Hà Nội thúc đẩy tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP online

Theo Đặng Hiếu/dangcongsan.vn

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp, thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện biện pháp giãn cách xã hội đã ảnh hưởng rất lớn đến việc tiêu thụ nông sản nói chung và sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) của Hà Nội nói riêng. Do vậy, Hà Nội đang nỗ lực thúc đẩy tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP bằng hình thức online, livestream.

Ảnh minh hoạ (Ảnh: Đặng Hiếu)
Ảnh minh hoạ (Ảnh: Đặng Hiếu)

Theo ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh văn phòng thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội, nông sản thực phẩm là mặt hàng thiết yếu cho nhu cầu hàng ngày của người tiêu dùng. Ở Thủ đô, hiện nay người tiêu dùng chủ yếu vẫn mua hàng thông qua các điểm bán hàng truyền thống, siêu thị trên địa bàn.

Trong khi đó, các điểm bán hàng này ở Hà Nội đang tiềm ẩn nguy cơ dễ phát sinh dịch bệnh do biến thể COVID-19 lây nhiễm nhanh, dẫn tới nhiều chợ đầu mối, siêu thị, chợ dân sinh phải tạm thời đóng cửa. Điều này làm cho các nhà sản xuất, các đơn vị kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn và sản phẩm OCOP đang lúng túng trong việc kết nối, tiêu thụ sản phẩm.

Trước thực trạng đó, để tránh việc đứt gãy các chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản trên địa bàn thành phố nhằm đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm an toàn để phòng chống dịch hiệu quả và phát triển sản xuất, thì việc bán hàng thông qua hình thức thương mại điện tử, bán hàng online và livestream thuận lợi hơn trong việc mua sắm cho bữa ăn hằng ngày vừa tiết kiệm được thời gian, vừa hạn chế được tiếp xúc nơi đông người, góp phần phòng chống dịch bệnh hiệu quả.

Để đẩy mạnh thực hiện hình thức thương mại này, theo ông Nguyễn Văn Chí, cần triển khai một số giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn và sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố Hà Nội, như:

Đối với các đơn vị sản xuất, cần tăng cường kết nối với các đơn vị tiêu thụ sản phẩm, cơ sở kinh doanh trên địa bàn, các điểm tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn và sản phẩm OCOP; ứng dụng công nghệ thông tin để bán hàng online, livestream.

Đối với các đơn vị tiêu thụ sản phẩm, bên cạnh hình thức bán hàng truyền thống tại các điểm bán hàng, cần tăng cường hình thức bán hàng online, livestream trong thời gian dịch bệnh và giãn cách xã hội; bố trí đội ngũ shipper chuyên nghiệp đáp ứng khuyến cáo 5K của Bộ Y tế và chỉ đạo phòng chống dịch của thành phố. Liên kết với các đơn vị sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có tem truy xuất nguồn gốc, sản phẩm OCOP để đảm bảo nguồn hàng đảm bảo cung cấp ổn định.

Tổ chức các khóa học trực tuyến miễn phí bán hàng online, livestream nhằm giúp các nhà sản xuất, đơn vị kinh doanh và tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn, sản phẩm OCOP. Theo đó, để kết nối tiêu thụ sản phẩm với người tiêu dùng bằng hình thức bán hàng online, livestream, Viện nghiên cứu chuyển đổi số ASEAN và Công xưởng 1102 phối hợp với Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố hỗ trợ tổ chức các lớp tập huấn trực tuyến miễn phí chương trình học bán hàng online, livestream để bán hàng nông sản thực phẩm an toàn và sản phẩm OCOP cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ trên địa bàn thành phố Hà Nội với thời gian 03 buổi/khóa học... Đối với các đơn vị đã được Viện nghiên cứu chuyển đổi số ASEAN và Công xưởng 1102 hỗ trợ tập huấn bán hàng online, livestream, cần tiếp tục phát huy để đẩy mạnh bán hàng online, livestream trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp để nhân rộng.

Đối với các đơn vị truyền thông, đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, sản phẩm OCOP; các điểm bán hàng, đơn vị phân phối, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn và sản phẩm OCOP tới người tiêu dùng trên địa bàn Thủ đô. Chú trọng tuyên truyền danh sách các đơn vị sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sản phẩm OCOP; đơn vị bán hàng online, livestream qua mạng xã hội như: Facebook và Fanpage, App Store, Google play, Zalo.... cho người tiêu dùng Thủ đô nắm bắt thông tin.

UBND các quận, huyện, thị xã, tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các đơn vị sản xuất, kinh doanh, các điểm bán hàng trên các phương tiện truyền thông tại địa phương để phòng chống dịch bệnh COVID-19 hiệu quả và vẫn đảm bảo hàng hóa lưu thông trong bối cảnh dịch bệnh. Tuyên truyền cho người dân biết đến các điểm bán hàng truyền thống và các đơn vị bán hàng online, livestream qua trang điện tử như: Facebook và Fanpage, App Store, Google play, Zalo.... Rà soát, cập nhập thường xuyên danh sách các đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, sản phẩm OCOP và các điểm bán hàng gửi về Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội và các đơn vị liên quan để tổng hợp báo cáo thành phố đảm bảo hàng hóa lưu thông trong thời gian giãn cách xã hội...