Khách hàng chấp nhận rủi ro khi mua sắm trực tuyến?


Những năm gần đây, sự ra đời của hàng loạt các website thương mại điện tử như Lazada, Tiki, Shopee, Sendo, Adayroi…khiến việc mua sắm online đã không còn mấy xa lạ với người người tiêu dùng Việt, đặc biệt là người tiêu dùng trẻ.

Người tiêu dùng cần trang bị nhiều kĩ năng khác nhau trong khâu thẩm định để xác định được mức độ uy tín, mức độ tin cậy của người bán.
Người tiêu dùng cần trang bị nhiều kĩ năng khác nhau trong khâu thẩm định để xác định được mức độ uy tín, mức độ tin cậy của người bán.

Theo Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, có 61% người tiêu dùng khi được hỏi cho biết: thời trang là mặt hàng được mua nhiều nhất qua online và có đến 49% người tiêu dùng cho biết mỹ phẩm là sản phẩm được mua qua online.

Bên cạnh đó, tại Việt Nam số lượng người tiêu dùng kết nối- những người thường xuyên kết nối với internet, đồng thời là những người có mức sẵn sàng chi tiêu cao trong năm 2015 có khoảng 23 triệu người. Dự đoán năm 2020 sẽ tăng gần như gấp đôi, đạt 40 triệu người.

Ngoài ra, chi tiêu hằng năm của người tiêu dùng kết nối tại Việt Nam sẽ tăng từ 50 tỉ USD trong năm 2015 lên đến 99 tỉ USD trong năm 2025. Đến năm 2025, ước tính họ sẽ chiếm khoảng một nửa tổng tiêu dùng hằng năm.

Khách hàng chấp nhận rủi ro khi mua sắm trực tuyến? - Ảnh 1

Khách hàng chấp nhận rủi ro khi mua sắm trực tuyến? ảnh minh hoạ

Chị Mai Thu Trang (Tân Mai – Hoàng Mai – Hà Nội ) là một trong số những người “nghiện” mua sắm trực tuyến. Theo chị Trang, mua sắm trực tuyến mang lại nhiều tiện ích, chẳng hạn như không cần phải di chuyển và chỉ cần 1 click chuột là món hàng sẽ được giao tận nơi theo yêu cầu. Từ đồ ăn, đồ mặc đến đồ sinh hoạt gia đình chị Trang thường đặt mua trực tuyến. Tuy nhiên, không phải lần mua nào cũng mang lại sự hài lòng cho chị Trang. Đã một vài lần chị Trang bị “hớ” khi mua sản phẩm thời trang trên một trang bán hàng trực tuyến. Khi sản phẩm chị đặt một kiểu nhưng hàng giao đến lại một kiểu. Tuy nhiên, vì là sản phẩm đã mua rồi nên chị Trang không thể đổi, trả lại được.

Không chỉ mình chị Thu Trang mà rất nhiều người khác, đặc biệt là phụ nữ và chủ yếu là nhân viên văn phòng vẫn thường “nghiện” mua hàng trực tuyến và ít nhiều vẫn gặp rủi ro.

Trả lời vấn đề này, ông Phạm Văn Trọng, Giám đốc trang thương mại điện tử Vuivui.com nhận xét: Người tiêu dùng có xu hướng chấp nhận rủi ro khi mua hàng online. Chẳng hạn họ có thể mua cái áo về nhưng sau đó thấy không phù hợp có thể đem cho hoặc không dùng nữa.

“Chợ online có rất nhiều mặt hàng để người tiêu dùng chọn lựa. Đối với sản phẩm giá rẻ thì niềm tin về nguồn gốc, chất lượng hàng hóa là rất khó. Hoặc nếu người tiêu dùng lỡ mua hàng rồi mà không ưng ý thì không biết làm sao”, ông Trọng chia sẻ.

Khách hàng chấp nhận rủi ro khi mua sắm trực tuyến? - Ảnh 2

Bên cạnh đó, ông Trọng cũng nhận định tiềm năng của thương mại điện tử ở Việt Nam còn lớn, nhất là ở ngành hàng thời trang và mỹ phẩm. 

Theo Đại tá Đỗ Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm và công nghệ cao (Bộ Công an): Trong lĩnh vực thương mại điện tử, tình trạng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng đang diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn mới.

Các vấn đề điển hình bị phản ánh, khiếu nại bao gồm: Giao sai sản phẩm, sản phẩm có thông số kỹ thuật khác so với quảng cáo trên trang web, giao hàng chậm, giao thiếu hàng khuyến mãi, giao hàng hỏng nhưng không thu hồi lại, đăng sai giá, hủy đơn hàng không lý do, sản phẩm không có nhãn mác, nhãn ghi sản xuất tại Trung Quốc nhưng lại quảng cáo là hàng Mỹ, Nhật Bản, không cung cấp hóa đơn,…

Vì vậy người tiêu dùng cần trang bị nhiều kĩ năng khác nhau trong khâu thẩm định để xác định được mức độ uy tín, mức độ tin cậy của người bán cũng như sản phẩm mình định mua để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng.