Liệu bạn đã ăn kiêng đúng cách?

Theo Bác sỹ dinh dưỡng Nguyễn Văn Anh/sgtiepthi.vn

Tình trạng béo phì trong một thời gian dài, chế độ ăn thay đổi gây mất cân bằng dinh dưỡng cho cơ thể, tạo nên tình trạng rối loạn chuyển hóa của cơ thể, dẫn đến tình trạng “ăn ít vẫn mập”.

Những món ăn nhiều calorie.
Những món ăn nhiều calorie.

Mặc dù gọi là ăn ít nhưng tổng số năng lượng nạp vào cơ thể của người đó là rất cao. Điều này có thể phát hiện được thông qua việc điều tra khẩu phần ăn của người đó trong vòng 24 giờ.

Một miếng bánh kem nhỏ có thể cung cấp đến 400 – 600Kcal, một ly trà sữa có thể cung cấp đến 500Kcal, bằng năng lượng của một bữa ăn thông thường, một miếng phô mai 50g cung cấp đến 200Kcal tương đương với 1 chén cơm…

Chế độ ăn chiên xào nhiều dầu mỡ khiến tăng năng lượng cung cấp từ thức ăn. Gọi là ăn nhiều rau nhưng ăn các món salad, rau trộn dầu ăn, trộn sốt mayonnaise, năng lượng cung cấp từ chất béo trong các món ăn này là rất lớn.

Ăn ít tinh bột nhưng ăn các loại thực phẩm cung cấp năng lượng rỗng, chất đường hấp thu nhanh, gây tăng đường huyết nhanh. Cùng cung cấp mức năng lượng như nhau, nhưng bữa ăn có chất đường hấp thu nhanh sẽ dễ gây tăng cân hơn so với bữa ăn cung cấp chất đường hấp thu chậm.

Gọi là ăn ít tinh bột, đường nhưng rất nhiều người không biết trái cây cũng được xếp vào nhóm thực phẩm cung cấp chất bột đường. Giảm ăn cơm nhưng ăn thay thế bằng trái cây, thậm chí ăn trái cây còn nhiều hơn ăn cơm. Tất nhiên là nguồn năng lượng lớn cung cấp cho cơ thể không hề suy giảm.

Giảm cân quá hăng hái và nhiệt tình bằng một chế độ ăn rất ít thực phẩm, khiến cơ thể bị đói, mệt mỏi, ít vận động hơn, ít sử dụng năng lượng hơn, làm kích hoạt các cơ chế dự trữ năng lượng tự nhiên của cơ thể.

Ăn ít đồng thời cũng ăn chất đạm ít là sai lầm rất lớn mà nhiều người hay phạm phải. Ví dụ, khẩu phần ăn chỉ có vài miếng thịt cá trong bữa ăn. Điều này khiến cơ thể không được cung cấp chất đạm đủ để tạo cơ. Cộng với cơ thể ít vận động hơn vì mệt mỏi thiếu năng lượng, khiến cơ bắp bị teo đi, khả năng đốt mỡ của cơ thể giảm.

Lưu ý rằng cơ có vai trò quan trọng trong quá trình đốt mỡ, sử dụng chất béo của cơ thể, khối cơ lớn hơn sẽ đốt mỡ hiệu quả hơn.

Càng ăn ít lại khiến cơ thể không nhận đủ lượng vitamin và khoáng chất cần thiết. Vitamin và khoáng chất rất quan trọng trong các quá trình chuyển hóa của cơ thể, ví dụ như các quá trình lấy năng lượng từ thức ăn, chuyển hóa chất đường và chất béo thành năng lượng, quá trình tạo cơ từ chất đạm và rất nhiều các phản ứng chuyển hóa khác trong cơ thể…

Thiếu vitamin và khoáng chất gây ra tình trạng tính trữ mỡ cơ thể khiến bệnh béo phì khó điều trị hơn (ngoài ra còn gây ra nhiều vấn đề khác như suy dinh dưỡng, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường, ung thư… rối loạn chức năng của các cơ quan, thần kinh, nội tiết, sinh dục, cơ xương khớp…).

Ngoài ra, thừa cân, béo phì không đơn thuần là do vấn đề dinh dưỡng, có những nguyên nhân khác gây thừa cân, béo phì như: Do bệnh lý hay đang sử dụng các loại thuốc gây tăng tích trữ mỡ, muối, nước của cơ thể. Bạn nên đi khám để được phát hiện sớm.