Tỉnh Long An:

Chương trình OCOP giúp nâng tầm nông sản địa phương

Theo Lê Ngọc/Báo Long An

Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Long An đã và đang phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh, góp phần xây dựng thương hiệu, tăng sức cạnh tranh trên thị trường và nâng tầm nông sản chủ lực của địa phương.

Hiện nay Long An có 26 sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Ảnh: Lê Ngọc
Hiện nay Long An có 26 sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Ảnh: Lê Ngọc

Phát triển nông sản chủ lực của từng địa phương

Xác định OCOP là một trong những chương trình quan trọng, góp phần thúc đẩy nhanh việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp cũng như phát huy nội lực và gia tăng giá trị nông sản ở địa phương, thời gian qua, tỉnh có nhiều chính sách, chương trình tạo điều kiện cho các địa phương thực hiện tốt chương trình.

Qua thời gian thực hiện, đến nay, tỉnh Long An có 26 sản phẩm (sản phẩm) được đánh giá, công nhận đạt chuẩn OCOP, trong đó, 18 sản phẩm đạt 4 sao và 8 sản phẩm đạt 3 sao, nhất là có 4 sản phẩm đủ tiêu chuẩn đang làm hồ sơ, thủ tục để trình Trung ương công nhận sản phẩm OCOP Quốc gia đạt 5 sao.

Thông qua chương trình này, các địa phương và nông dân đã nhận thức được tính ưu việt của các sản phẩm đạt chuẩn OCOP ở địa phương. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh khẳng định: “Chương trình Mỗi xã một sản phẩm có ý nghĩa quan trọng không chỉ riêng Long An mà hầu hết các địa phương trong cả nước.

Đây là chương trình nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, góp phần cải thiện, nâng cao thu nhập cho nông hộ, cộng đồng. Đây được xem là nội dung quan trọng để góp phần hoàn thành tiêu chí về thu nhập trong xây dựng nông thôn mới của địa phương. Và giờ đây, các chủ thể đã nhận thức được tầm quan trọng của Chương trình OCOP nên mạnh dạn đăng ký tham gia”.

Tận dụng tài nguyên bản địa, Công ty TNHH Thương mại Sản xuất PURE (huyện Thủ Thừa) đã cho ra đời sản phẩm “dầu tràm Con Yêu", với 100% tinh dầu nguyên chất của cây tràm gió tại đất Long An. Trải qua nhiều năm, sản phẩm đã được thị trường đón nhận và tin dùng. Đáng chú ý hơn khi sản phẩm này vừa được UBND tỉnh công nhận và xếp hạng 4 sao OCOP. Cơ duyên để "dầu tràm Con Yêu" phát triển trên đất Long An là trong một lần đi thực tế,

Ông Nguyễn Quốc Vũ - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Sản xuất PURE nhận thấy Long An có rất nhiều cây tràm, loài cây dược liệu chính để chiết xuất ra tinh dầu tràm nên quyết định chọn nơi đây để đặt cơ sở sản xuất thứ 2 của Công ty, sau tỉnh Quảng Trị. Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Sản xuất PURE - Nguyễn Quốc Vũ chia sẻ: “Trên cơ sở nhà máy của Công ty, chúng tôi phát triển thêm một nhà máy mới ở huyện Thủ Thừa. Ở đây, nguyên liệu sẵn có nên dễ dàng đạt chuẩn về y tế, từ đó giúp sản phẩm được nhiều khách hàng tin tưởng hơn”.

Với trang thiết bị, máy móc hiện đại, cùng nguồn nhân lực hiện có, mỗi năm, Công ty cho ra thị trường khoảng 10.000 chai dầu tràm, loại 100ml/chai. Hiện nay, công suất tối đa của nhà máy có thể đạt đến 1 triệu chai/năm, nếu đủ nguồn nguyên liệu. Ngoài tinh dầu tràm, Công ty còn sản xuất thêm 9 dòng sản phẩm khác từ thiên nhiên và rất được thị trường đón nhận.

Cần Giuộc được biết đến là vùng chuyên canh rau nổi tiếng của tỉnh Long An, trong đó chủ yếu là rau ăn lá, rau gia vị. Theo nhiều doanh nghiệp, các loại rau ăn lá, nhất là rau gia vị trồng tại huyện Cần Giuộc có mùi vị rất đặc trưng. Hiện toàn huyện có trên 1.800ha chuyên canh rau, năng suất khoảng 22 tấn/ha/vụ, sản lượng ước trên 125.000 tấn/năm. Đây là một trong những lợi thế để xây dựng sản phẩm OCOP.

Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp, Sản xuất, Thương mại, Dịch vụ Phước Thịnh (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc) - Đặng Duy Dũng chia sẻ: “Nhờ sự hỗ trợ của ngành Nông nghiệp các cấp, hiện nay, nhóm rau ăn lá Phước Thịnh (rau diếp cá, tía tô, húng quế) đã được đánh giá và công nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao. Từ khi được công nhận đạt chuẩn OCOP, nhóm rau ăn lá của HTX Phước Thịnh ngày càng khẳng định được thương hiệu, tăng sức cạnh tranh trên thị trường; đồng thời, đã vào được các hệ thống siêu thị, Bách hóa Xanh”.

Từ lâu, nhiều người thường dùng lá chùm ngây để nấu canh, thế nhưng anh Phạm Ngọc Anh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Vườn Nhà Mình, lại khéo léo chế biến cây chùm ngây thành nhiều sản phẩm như trà chùm ngây, bột chùm ngây, cháo chùm ngây,… góp phần nâng tầm nông sản địa phương và tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Không chỉ dừng lại ở việc tạo ra sản phẩm đặc trưng ở địa phương, vị giám đốc này còn mạnh dạn làm hồ sơ, thủ tục để tham gia chương trình OCOP của tỉnh. Kết quả, đến nay, sản phẩm trà chùm ngây của anh Tuấn được công nhận đạt chuẩn OCOP.

Tiếp tục nỗ lực

Bên cạnh kết quả đã đạt, việc thực hiện Chương trình OCOP của tỉnh Long An còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, một số người dân chưa nhận thức được lợi ích, ý nghĩa của chương trình, ngại làm các hồ sơ, thủ tục tham gia chương trình; một số địa phương chưa quan tâm đúng mức, chưa tạo điều kiện để người dân tham gia chương trình OCOP,…

Riêng năm 2021, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến việc tổ chức triển khai, thực hiện chương trình OCCP của tỉnh Long An, công tác đào tạo, tập huấn, tuyên truyền về chương trình OCOP khó thực hiện; xúc tiến thương mại (tổ chức và tham gia các hội chợ thương mại để quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP) hầu như không triển khai được.

Ngoài ra, các cơ sở sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP, giá nguyên phụ liệu tăng dẫn đến chi phí sản xuất tăng, thiếu công nhân sản xuất.

Dù đang gặp nhiều khó khăn nhưng với nhiều sản phẩm OCOP đã khẳng định được thương hiệu, uy tín trên thị trường, được người tiêu dùng tin dùng. Nhờ đó, có nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh trong tỉnh mạnh dạn tham gia chương trình với mục đích giới thiệu, quảng bá sản phẩm, hình ảnh của địa phương.

Đơn cử như Công ty Cổ phần Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển Dược liệu, dược phẩm Đồng Tháp Mười đăng ký tham gia 6 sản phẩm gồm tinh dầu xịt phòng MELAROMA; tinh dầu tràm gió Mộc Hóa Việt Nam; tinh dầu lau sàn MỘC S; kem liền sẹo mù u M.SEO; tinh dầu tràm trà TRA TRA và dung dịch rửa tay khô Melavie. Qua thảo luận, đánh giá, đoàn công tác thống nhất 6 sản phẩm trên đạt chuẩn OCOP, trong đó 2 sản phẩm đạt 4 sao gồm dung dịch rửa tay khô Melavie và kem liền sẹo mù u M.SEO, 4 sản phẩm còn lại đạt 5 sao.

Tổng Giám đốc Khu du lịch Cánh Đồng Bất Tận cũng là Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển Dược liệu, dược phẩm Đồng Tháp Mười - dược sĩ Bùi Đắc Thắng cho biết: “Khu du lịch chuyên trồng dược liệu, cũng là nơi chăm sóc sức khỏe bằng dược liệu. Hiện nay, Công ty có nhiều sản phẩm được làm bằng cây dược liệu, được khách hàng trong và ngoài nước đón nhận nhưng sức lan tỏa chưa cao. Do đó, việc làm các hồ sơ, thủ tục tham gia chương trình OCOP cũng là một trong những biện pháp giúp Công ty quảng bá, giới thiệu sản phẩm một cách bài bản, góp phần lan tỏa hơn đến với nhiều người. Mặc dù các sản phẩm của Công ty đều đạt 4 sao nhưng thời gian tới, chúng tôi tiếp tục cải thiện để nâng lên 5 sao nhằm đạt sản phẩm OCOP cấp Quốc gia”.

Bà Đinh Thị Phương Khanh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An cho biết thêm: “Với vai trò là cơ quan tham mưu của chương trình này, Sở tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền thông qua nhiều hình thức, nội dung; tiếp tục đồng hành cùng các chủ thể để hướng dẫn, "cầm tay chỉ việc" cho họ; đa dạng hóa các phương thức để làm tốt công tác xúc tiến thương mại từ hội chợ, triển lãm đến các sàn thương mại điện tử như bưu điện, trang Vỏ sò, tổ diễn đàn công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,... Đặc biệt, tỉnh sẽ có một chương trình giao thương kết nối tiêu thụ nông sản của tỉnh, trong đó có chương trình OCOP của Tỉnh”.

Với sự nỗ lực và quyết tâm này, thời gian tới, chương trình OCOP của tỉnh Long An sẽ ngày càng phát triển, góp phần trong xây dựng thương hiệu, nâng tầm nông sản, tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân, nhất là giúp các địa phương hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới