Bến Tre duy trì ổn định hoạt động thương mại

Theo Cẩm Trúc/Báo Đồng Khởi

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc kinh doanh, mua bán hàng hóa trên địa bàn tỉnh Bến Tre tuy vẫn được duy trì, đa số mặt hàng có giá bán khá ổn định nhưng tình hình chung, tiểu thương các chợ, siêu thị, trung tâm mua sắm gặp rất nhiều khó khăn do hoạt động đi lại, mua sắm của hầu hết người dân đều tiết chế.

Tại các siêu thị, trung tâm thương mại, sức tiêu thụ hàng hóa chậm do người dân tiết chế trong đi lại và mua sắm. Ảnh: H. Hiệp
Tại các siêu thị, trung tâm thương mại, sức tiêu thụ hàng hóa chậm do người dân tiết chế trong đi lại và mua sắm. Ảnh: H. Hiệp

Tiểu thương gặp khó

Đa số các mặt hàng nông sản như trái cây (măng cụt, sầu riêng, bưởi da xanh, dừa xiêm xanh…) có giá duy trì ổn định và ở mức khá cao. Nguyên nhân do ảnh hưởng hạn mặn năm trước nên sản lượng năm nay có giảm. Mặt khác, nhà vườn dùng kỹ thuật rải vụ và nghịch vụ nên sản lượng không tập trung. Một số mặt hàng xuất khẩu vẫn duy trì như dừa xiêm xanh, sầu riêng đông lạnh.

Đối với một số mặt hàng thiết yếu được tiêu dùng thường ngày, có giá bán tương đối ổn định. Giá gạo dao động từ 12 - 24 ngàn đồng/kg. Giá dầu ăn từ 38 - 50 ngàn đồng/lít (tùy loại). Giá gas bán lẻ ở mức trung bình khoảng 324 - 364 ngàn đồng đối với bình 12kg tùy nhãn hiệu. Dừa trái trung bình từ 40 - 115 ngàn đồng/chục 12 trái (tùy theo dừa lớn hay nhỏ). Giá heo hơi từ 67 - 84 ngàn đồng/kg…

Các mặt hàng trang thiết bị y tế (khẩu trang, găng tay, dung dịch sát khuẩn…) có nguồn cung dồi dào, đáp ứng đủ cho nhu cầu của người dân trong việc phòng ngừa dịch Covid-19.

Kinh doanh tại chợ Bến Tre gặp khó khăn do sức mua giảm. Ảnh: Cẩm Trúc.
Kinh doanh tại chợ Bến Tre gặp khó khăn do sức mua giảm. Ảnh: Cẩm Trúc.

Chị Trần Thị Kim Hoàng, kinh doanh thủy hải sản, tại khu chợ Bến Tre bộc bạch: “So các đợt dịch lần trước, lần này nặng nề hơn. Lượng hàng tôm, tép, mực bán ra đều giảm 90%. Nguyên nhân do các quán xá, nhà hàng ngưng không lấy hàng hoặc có nhưng giảm nhiều lắm”.

Gian hàng quần áo Ngọc Thắm, lầu 1, chợ Bến Tre chia sẻ: “Mặt hàng quần áo cũng bị ảnh hưởng. Gian hàng của tôi chủ yếu bán sỉ cho tiểu thương các huyện, xã nhưng tình hình mua bán ở các địa phương cũng rất khó khăn, ế ẩm nên số lượng hàng lấy sỉ gần đây cũng giảm. Nguyên nhân do bối cảnh khó khăn chung, người dân tiết chế mua sắm, hạn chế đi chơi, đám tiệc, du lịch nên các mặt hàng may mặc, thời trang tiêu thụ chậm hơn rất nhiều so với bình thường”.

Hiện nay, Ban Quản lý chợ TP. Bến Tre được giao quản lý 10 chợ trên địa bàn thành phố, với tổng diện tích trên 21 ngàn mét vuông. Ông Nguyễn Viết Cường - Trưởng ban Quản lý chợ TP. Bến Tre cho biết: Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, tiểu thương buôn bán tại các chợ rất khó khăn, nhất là tại trung tâm thương mại. Vừa rồi, có 80 hộ tiểu thương viết đơn xin giảm tiền thuê mặt bằng với lý do nguồn thu giảm nên tiểu thương muốn Ban Quản lý chợ có hỗ trợ trong đợt dịch.

“Sau khi tiếp nhận ý kiến của tiểu thương, lãnh đạo Ban Quản lý chợ họp bàn thống nhất giải pháp, giãn thời gian thu. Đối với hộ kinh doanh đóng tiền thuê mặt bằng 6 tháng/lần hoặc 1 năm/ lần thì chuyển sang hình thức đóng dần hàng tháng để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con tiểu thương…”, ông Nguyễn Viết Cường cho hay.

Thực hiện nghiêm “5K”

Ban Quản lý chợ TP. Bến Tre đã thực hiện nghiêm Công văn số 1912 của UBND TP. Bến Tre về tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, trong đó thực hiện nghiêm thông điệp “5K” của Bộ Y tế.

Các chợ đều tăng cường công tác tuyên truyền bằng hình thức phát thanh chương trình phòng chống dịch Covid-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế; triển khai các pa-nô có nội dung hướng dẫn việc đeo khẩu trang và sử dụng nước sát khuẩn (kèm theo bình nước sát khuẩn) ở các lối ra vào chợ; kiểm tra, nhắc nhở việc đeo khẩu trang của các hộ kinh doanh, khách hàng ra vào chợ, nhất là trong thời điểm hiện nay, dịch bệnh hết sức phức tạp.

Ban Quản lý chợ cũng tăng cường quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm và giá cả thị trường. Thường xuyên nhắc nhở hộ kinh doanh việc tổ chức mua bán, không được bán hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng và sử dụng các phụ gia độc hại. Đến thời điểm này, Ban Quản lý chợ chưa ghi nhận hộ vi phạm. Giá các mặt hàng tại các chợ có tăng hoặc giảm nhẹ nhưng chưa xảy ra tình trạng găm hàng tăng giá.

Theo ông Nguyễn Văn Phúc - Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh, các tổ chức, cá nhân kinh doanh chấp hành pháp luật trên lĩnh vực thương mại tương đối tốt. Trên địa bàn không xảy ra các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức hoặc các hành vi khác gây mất ổn định thị trường. Các hành vi gian lận thương mại khác được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời.

Nhằm phòng ngừa lây nhiễm dịch Covid-19, một số đơn vị đã thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, nhắc nhở đối với các tổ chức, cá nhân trang bị máy đo thân nhiệt, thực hiện nghiêm “5K”: đeo khẩu trang thường xuyên tại nơi công cộng, nơi tập trung đông người; khử khuẩn và trang bị nước khử khuẩn, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người khác; không tụ tập đông người, thực hiện khai báo y tế; kiểm tra thiết bị y tế, các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo phục vụ tốt công tác phòng chống dịch.

“Ban Chỉ đạo 389 Bến Tre chỉ đạo các ngành là thành viên chủ động nắm tình hình cung cầu, giá cả hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu như: xăng dầu, phân bón, vật liệu xây dựng, vật tư nông nghiệp, lương thực, thực phẩm…, nhằm phát hiện và xử lý các hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa kém chất lượng, hàng hóa vi phạm về nhãn, hàng hóa vận chuyển không có đầy đủ hóa đơn chứng từ…”.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Nguyễn Văn Phúc