm sạch, địa chỉ sản xuất lại không hề có bất cứ thông tin gì thể hiện đó là sản phẩm hữu cơ hay chứng nhận an toàn...

Mặc dù nhu cầu tiêu thụ sản phẩm hữu cơ của người tiêu dùng tăng cao, đồng thời DN sản xuất mặt hàng này cũng mong muốn mở rộng cách thức đưa sản phẩm đến với khách hàng thông qua hệ thống siêu thị, tuy nhiên việc này không dễ dàng khi Việt Nam chưa có bộ quy chuẩn cho sản phẩm hữu cơ.

Cuối năm 2017, Bộ KH&CN sau khi tham khảo các tổ chức chứng nhận nông nghiệp hữu cơ của Mỹ, EU đã công bố 4 tiêu chuẩn quốc gia về nông nghiệp hữu cơ nhưng Bộ NN&PTNT chưa ra văn bản hướng dẫn thực hiện, gây khó khăn cho DN trong việc đăng ký chứng nhận tại thị trường nội địa.

Theo Giám đốc Công ty CP Sản xuất và Thương mại An Việt Đào Ngọc Nam, hiện Bộ KH&CN chưa đưa ra Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về mức giới hạn của các đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý mà nông nghiệp hữu cơ phải tuân thủ để bảo đảm an toàn, vệ sinh, sức khoẻ và quyền lợi của người tiêu dùng cũng như động thực vật, môi trường.

“Quy chuẩn là yêu cầu bắt buộc DN phải thực hiện nếu muốn sản xuất nông nghiệp hữu cơ, chứ không phải tự nguyện tham gia như Tiêu chuẩn quốc gia” - ông Nam nêu rõ. Đại diện hệ thống siêu thị Vinmart Phạm Thị Hậu cũng bày tỏ: Do chưa có bộ Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia định nghĩa rõ ràng thế nào là sản phẩm hữu cơ nên chưa có cơ quan nào của Nhà nước cấp chứng nhận cho những sản phẩm này, dẫn đến người bán chỉ biết chứng minh nguồn gốc với khách hàng bằng thông tin "rau được tự trồng ở quê, không sử dụng bất cứ loại thuốc và phân bón hóa học nào".

Ý kiến của các DN cho thấy, để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng cũng như tạo điều kiện cho DN sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hữu cơ, đòi hỏi cơ quan quản lý phải sớm xây dựng khung pháp lý quy chuẩn sản xuất nông nghiệp hữu cơ.