Đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng cuối năm

Theo Minh Luân/Báo Bạc Liêu

Mọi năm, vào thời điểm Noel và Tết Dương lịch, thị trường bán lẻ hoạt động khá sôi nổi. Tuy nhiên năm nay, tác động của dịch COVID-19 khiến hoạt động thương mại - dịch vụ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Để kích cầu sức mua, các đơn vị bán lẻ và doanh nghiệp (DN) chủ động tăng cường những hoạt động quảng bá, tiếp thị sản phẩm nhằm thu hút khách hàng, mở rộng các kênh tiêu thụ trong dịp cao điểm cuối năm.

Trung tâm thương mại thực hiện nhiều chương trình khuyến mại thu hút khách hàng mua sắm dịp cuối năm.  Ảnh: T.Q
Trung tâm thương mại thực hiện nhiều chương trình khuyến mại thu hút khách hàng mua sắm dịp cuối năm. Ảnh: T.Q

Nở rộ các chương trình khuyến mại

Ngoài việc tăng dự trữ hàng hóa thiết yếu, bảo đảm cung ứng đầy đủ các mặt hàng tiêu dùng dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2022, các DN, đơn vị bán lẻ còn triển khai đa dạng các chương trình kích cầu tiêu dùng như: giảm giá sản phẩm, tặng quà kèm theo sản phẩm, nhân điểm tích lũy cho các thành viên, bán hàng đồng giá, tăng thời hạn bảo hành sản phẩm với các chính sách hậu mãi tốt…

Tháng 12 là thời điểm người dân nhộn nhịp mua sắm các mặt hàng công nghệ, điện máy để trang hoàng cho tổ ấm. Nắm rõ điều này, Trung tâm mua sắm Nguyễn Kim thực hiện chương trình khuyến mại lớn nhất năm “Big Bang trở lại” với siêu ưu đãi lên tới 50 - 75% cho hàng trăm ngàn sản phẩm điện tử tiêu dùng của các thương hiệu lớn.

Hiện Siêu thị điện máy Chợ Lớn cũng đang rầm rộ tổ chức “Ngày rực lửa - giảm kinh hoàng đến 70%”, “Sale khổng lồ đến 70%”… Tại hệ thống Thế giới di động thì tổ chức chương trình “Siêu sale ngày đẹp 12/12 giảm đến 50%”, “Săn couple giảm thêm từ 5 - 15%”… Tưng bừng chào đón các ngày hội cuối năm, Co.opmart Bạc Liêu cũng liên tục thực hiện các chương trình “Chiêu đãi tiệc sale, mua ngày 1/2 giá”, “Quà giáng sinh, quà tết lung linh, giá chỉ từ 50% khi mua sắm từ ngày 4 - 22/12/2021”…

Không nằm ngoài “cuộc đua” này, các cửa hàng, shop quần áo, giày dép, phụ kiện… cũng triển khai các chương trình giảm giá để tăng sự chú ý, nâng cao sức mua của khách hàng như: tri ân khách hàng, xả hàng cuối  năm… Song song đó là tăng cường bán hàng online, giao hàng tận nhà để đáp ứng nhu cầu mua sắm cho người tiêu dùng.

Nhiều giải pháp kích cầu thị trường bán lẻ

Để tạo điều kiện cho các đơn vị trong hệ thống bán lẻ kích cầu tiêu dùng những tháng cuối năm, Sở Công thương tăng cường rà soát, đôn đốc các DN, siêu thị, cửa hàng trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh thực hiện các chương trình khuyến mại, nhất là với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng theo dõi, nắm bắt tình hình cung - cầu, giá cả các loại hàng hóa để có giải pháp bình ổn thị trường phù hợp.

Do tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp nên từ nay đến cuối năm, Sở sẽ không tổ chức hội chợ, các phiên chợ hàng Việt về nông thôn, tổ chức kết nối cung - cầu hàng hóa như những năm trước mà linh động các hình thức xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu trên nền tảng số, trực tuyến để hỗ trợ các hợp tác xã, DN trong tỉnh tìm kiếm, mở rộng các kênh tiêu thụ sản phẩm trong tình hình mới.

Ngoài ra, để có thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa những tháng cuối năm 2021 và cho cả năm 2022, Sở Công thương đã đặt ra nhiều giải pháp. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác hỗ trợ DN trong các hoạt động xúc tiến thương mại; thiết lập các kênh phân phối hàng hóa, phát triển thị trường nội địa; theo dõi sát diễn biến cung - cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời, đảm bảo phân phối hàng hóa hợp lý giữa các địa phương, cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, đặc biệt vùng có dịch; ổn định cung - cầu, giá cả; tăng cường tổ chức các hội chợ, phiên chợ đưa hàng Việt về phục vụ nông thôn; đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử; tiếp tục tăng cường các hoạt động xúc tiến, kết nối giữa nhà sản xuất, cung ứng với các nhà phân phối, các tổ chức xúc tiến thương mại trong và ngoài nước; kiểm tra, kiểm soát thị trường; tăng cường các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…

Dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng tổng mức bán lẻ hàng hóa trong năm 2021 ước đạt trên 48.600 tỷ đồng, đạt 89,75% so với kế hoạch, tăng 0,79% so với cùng kỳ. Đây là những dấu hiệu tích cực, báo hiệu thị trường tiêu dùng dịp cuối năm và những tháng đầu năm 2022 sẽ khởi sắc trở lại.