Doanh số bán trực tuyến gấp đôi, Adidas vẫn lỗ gần 400 triệu USD trong quý II

Theo Hoàng Hà/BI/ndh.vn

Hãng sản xuất dụng cụ và trang phục thể thao Adidas lỗ 394 triệu USD và giảm 35% doanh số trong quý II, do hầu hết cửa hàng đều phải đóng cửa.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Ngày 6/8, Adidas công bố khoản lỗ lớn trong quý II do hầu hết các cửa hàng phải đóng cửa vì đại dịch Covid-19. Doanh số bán hàng theo quý giảm 35% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 3,6 tỷ euro (4,3 tỷ USD), dẫn đến khoản lỗ vận hành 333 triệu euro (394 triệu USD).

“Sự tăng trưởng ngoại lệ" của thương mại điện tử là một điểm sáng. Doanh số bán hàng trực tuyến trong quý II tăng 93%. Các số liệu, bao gồm doanh số, được lấy từ trang web của công ty, cũng như từ các đối tác.

Doanh số bán hàng của thương hiệu gốc Adidas giảm 33% trong quý vừa qua. Reebok, công ty con của Adidas thậm chí còn tệ hơn thế: Doanh thu sụt giảm 42% phản ánh mức chịu tác động lớn hơn của thương hiệu này tại thị trường Mỹ.

Doanh số bán hàng quý II của Adidas tại Trung Quốc không thay đổi nhiều, nhưng đã tăng hai con số vào cả tháng 5 và tháng 6.

Nhiều cửa hàng của Adidas phải đóng cửa vì đại dịch. Ảnh: Bloomberg
Nhiều cửa hàng của Adidas phải đóng cửa vì đại dịch. Ảnh: Bloomberg
 

Thương hiệu đồ thể thao Đức cho biết khoảng 70% cửa hàng của họ trên toàn thế giới đã đóng cửa vì đại dịch và tại các cửa hàng đã tái mở cửa thì người đến giảm hẳn.

Trong trường hợp không có lệnh phong tỏa lớn nào được đưa ra, hãng kỳ vọng sẽ có lợi nhuận vào quý III, dù cho doanh số có thể sẽ vẫn đi xuống. Hãng không đưa ra triển vọng cho cả năm, do không ai có thể chắc chắn về tình hình đại dịch, cũng như về tốc độ hồi phục tại các cửa hàng đã tái mở cửa.

“Từ tất cả những gì chúng tôi biết vào thời điểm hiện tại, chúng tôi sẽ tiếp tục hồi phục vào quý 3. Khi mở cửa kinh doanh trở lại, dù là tại cửa hàng trực tiếp hay không gian công nghệ, nhu cầu của người tiêu dùng dành cho các sản phẩm của chúng tôi khá cao”, Giám đốc điều hành, Kasper Rorsted, cho biết.

Dan Neiweem, đồng sáng lập kiêm giám đốc Avionos và chuyên gia thương mại điện tử, chia sẻ với Business Insider rằng, doanh số bán hàng trực tuyến của quần áo thể dục đã tăng trên diện rộng. 

“Dù đó là nỗi sợ hãi tiếp xúc với Covid-19, mong muốn được ra ngoài, mua sắm khi buồn chán hay đơn giản là muốn mặc đồ thể thao để thoái mái trong nhà, chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng nhu cầu về quần áo, giày thể dục, và phần lớn các giao dịch trên được thực hiện trực tuyến”.