Quản lý chi tiêu trong gia đình trẻ

Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa

(Tài chính) Thực tế cho thấy, vấn đề tài chính luôn nổi lên hàng đầu trong số những nguyên nhân khiến gia đình trẻ rạn nứt, dẫn đến ly hôn.

Ngay từ khi yêu nhau, quyết định đi đến hôn nhân, hai người đã dự liệu về tài chính. Nguồn: internet
Ngay từ khi yêu nhau, quyết định đi đến hôn nhân, hai người đã dự liệu về tài chính. Nguồn: internet

Không chỉ những đôi thu nhập thấp mới gặp khó khăn mà cả những đôi có thu nhập khá cao nhưng nếu không biết cách chi tiêu cũng vẫn bị khủng hoảng như thường.

Lãng mạn không đủ nuôi sống

Có người nghĩ lệ thuộc vào cha mẹ thì đã sao, bởi vì cha mẹ nào chẳng thương con? Nhưng sự phức tạp sẽ nảy sinh do mâu thuẫn của hai thế hệ. Cha mẹ muốn con cái sống theo ý mình, trong khi tuổi trẻ lại có những quan điểm riêng. Khảo sát 68 đôi vợ chồng vừa kỷ niệm “Đám cưới bạc” ở Pháp cho thấy hầu như tất cả các đôi hạnh phúc đều sống tự lập, không dựa vào tài trợ của cha mẹ.

Ngày nay, hầu hết những người trẻ tuổi đều kết hôn bởi tình yêu. Cho nên trong thời kỳ đầu, họ không quan tâm lắm đến cơm, áo, gạo, tiền. Nhiều đôi quản lý tài chính theo phương thức hoàn toàn tự giác. Vợ chồng lĩnh lương về cùng bỏ chung vào một chỗ và cứ lấy cái quỹ chung ấy chi tiêu.

Cuộc sống vợ chồng dù có lãng mạn đến đâu vẫn không thể thiếu những nhu cầu thiết yếu để đảm bảo sự tồn tại của một gia đình nhỏ. Rất nhiều khoản chi dựa trên thu nhập còn hạn chế của những đôi vợ chồng trẻ mới ra riêng. Và một khi luôn phải vay mượn hoặc trông cậy vào sự tài trợ của người thân thì hạnh phúc rất mong manh.

Bài toán kinh tế gia đình

Ngay từ khi yêu nhau, quyết định đi đến hôn nhân, hai người đã dự liệu về tài chính. Thu nhập hàng tháng của anh bao nhiêu? Em bao nhiêu? Đó là tổng thu. Mỗi tháng phải chi những khoản gì? Đó là tổng chi. Nếu chi nhiều hơn thu, ngân sách thâm hụt thì cảnh vợ chồng cãi nhau vì tiền chắc chắn là thường xuyên.

Để khắc phục khó khăn về tài chính trong những gia đình trẻ, tạp chí “Money” của Mỹ giới thiệu phương pháp quản lý tiền trong gia đình của một chuyên gia kinh tế giàu kinh nghiệm như sau:

Mỗi gia đình trẻ ít nhất có 3 thứ quỹ. Thứ nhất là quỹ cơ bản, bao gồm tất cả các khoản thông thường không chi không được như tiền ăn ở, đi lại, may mặc, hiếu hỷ… Thứ hai là quỹ dự phòng, để đối phó với những việc đột xuất như ốm đau, tai nạn.. Quỹ này cũng có ý nghĩa tích lũy để làm những việc lớn như mua nhà, tậu xe, sinh con… Đây là hai quỹ quan trọng nhất bảo đảm sự tồn tại của gia đình và ứng phó với mọi bất trắc. Vì thế, cả hai đều phải đóng góp tùy thuộc vào khả năng tài chánh của mỗi người, phải có sự bàn soạn đi đến thỏa thuận. Tất nhiên đóng góp càng nhiều càng tốt trên tinh thần tự nguyện và bình đẳng, người này không ỷ lại vào người kia.

Sau khi đóng góp vào hai quỹ đó, tiền còn lại là quỹ riêng của mỗi người. Chi tiêu trong quỹ ấy không cần hỏi ý kiến của người kia. Điều này cũng bảo đảm quyền tự do của mỗi người. Nhiều đôi vợ chồng trẻ đã áp dụng phương pháp này rất hiệu quả, những lần cãi nhau vì tiền giảm hẳn đi và hạnh phúc tăng lên.