Bà nội trợ nghĩ kế thắt chặt chi tiêu

Theo vnexpress.net

(Tài chính) Thay vì chi tiêu thoải mái không tính toán, giờ đây chị Lan phải lên danh sách từng khoản để kiểm soát chặt nguồn tài chính của gia đình, tránh rơi vào cảnh hụt trước, thiếu sau khi thu nhập ngày càng bấp bênh.

 Kinh tế khó khăn, thu nhập bấp bênh khiến không ít chị em phải lên kế hoạch lập ngân sách và tiết giảm chi tiêu. Nguồn: internet
Kinh tế khó khăn, thu nhập bấp bênh khiến không ít chị em phải lên kế hoạch lập ngân sách và tiết giảm chi tiêu. Nguồn: internet

Chị Lê Thị Mỹ Lan ngụ ở quận 6, TP. Hồ Chí Minh. Trước đây, khi công ty ông xã làm ăn còn khấm khá, thu nhập cũng rất ổn định. Với vị trí trưởng phòng, mỗi tháng anh mang về cho chị không dưới 20 triệu đồng, cộng thêm tiền lương gần 15 triệu của chị nên việc chi tiêu khá thoải mái. "Cứ thích bộ đồ nào là tôi mua ngay không cần đắn đo, suy nghĩ về giá cả", chị nói.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2013 đến nay, công ty anh làm ăn khó khăn, lương bị cắt giảm một phần ba, lại liên tục bị nợ. Thu nhập của chị cũng giảm sút đáng kể. "Số tiền mặt trong nhà luôn hụt trước, thiếu sau khiến hai vợ chồng nhiều lần cãi vã nảy lửa vì chuyện tiền nong", chị cho biết.

Không thể kéo dài tình trạng này, chị quyết định phải kiểm soát chặt chẽ tài chính để không tiêu quá tay. Trước đó, thay vì mỗi tháng chi 3 triệu cho tiền ăn uống của gia đình thì nay tằn tiện. Những cuộc gặp gỡ bạn bè, người quen thay vì dẫn đi quán ăn, nhà hàng giờ chị tổ chức tại nhà. Tuy phải vất vả nấu nướng, dọn dẹp nhưng chị cho biết rẻ hơn nhiều so với việc kéo nhau ra quán. Mỗi lúc muốn sắm bộ đồ nào đó chị cũng cân nhắc rất kỹ về số tiền phải bỏ ra và ...đa phần là không mua. "Nhờ vậy, hàng tháng tôi cũng tiết kiệm được một số tiền kha khá để bỏ vào ống heo, bù trừ cho những lúc thiếu hụt", chị Lan bộc bạch.

Chị Thanh Hương, nhân viên kế toán của một công ty may tại Tân Bình thì lập hẳn một quyển sổ để ghi lại những chi tiêu trong tháng như tiền mua thực phẩm, tiền gas, chi phí đi lại, quần áo, tiền điện thoại, điện nước… Ở danh mục nào chị cũng cố gắng tiết giảm tối đa chi phí để cốt làm sao chi tiêu trong tháng này phải thấp hơn tháng trước, hoặc ít nhất là không vượt. "Những lúc tiền gas tăng thì tôi phải bớt tiền thức ăn. Còn tiền nước nhiều thì phải giảm tiền điện thoại.... Nói chung là phải tính toán, dè xẻn từng đồng", chị tâm sự.

Tương tự, chị Trà My, quận Bình Tân cũng cho hay, trước đó thường vào các trung tâm, siêu thị để mua sắm thì nay có xu hướng tìm kiếm trên mạng để mua hàng giảm giá, hoặc rủ bạn bè mua chung để có được mức giá mềm nhất. Những đợt đi shopping cũng giảm dần. "Những khoản tiết kiệm đó mình dùng để đưa vào ngân sách dự phòng, tức phòng ngừa lỡ một trong hai vợ chồng bị thất nghiệp hoặc ốm đau", chị nói.

Theo các chuyên gia, lập ngân sách cho gia đình sẽ là một công cụ hữu ích giúp kiểm soát được nguồn tài chính, từ đó sử dụng hiệu quả cho các mục đích đã đặt ra. Nhất là trong thời buổi kinh tế khó khăn, nguồn thu nhập bấp bênh thì việc kiểm soát chi tiêu là rất quan trọng. Nó có thể giúp các gia đình tránh được những nguy cơ rơi vào tình cảnh nợ nần chồng chất. Thực tế đã có rất nhiều người không hề biết mình có trong tay bao nhiêu tiền, chỉ tới khi các khoản nợ trở nên quá lớn thì mới giật mình, nhưng lúc đó mọi chuyện đã quá muộn.

Bà Neale S.Godfrey, Giám đốc điều hành ngân hàng dành cho trẻ em đầu tiên trên thế giới (The First Children’s Bank-Mỹ) cho rằng, giáo dục kỹ năng quản lý tài chính cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ là rất cần thiết. Việc này có tác động lớn đến những quyết định tài chính đúng đắn trong tương lai của các em.

"Tuy nhiên, trước khi dạy con kỹ năng quản lý tài chính thì bản thân các bậc bố mẹ phải là người biết lập kế hoạch ngân sách cho gia đình và kiểm soát ngân sách đó hiệu quả", bà nói.

Trong cuộc khảo sát toàn cầu do Visa thực hiện năm 2012 về quản lý tài chính cá nhân tại 28 quốc gia vừa được công bố mới đây, kết quả cho thấy có đến một phần ba số người được hỏi ở Việt Nam không lập ngân sách gia đình để quản lý thu nhập và chi tiêu. Việt Nam xếp thứ 26, chỉ đứng trên Indonesia và Pakistan về số người có lập kế hoạch chi tiêu.