Đua hút khách tiêu tiền Tết qua chiếc di động

Theo Viễn Thông/vnexpress.net

Các ứng dụng đang chạy đua nhau thu hút người dùng mở hầu bao vào những ngày cuối năm từ sắm Tết, đặt đồ ăn cho đến lì xì.

Người dùng sử dụng tính năng đặc biệt dịp Tết trên một ví điện tử. Nguồn: Internet
Người dùng sử dụng tính năng đặc biệt dịp Tết trên một ví điện tử. Nguồn: Internet

Hôm 21/1, sau khi tung ra tính năng đặc biệt mùa Tết nhằm khuyến khích người dùng tăng cường thanh toán, săn quà tặng và lì xì cho nhau qua ví điện tử, MoMo gặp sự cố nghẽn mạng tạm thời. Hàng trăm tài khoản bị trả quà chậm trong vài phút. Sự cố xảy ra khi báo cáo cho biết hệ thống của ví này ghi nhận kỷ lục một triệu người đăng nhập chơi tính năng mới cùng lúc.

Trước đó, chỉ vài giờ sau ra mắt, M-Service cho biết đã có thêm 500.000 lượt tải và kích hoạt ví điện tử, buộc công ty nâng cấp hệ thống tức thì. Kết quả này đến từ nỗ lực "khuấy đảo" thị trường ví điện tử trong dịp Tết bằng hơn 100 tỷ đồng tổng giải thưởng.

Cũng tích cực không kém, ZaloPay lập tức "tham chiến" cuộc đua lì xì online chỉ sau 2 ngày. Ví điện tử này khuyến khích người dùng thực hiện nạp tiền, thanh toán, chuyển tiền, lì xì... nhận điểm thưởng để được đổi voucher với tổng giá trị 10 tỷ đồng.

Tham vọng trở thành siêu ứng dụng với khẩu hiệu tương tự, Grab cũng tranh thủ "bày binh bố trận" trước ngày cận Tết, cả ở mặt trận ví điện tử lẫn đặt thức ăn trực tuyến. Tuần trước, GrabPay by Moca hỗ trợ thêm cho người dùng ngân hàng HDBank. Ít ngày sau, từ 23/1, GrabFood tuyên bố mở rộng thêm 12 tỉnh, thành phố, sẵn sàng cho một cái Tết gọi thức ăn dễ dàng và rộng khắp.

"Nhờ vào mạng lưới đối tác tài xế rộng khắp, thời gian giao hàng trung bình hiện đã giảm xuống chỉ còn khoảng 20 phút cho mỗi đơn hàng tại khu vực trung tâm TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, đưa GrabFood trở thành dịch vụ giao nhận thức ăn nhanh nhất Việt Nam", bà Demi Yu, Giám đốc khu vực của GrabFood tại Thái Lan, Malaysia, Việt Nam và Philippines tiết lộ số lượng đơn hàng của GrabFood tăng 25 lần kể từ khi vận hành tại Việt Nam.

Động thái quyết liệt của Grab diễn ra trong bối cảnh nghiên cứu của GCOMM công bố hồi đầu tháng cho biết, 99% người tham gia khảo sát nói từng sử dụng các dịch vụ đặt thức ăn trực tuyến ít nhất 2-3 lần mỗi tháng. 39% người tham gia khảo sát đặt món thông qua ứng dụng 2-3 lần mỗi tuần.

Theo nghiên cứu này, 6 ứng dụng được biết đến nhiều nhất theo thứ tự gồm GrabFood, Foody/Now.vn, GoFood, Lala, Vietnammm và Lixi. Tuy nhiên, thị trường cũng không ít khốc liệt. Chỉ trước khi nghiên cứu được công bố ít ngày, Lala đã rời khỏi cuộc đua và hiện không còn là ứng dụng gọi thức ăn mà trở thành công ty giải pháp phần mềm cho các nhà hàng.

"Xu hướng dịch vụ tức thời đang phát triển tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Tôi nghĩ trong 5 năm tới, nó sẽ phát triển mạnh ở 10 thành phố lớn nhất. Đơn cử, cách đây 3 năm thì chưa có nhu cầu nhưng giờ mỗi ngày ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội có khoảng 100.000 đặt hàng giao đồ ăn thức uống. Giá trị thị trường này đang khoảng 500 triệu USD nhưng 5 năm nữa thì số liệu dự đoán nó sẽ có quy mô 2 tỷ USD", ông Lương Duy Hoài - Nhà sáng lập Giao Hàng Nhanh bình luận.

Trước khi các ví điện tử và dịch vụ gọi thức ăn tích cực thu hút người dùng đón Tết trên chiếc di động, các ứng dụng mua sắm trực tuyến đã khởi động từ cuối tháng 12 đến nửa đầu tháng 1. Từ Lazada, Shopee, Tiki, Sen Đỏ đến Adayroi, Lotte... hầu hết "chợ mạng" đều xem đây là dịp tăng thu quan trọng.

Tổng kết mới đây của trang mua sắm Lotte cho biết, lượng đơn hàng và truy cập tăng lần lượt hơn 80% và 200% vào năm 2018. Ông Kim Kyou Sik - Tổng giám đốc Lotte.vn chia sẻ, sau chương trình khuyến mại Tết, đơn vị này sẽ triển khai dịch vụ marketplace (C2C) giữa năm nay để cạnh tranh với các đối thủ. Tuy nhiên, "át chủ bài" quan trọng nhất vẫn chưa được tiết lộ.

"Cuối năm 2019 sẽ là thời điểm tất cả trang thương mại điện tử lao vào cuộc chiến giành thị phần, và chúng tôi đã có những chiến lược bí mật để thực sự bùng nổ. Kết thúc năm 2019, chúng tôi hy vọng sẽ ghi tên mình vào top 4 những trang thương mại điện từ hàng đầu Việt Nam", ông Kim Kyou Sik không giấu tham vọng.

Trước Lotte, Lazada cũng chọn Tết Nguyên đán làm thời điểm "lấy đà" để tăng tốc trong năm 2019 bằng việc giới thiệu hai mục kinh doanh mới là "Thành phố điện tử" và"Siêu thị Lazada". Ông Max Zhang - Tổng giám đốc Lazada Việt Nam nói đây là "điểm hội tụ các sản phẩm có giá cạnh tranh vượt trội trên thị trường, giúp người tiêu dùng có thể dễ dàng mua sắm cho Tết Nguyên đán".

Theo nghiên cứu của Nielsen Việt Nam, với 53% dân số sử dụng Internet, gần 50 triệu thuê bao sử dụng smartphone, cùng độ tuổi mua sắm online từ 25-29, thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam vẫn chưa khai thác được hết tiềm năng dù đạt tốc độ phát triển đến 22% mỗi năm.

Tuy nhiên, cuộc đua trên hàng loạt dịch vụ khác từ thanh toán di động, đặt xe, gọi thức ăn cho thấy, không chỉ có thương mại điện tử mà dư địa phát triển cho các thành phần kinh tế khác cũng đang rất rộng mở lẫn khốc liệt.

Báo cáo e-Conomy SEA 2018 của Google và Temasek cho biết, thương mại điện tử cùng với 3 mảng khác là quảng cáo trực tuyến, du lịch trực tuyến và gọi xe cấu thành nên nền kinh tế Internet Việt Nam. Năm 2018, nền kinh tế này đạt giá trị 9 tỷ USD.