Bổ sung ảnh chân dung: Nhà mạng cam kết bảo mật thông tin

Theo Chánh Trung/nld.com.vn

Các nhà mạng cam kết sẽ bảo mật cho khách hàng khi cung cấp thông tin cá nhân, bổ sung ảnh chân dung theo quy định của Chính phủ tại Nghị định số 49/2017/NĐ-CP.

Nếu thông tin khách hàng bị lộ, được xác minh chính xác nguồn tin từ phía VinaPhone, nhà mạng sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nguồn: Internet
Nếu thông tin khách hàng bị lộ, được xác minh chính xác nguồn tin từ phía VinaPhone, nhà mạng sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nguồn: Internet

Theo số Nghị định 49/2017/NĐ-CP, tất cả thuê bao di động đều phải có thông tin chính xác (họ và tên, CMND, ngày cấp và nơi cấp…) bao gồm cả thông tin về đối tượng sử dụng số thuê bao đó và ảnh chụp chân dung của chủ thuê bao. Quy định sẽ có hiệu lực từ ngày 24/4. Sau đó, các cá nhân, tổ chức không thực hiện theo yêu cầu sẽ bị tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều sau 15 ngày kể từ ngày đầu tiên gửi thông báo.

Trong những ngày qua, việc triển khai Nghị định 49/2017/NĐ-CP khiến nhiều người bày tỏ lo lắng rằng chụp ảnh chân dung, cung cấp thông tin cá nhân khiến họ có thể bị lợi dụng, nhà mạng cam kết việc bảo mật các thông tin này ra sao? Về việc này, đại diện MobiFone cho biết ảnh và thông tin cá nhân của khách hàng được lưu trữ trên cơ sở dữ liệu tập trung của MobiFone, chỉ sử dụng trong việc quản lý thông tin thuê bao theo quy định của pháp luật. MobiFone đảm bảo bí mật thông tin khách hàng theo đúng Luật Viễn thông và các quy định pháp luật hiện hành. Tương tự, nhà mạng Viettel cũng cam kết sẽ bảo mật thông tin của khách hàng khi bổ sung ảnh chân dung, thông tin cá nhân.

Đại diện nhà mạng VinaPhone cam kết: "Quy trình quản lý thông tin thuê bao tại VinaPhone đang được tuân thủ theo các quy định chặt chẽ của Bộ Thông tin và Truyền thông, và các quy định bảo mật thông tin của nhà nước. VinaPhone khẳng định thông tin thuê bao được đăng ký, lưu giữ thống nhất, tập trung, tin cậy, sử dụng đúng mục đích và đảm bảo bí mật thông tin thuê bao theo quy định của pháp luật.

Nếu thông tin khách hàng bị lộ, được xác minh chính xác nguồn tin từ phía VinaPhone, nhà mạng sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tuy nhiên, việc bảo vệ thông tin cá nhân còn là trách nhiệm của cá nhân đó, vì vậy VinaPhone mong muốn khách hàng cẩn trọng hơn trong việc bảo mật thông tin cá nhân của mình".

Liên quan đến việc triển khai Nghị định về việc rà soát, cập nhật lại thông tin thuê bao, theo báo cáo của Cục Viễn thông, tính đến 15/3, đã có gần 4 triệu thuê bao trong tổng số 38 triệu thuê bao mà các doanh nghiệp đã xác định là có thông tin chưa đầy đủ, chính xác, đã thực hiện việc cập nhật lại thông tin thuê bao.

Về khó khăn khi bổ sung ảnh chân dung, tại cuộc họp mới đây với các nhà mạng về việc triển khai Nghị định 49/2017/NĐ-CP, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết do chưa có cơ sở dữ liệu công dân, trong khi đó các nước khác có cơ sở dữ liệu công dân thì chỉ cần đưa chứng minh thư đến đối chiếu là có đủ hết.

Do đó, cần có biện pháp khác hữu hiệu hơn khi thực hiện Nghị định. Vì vậy, theo Bộ Thông tin và Truyền thông, với việc chụp ảnh, khi có CMND chính chủ, có thể lấy ảnh CMND còn trong hạn sử dụng làm ảnh chụp. Với các thuê bao đã xác định chính chủ thì chỉ cần cập nhật thêm các cơ sở dữ liệu còn thiếu.

Chặn hàng chục, hàng trăm triệu tin nhắn rác

Theo Trung tâm ứng cứu sự cố máy tính quốc gia (VNCERT), đối với việc ngăn chặn phát tán tin nhắn rác trên mạng di động, sau 10 tháng triển khai (từ tháng 5/2017 đến 2/2018), số tin nhắn rác được chặn trên toàn mạng là khoảng 260 triệu; số lượng tin nhắn rác đã giảm đáng kể. Theo thống kê của VNCERT, tổng lượng phản ánh tin nhắn rác trên đầu số 456 năm 2017 giảm khoảng 86% so với năm 2016.

 

Sau khi đưa hệ thống ngăn chặn thông minh và chia sẻ dữ liệu dùng chung, Viettel đã chặn hơn 41,6 triệu tin nhắn rác từ các nhà mạng trong năm 2017 và hơn 18,1 triệu tin nhắn rác trong 3 tháng đầu năm 2018; Vinaphone chặn hơn 138,1 triệu năm 2017 và chặn hơn 4,4 triệu trong 3 tháng đầu năm 2018…