10 bước kinh doanh trực tuyến thành công

Theo vnexpress.net

Vốn nhỏ, nhân lực ít, quỹ thời gian hạn hẹp khiến cho doanh nghiệp khó thành công ở lĩnh vực kinh doanh trực tuyến.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo công bố của công ty nghiên cứu công nghệ và thị trường Forrester Research, doanh số bán lẻ trực tuyến ở Mỹ từ 175,2 tỷ USD trong năm 2012 lên gần 280 tỷ USD trong năm 2015. Đây là thị trường tiềm năng nhưng không phải ai cũng thành công ngay từ lần đầu tham gia nếu không có kế hoạch cụ thể.

Dưới đây là 10 vấn đề cần phải giải quyết để thiết kế và duy trì một cửa hàng trực tuyến đơn giản nhưng hiệu quả.

Nhờ tư vấn

Theo ông Julian Barkat - Giám đốc Thương mại điện tử và Truyền thông trực tuyến Công ty Eggs to Apples, nếu không đủ khả năng tự phát triển một cửa hàng trực tuyến thì những người khởi nghiệp cũng đừng quá lo lắng. Có nhiều công ty sẽ hỗ trợ vấn đề này từ việc viết code, lưu trữ, bảo trì hệ thống... trên máy chủ của doanh nghiệp.

Có thể tham khảo một số công ty chuyên cung cấp dịch vụ hỗ trợ thiết kế giao diện tổng thể, chức năng của các cửa hàng trực tuyến, tải danh mục sản phẩm, thiết lập giỏ mua hàng, chấp nhận thanh toán và xử lý đơn hàng... Toàn bộ thông tin của cửa hàng trực tuyến sẽ được lưu trữ an toàn trên máy chủ của các công ty này và kết nối trực tiếp với website của doanh nghiệp. Giá dịch vụ từ 10USD đến 700USD một tháng, tùy vào số lượng sản phẩm kinh doanh và loại hình dịch vụ cung cấp.

 10 bước kinh doanh trực tuyến thành công - Ảnh 1

Tùy biến giao diện tổng thể của cửa hàng trực tuyến

Trong hầu hết các trường hợp, nếu công ty của bạn đã có một trang web thì website thương mại điện tử cũng nên có giao diện tương đồng, gồm cả logo và phối hợp màu sắc. Nếu bạn chưa có website công ty, có thể tùy chọn hình nền và màu sắc phù hợp với logo.

Đa phần các mẫu thiết kế từ các nhà cung cấp dịch vụ thương mại điện tử đều có những chủ đề tạo sẵn và người dùng không cần đòi hỏi kiến ​​thức về HTML và CSS để tùy chỉnh. Vì vậy, rất dễ tải logo và hình ảnh sản phẩm hay gắn thêm banner, các đoạn trình chiếu...

Chọn hệ thống thanh toán

Ông Barkat khuyên đối với những người mới tạo website kinh doanh trực tuyến nên chọn PayPal vốn được xem là hệ thống chấp nhận thanh toán trực tuyến an toàn và phổ biến.

Tuy nhiên ông cũng cảnh báo rằng tuy không thu phí đăng ký tài khoản cùng những khoản phí cố định hàng tháng cho những dịch vụ cơ bản nhưng các khoản phí mà người bán phải trả không hề ít. Cụ thể PayPal thu một khoản phí giao dịch 2,9% trên tổng số tiền bán hàng, cộng với khoản phí 30 cent cho mỗi giao dịch.

Authorize.net cũng là một giải pháp thanh toán phổ biến mà Barkat đề nghị. Bên cạnh mức phí thiết lập tài khoản 99USD, người dùng còn phải đóng 20USD hàng tháng và 10 cent cho từng giao dịch thành công.

Tuy nhiên, nhiều khách hàng thích trả tiền mua hàng trực tuyến bằng thẻ tín dụng của mình thay vì sử dụng PayPal hoặc dịch vụ thanh toán của bên thứ ba. Do đó bạn cần tạo tài khoản thanh toán thẻ tín dụng. Hình thức này sẽ có thể tính phí từng giao dịch cùng tỷ lệ phần trăm trên tổng doanh số, phí tháng, quý và năm.

Chú trọng dịch vụ khách hàng

Có thể chọn công cụ quản lý quan hệ khách hàng (CRM) từ các nhà cung cấp dịch vụ thương mại điện tử với giá từ 25USD đến 75USD mỗi tháng. CRM sẽ thu thập và tổng hợp tài liệu, thông tin khách hàng, lịch sử mua sắm, đơn đặt hàng, khiếu nại, theo dõi và quản lý tiến trình bán hàng, thực hiện tương tác với người mua qua e-mail hay thiết bị di động...

Xác định chi phí vận chuyển

Nên tách riêng phần chi phí vận chuyển, sử dụng dịch vụ vận chuyển của bên thứ 3 để tạo thuận lợi cho cả người bán và người mua. Các hãng vận tải lớn sẽ tính toán giá tiền vận chuyển miễn phí và cung cấp mức phí hợp lý. Phần phí sẽ được thể hiện khi khách hàng thực hiện đơn hàng. Nếu muốn cung cấp dịch vụ miễn phí, bạn vẫn nên thể hiện rõ số tiền của dịch vụ này trên hóa đơn để tạo điểm cộng đối với người mua.

Hình ảnh và mô tả sản phẩm

Người mua sắm trực tuyến không được nhìn tận mắt, sờ tận tay, cảm thấy hoặc ngửi thấy sản phẩm. Do đó điều tạo ấn tượng tốt nhất là cung cấp một hình ảnh sản phẩm rõ ràng, sắc nét. Không nhất thiết phải thuê một chuyên gia để có hình ảnh chất lượng cao.

Nhưng để có hình ảnh đẹp, cần thiết kế một chiếc hộp chụp sản phẩm, sử dụng máy ảnh DSLR 16 megapixel cùng hệ thống ánh sáng chiếu từng góc cạnh của sản phẩm.

Đoạn văn mô tả sản phẩm nên ngắn gọn, súc tích nhưng hàm chứa đầy đủ các chi tiết thú vị để khơi gợi sự quan tâm của người đọc. Bên cạnh đó cũng cần những thông tin quan trọng khác như giá cả, kích thước cùng những đặc trưng nổi bật khác.

Hiển thị đánh giá của khách và chia sẻ trên mạng xã hội

Cho khách hàng khả năng nhận xét ​​về sản phẩm của và xếp hạng giúp họ tăng sự tin tưởng về tính khách quan của cửa hàng trực tuyến. Những đánh giá tích cực sẽ giúp lan tỏa uy tín thương hiệu trên truyền thông xã hội, thúc đẩy doanh thu.

Tuy nhiên điều này cũng có mặt trái khi có đối thủ muốn "chơi xấu" hoặc những khách hàng thích "ăn vạ". Do vậy các hãng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử lớn cũng phát triển những tùy chọn cho phép quản trị website có thể gỡ bỏ bình luận không mong muốn hoặc đưa ra những trả lời xác đáng.

Thu hút sự chú ý của khách hàng

Có thể đặt liên kết đến địa chỉ trang web bán hàng trực tuyến ngay trên trang web chính của công ty cũng như trong các bản tin hàng ngày gửi cho khách hàng.

Kèm theo là việc tạo tài khoản đại diện cửa hàng trực tuyến trên Facebook, Twitter, Pinterest và YouTube. Điều quan trọng là các tài khoản này phải được cập nhật thường xuyên những thông tin có ích cho người dùng như khuyến mãi, hàng mới giá rẻ...

Bên cạnh đó cũng cần sử dụng những nhà cung cấp dịch vụ tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO) cho nội dung trên cửa hàng, giúp tăng thứ hạng tìm kiếm trên các trang nổi tiếng như Google, Bing và Yahoo.

Đổi trả hàng hóa

Cần có công cụ tích hợp trên website để biết tiến trình giao dịch, quản lý việc đổi trả và tính phí hoặc miễn phí, thay thế hàng hóa hoặc hoàn tiền, gửi e-mail cho khách hàng về tình trạng hàng đổi trả của họ...

Phân tích mức độ phổ biến

Có thể chọn Google Analytics hay các công cụ báo cáo khác để theo dõi hiệu suất của cửa hàng theo tiến trình thời gian. Thông tin phân tích sẽ chỉ ra có bao nhiêu người đang truy cập cửa hàng và mức độ thường xuyên, địa chỉ và cách thức họ tìm thông tin.

Ngoài ra, bạn còn có thể biết những trang web hướng lượng truy cập đến cửa hàng của mình và những sản phẩm được khách hàng xem xét, chọn mua nhiều nhất hay những mặt hàng kén chọn người xem.