Livestream bán hàng: Thật, giả khó lường

Theo Thu Trang/congthuong.vn

Liên tục lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ các vụ tập kết, vận chuyển mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng mà các đối tượng chủ yếu lợi dụng hình thức livestream (phát trực tiếp) trên mạng xã hội để tiêu thụ. Điều đó cho thấy, vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng đang “nóng” trên thương mại điện tử và đặc biệt là hình thức livestream bán hàng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Thương mại điện tử (TMĐT), đặc biệt hình thức livestream (phát trực tiếp) trên mạng xã hội ngày càng trở nên phổ biến vì sự tiện lợi cho khách hàng và thu nhập “khủng” cho người bán. Hình thức livestream bán hàng tại Việt Nam bùng nổ vào khoảng đầu năm 2019 và càng được ưa chuộng trong giai đoạn dịch Covid-19, khi người tiêu dùng ưu tiên mua sắm trực tuyến.

Sức hấp dẫn của livestream như một dạng truyền hình trực tiếp mang tính tương tác cao giữa người bán với người xem. Người mua có thể chủ động thắc mắc về sản phẩm và được trả lời. Chỉ cần để lại số điện thoại, ngay lập tức sẽ có người liên hệ chốt đơn hàng. Thao tác mua bán diễn ra rất nhanh cùng mức giá “ưu đãi” chỉ có trong giờ livestream.

Tuy nhiên, bên cạnh các trang TMĐT làm ăn nghiêm chỉnh, tạo dựng độ tin tưởng ở người dùng, nhiều đối tượng đã lợi dụng sự sôi động của không gian này, sử dụng nhiều hình thức tinh vi để kiếm lời bằng cách tuồn vào tiêu thụ số lượng lớn hàng giả, hàng lậu, vi phạm pháp luật.

Mua sắm bằng hình thức livestream nở rộ
Mua sắm bằng hình thức livestream nở rộ
 

Chỉ cần một tài khoản hợp lệ và đăng ký quảng cáo, người dùng dễ dàng trở thành đại lý bán hàng, tiếp cận hàng chục nghìn người mỗi ngày. Hầu hết các sản phẩm đủ loại “thượng vàng hạ cám” bán qua livestream đều được quảng quảng cáo là “siêu rẻ”, “chất lượng tốt nhất”, “chỉ dành cho những người nhanh tay nhất”, song đó chỉ là những chiêu dụ, phỉnh khách hàng. Đến khi nhận hàng nhiều người không khỏi thất vọng khi quảng cáo một đằng, hàng giao một nẻo. Trong “rừng” kênh kinh doanh, mua bán dạng này, hàng thật, hàng giả lẫn lộn, khiến người tiêu dùng như rơi vào ma trận và chịu không ít tổn thất khi mua hàng, công tác quản lý, kiểm soát cũng vô cùng khó khăn.

Gần đây nhất, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) phối hợp với Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động và Cục A05 (Bộ Công an) kiểm tra đột xuất 1 kho hàng lậu hơn 10.000m2 tại thành phố Lào Cai. Lực lượng chức năng phát hiện kho hàng “khủng” này có hàng ngàn sản phẩm nhập lậu hoặc có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới với 40 nhân viên ngồi máy tính chốt đơn, mỗi ngày tối thiểu chốt 100 - 200 đơn hàng...

Theo Tổng cục QLTT, đây là hoạt động có đường dây, ổ nhóm được bố trí chuyên nghiệp, tổ chức thành các nhóm chuyên môn hóa từng khâu, phân công giữa các thành viên phối hợp nhịp nhàng. Hoạt động kinh doanh này chỉ có thể triển khai được nhờ lợi dụng triệt để việc bán hàng trên các nền tảng internet bao gồm cả bán buôn, bán lẻ.

Theo ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), việc ngăn chặn và loại bỏ các sản phẩm hàng giả, hàng nhái trên sàn TMĐT là điều nan giải nhất mà cơ quan quản lý đang tập trung giải quyết. Bộ Công thương cũng đã yêu cầu các sàn TMĐT, các chủ sở hữu website TMĐT siết chặt kiểm duyệt hàng hóa trên sàn. Tuy nhiên, với các website tự phát hay mạng xã hội, ngành công thương chỉ có thể khuyến cáo người dùng chọn mua hàng trên nền tảng có uy tín, thương hiệu rõ ràng.

Để ngăn chặn những hành vi gian lận trên nền tảng TMĐT rất cần sự chung tay hành động của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và cả người tiêu dùng.