Lên kế hoạch cho tuổi già

Theo Thế giới Gia đình

(Taichinh) - Lúc trẻ, bạn nghĩ thời điểm về hưu còn xa lắm nên cho rằng mình có nhiều thời gian để tiết kiệm. Nhưng thực tế không hẳn vậy. Nếu muốn sống thoải mái khi về già, bạn nên lên kế hoạch ngay từ bây giờ.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ở Việt Nam, một thực tế dễ thấy là các bậc cha mẹ thường hy sinh hết mình vì con. Nhiều người có tâm lý rằng mình lo cho con, sau này già cũng có chỗ nương nhờ. Nhưng cuộc đời đôi khi không bình yên như thế.

Để tránh những trường hợp xấu có thể xảy ra và để có một cuộc sống an nhàn khi bước sang con dốc bên kia cuộc đời, bạn nên chủ động xây dựng cho mình một quỹ tiết kiệm độc lập trong từng giai đoạn ngay từ khi bắt đầu có việc làm.

Từ 18 - 25 tuổi

Đây là thời gian bạn bắt đầu đi làm và tích cóp được nhiều nhất bởi bạn còn độc thân, không phải lo lắng gì nhiều cho gia đình... Do vậy, chỉ cần bạn dành ra khoảng vài năm đầu không tiêu xài cho những khoản lớn như đi du lịch xa, mua sắm những thứ đắt tiền... bạn sẽ có một khoản tiết kiệm ổn định trong ngân hàng.

Việc có một tài khoản tiết kiệm cho riêng mình là điều các bạn trẻ hiện nay nên có. Và nhớ là đừng bao giờ đụng vào khoản tiền đó nếu không có chuyện gì quá nghiêm trọng xảy ra.

Từ 25 - 30 tuổi

Đây là giai đoạn bạn có rất nhiều việc trọng đại cần phải tiêu tiền như kết hôn, mua nhà... Thời gian này, dù phải thắt lưng buộc bụng bạn cũng nên để dành một ít tiền trong tài khoản để phòng có sự cố xảy ra. Sau khi ổn định gia đình, có được sự đồng hành của vợ hay chồng, bạn nên lên kế hoạch kinh doanh để sinh lợi. Nhưng dù vậy, để đề phòng những rủi ro không thể lường trước, bạn vẫn nên duy trì một khoản đủ dùng, nhất là khi bạn đã có con cái.

Ngoài ra, thời gian này nếu có điều kiện bạn nên mua một số loại bảo hiểm cho bản thân cũng như gia đình để đề phòng rủi ro, đó có thể coi là đầu tư lâu dài mà không quá tốn kém.

Từ 30 - 40 tuổi

Đây là thời gian bạn cần xài nhiều nhất, đặc biệt là những khoản lớn như chuyển đến ngôi nhà rộng hơn, cho con đi du học... Những việc này thường đến dồn dập, nếu không lên kế hoạch trước, bạn rất dễ bị thâm hụt tài chính. Lời khuyên là bạn nên ưu tiên cho những việc thật sự cần. Trong đó, việc học tập của con là ưu tiên số 1, những việc khác có thể lui lại. Tâm lý chung của một số người ở giai đoạn này là: Chẳng mấy chốc mình sẽ già nên bây giờ phải hưởng thụ. Tư tưởng đó sẽ khiến bạn “sướng trước khổ sau” đấy!

Từ 40 - 50 tuổi

Bước vào giai đoạn này, nhiều người mới bắt đầu tính chuyện để dành. Nếu bạn đã lên kế hoạch và thực hiện nó lúc trẻ, giờ bạn đã có một khoản không nhỏ để hưởng thụ. Lúc này, con cái cũng đã lớn khôn, chúng có thể phụ giúp bạn những việc lớn cũng như chăm sóc và đền đáp bạn. Ngoài số tiền tiết kiệm trong tài khoản, lương hiện tại... bạn sẽ không vướng bận chuyện cơm áo gạo tiền khi tóc đã chớm sương.

Từ 50 tuổi trở lên

Giờ đây, bạn có thể thoải mái về hưu và hưởng thụ công sức lao động cả đời mình. Bạn có thể cùng vợ hoặc chồng đi du lịch, thăm con cháu... Cuộc sống thoải mái về tinh thần chỉ đến khi bạn thoải mái về vật chất. Do vậy, bây giờ nếu chưa nghĩ đến việc để dành thì bạn hãy bắt đầu đi nhé!