Tỉnh Đồng Tháp:

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” phát huy hiệu quả

Theo Dũng Chinh/Báo Đồng Tháp

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân cũng như thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí về kinh tế và tổ chức sản xuất trong Bộ tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới. Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” cũng góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, nhất là bảo tồn những giá trị truyền thống của nông thôn trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Người dân xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh nuôi cá điêu hồng theo hướng an toàn. Ảnh: DC
Người dân xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh nuôi cá điêu hồng theo hướng an toàn. Ảnh: DC

Qua triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) trên địa bàn huyện Cao Lãnh mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, UBND huyện Cao Lãnh chỉ đạo ngành chuyên môn thường xuyên tuyên truyền, vận động các hộ sản xuất, doanh nghiệp và Hợp tác xã (HTX) tích cực tham gia sản xuất các sản phẩm thuộc Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” của địa phương.

Hàng năm đều tổ chức triển khai thực hiện đánh giá, phân hạng sản phẩm tham gia OCOP đúng quy định. Theo đó, nhiều sản phẩm như: xoài Cao Lãnh, xoài cát chu Cao Lãnh của HTX xoài Mỹ Xương (xã Mỹ Xương), gạo AKITA X Nhị Mỹ (xã Nhị Mỹ), xoài hữu cơ Mỹ Hội (xã Mỹ Hội), trà mãng cầu Tân Nghĩa (xã Tân Nghĩa), rượu sen Le Bo Gáo Giồng (xã Gáo Giồng)... đạt từ 3 sao trở lên.

Huyện Cao Lãnh thực hiện tốt công tác quản lý và sử dụng nhãn hiệu hàng hóa nông sản của địa phương, củng cố và không ngừng phát triển nhãn hiệu xoài Cao Lãnh, xoài Cát Chu Cao Lãnh, chanh Cao Lãnh, cá điêu hồng Bình Thạnh, gạo sạch Cao Lãnh, tôm càng xanh Nhị Mỹ.

Bên cạnh đó, địa phương cũng khuyến khích các doanh nghiệp thường xuyên thực hiện cải tiến bao bì, nhãn mác nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, nâng cao thu nhập, lợi nhuận cho doanh nghiệp, người sản xuất như: khô cá điêu hồng, mật ong Gáo Giồng, mắm Gáo Giồng,...

Đặc biệt, UBND huyện Cao Lãnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp tuyên truyền, vận động nhà vườn, hộ sản xuất thường xuyên ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tạo ra các sản phẩm an toàn, hữu cơ phục vụ thị trường.

Phối hợp với Công ty NHONHO cấp chứng nhận an toàn đối với các loại nông sản của huyện khi đủ điều kiện để được tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP nhằm tạo ra sự đa dạng, phong phú các sản phẩm phục vụ người tiêu dùng.

Huyện đã tiếp các đoàn làm việc của Bộ Công Thương, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến khảo sát điểm sản xuất, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại Du lịch và Đầu tư tỉnh cung cấp sản phẩm tham dự 2 đợt hội chợ triển lãm “Nhịp cầu xúc tiến thương mại, du lịch và đầu tư” tại TP Sa Đéc và hội chợ “Tự hào hàng Việt - Nông nghiệp xanh - Khởi nghiệp” tại TP Cao Lãnh với các sản phẩm xoài, chanh, ổi, cam xoàn, khô cá điêu hồng, chả cá, rau thủy canh, mít, chuối sấy, mật ong, gạo,...

Thông qua thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” đã thúc đẩy chất lượng, quảng bá các sản phẩm đặc thù của địa phương đến người tiêu dùng. Từ đó các chủ thể sản xuất từng bước thay đổi nhận thức, tư duy của mình, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, liên kết, hợp tác trong sản xuất gắn với hợp đồng tiêu thụ nông sản nhằm tạo ra nguồn nguyên liệu lớn, đủ đáp ứng nhu cầu chế biến, cung cấp cho người tiêu dùng.

Thời gian tới, huyện Cao Lãnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia sản xuất an toàn, chất lượng theo hướng hữu cơ, chú trọng công tác bảo vệ môi trường và truy xuất nguồn gốc, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, quảng bá, xúc tiến thương mại để sản phẩm đủ điều kiện tham gia chương trình OCOP.

Đồng thời, tạo điều kiện để các HTX và người dân tham gia giao lưu, gặp gỡ với doanh nghiệp nhằm tạo sự gắn kết giữa người dân với doanh nghiệp, giúp người dân và các HTX có điều kiện tiếp cận trao đổi, cung cấp thông tin, nắm bắt được nhu cầu về sản phẩm của thị trường.