Đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với các mô hình, dự án sản xuất theo chuỗi giá trị

Theo Đại Lâm/ Báo Long An

Mặc dù dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, làm ngưng trệ nhiều hoạt động nhưng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với triển khai, thực hiện các mô hình, dự án sản xuất theo chuỗi giá trị hoặc theo nhu cầu của doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế vẫn được triển khai theo đúng kế hoạch.

Cơ giới hóa trong chăm sóc chanh không hạt tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bến Lức (xã Lương Hòa, huyện Bến Lức). Ảnh: Đại Lâm
Cơ giới hóa trong chăm sóc chanh không hạt tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bến Lức (xã Lương Hòa, huyện Bến Lức). Ảnh: Đại Lâm

Ông Trần Duy Thuận - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Bến Lức (xã Lương Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) cho biết: “HTX triển khai nhiều giải pháp giúp thành viên HTX, nông dân có kỹ thuật trồng, chăm sóc và chế biến chanh bảo đảm chất lượng cho hàng hóa xuất khẩu. Đặc biệt, HTX đang lên kế hoạch xây dựng chuỗi sản xuất an toàn theo kế hoạch của tỉnh đề ra”.

Hiện HTX Dịch vụ nông nghiệp Bến Lức áp dụng cơ giới hóa triệt để trong chăm sóc và chế biến sản phẩm chủ lực là chanh không hạt. Công nhân làm tại đây đều ứng dụng thành thạo các trang thiết bị, máy móc, hiểu biết về đặc tính cây chanh, các loại thuốc, phân bón để bảo đảm sản xuất an toàn và phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.

“Thời gian tới, HTX xúc tiến việc đăng ký tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa khi tham gia thị trường” - ông Trần Duy Thuận cho biết thêm.

Thông tin từ Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM) huyện Cần Đước, huyện từng bước xây dựng các mô hình liên kết với mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành sản xuất, giảm rủi ro, nâng cao thu nhập cho nông dân. Thời gian qua, huyện tạo điều kiện cho 3 HTX xây dựng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm giúp nông dân tăng thêm lợi nhuận và tiêu thụ thuận lợi hơn so với sản xuất truyền thống.

Tuy nhiên, khó khăn chủ yếu đối với HTX hiện nay là năng lực quản lý, điều hành của ban giám đốc HTX còn nhiều hạn chế; sự gắn kết, hợp tác giữa các thành viên với HTX chưa chặt chẽ; nhiều lao động nông nghiệp chưa được đào tạo đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa lớn, hiệu quả hoạt động, quản lý chưa cao nên chưa thật sự thu hút người dân tích cực tham gia; các tổ kinh tế hợp tác chưa thực hiện liên kết khép kín mà chỉ thực hiện liên kết một hoặc một số khâu như cung ứng vật tư nông nghiệp, thu hoạch;...

Theo Phó Chủ tịch UBND, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia XDNTM huyện Cần Đước - Phan Văn Tưởng, để khắc phục những bất cập trên, Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia XDNTM của huyện phối hợp đẩy mạnh phát triển, đào tạo ngành, nghề nông thôn. 5 năm qua (2016-2021), huyện hỗ trợ giải quyết việc làm cho 32.350 lao động. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn hiện đạt hơn 62 triệu đồng/năm.

Toàn huyện có 16/16 xã đạt tiêu chí thu nhập. Thực hiện Chương trình OCOP, đến nay, địa phương lựa chọn được 3 sản phẩm tham gia chương trình là lạp xưởng tươi Cô Châu, cải bẹ xanh Long Khê, ống hút cỏ bàng Miền Tây Xanh. Huyện kiến nghị Trung ương, tỉnh tiếp tục cân đối, bố trí vốn sự nghiệp về đào tạo cán bộ và nghề cho lao động nông thôn.

Về phát triển công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn, thời gian qua, huyện Cần Đước tập trung thực hiện các chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn tập trung vào các ngành, nghề thế mạnh của huyện như hàng thủ công mỹ nghệ, cơ khí hàn tiện; dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Các cơ sở đào tạo nghề cũng tập trung những ngành, nghề có nhu cầu cao ở địa phương. Ngành, nghề truyền thống được giữ vững và hoạt động ổn định, góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương.

Theo nhận định Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia XDNTM của tỉnh, bên cạnh kết quả đã đạt, hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn một số hạn chế nhất định. Đó là phần lớn các HTX trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hoạt động hiệu quả còn thấp và khả năng liên kết với thị trường còn nhiều hạn chế.

Từ đó, việc tăng cường công tác đào tạo nghề, đẩy mạnh việc tiếp thị liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm là bài toán cần thực hiện nhanh lời giải để hoàn thành mục tiêu xây dựng thêm nhiều chuỗi sản xuất hàng nông sản an toàn trên địa bàn tỉnh.