Nhiều kênh hỗ trợ hợp tác xã tiêu thụ nông sản

Theo Mỹ Hoa/ Báo Cần Thơ

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nên phần lớn sản lượng nông sản do tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) sản xuất gặp khó về tiêu thụ và giá cả giảm mạnh so với cùng kỳ... Để tháo gỡ khó khăn này, các ngành chức năng TP. Cần Thơ đẩy mạnh kết nối tiêu thụ nông sản qua nhiều kênh phân phối, góp phần giảm thiệt hại cho nông dân và HTX trong thời gian giãn cách xã hội.

Thu hoạch rau muống tại một HTX trên địa bàn phường Thới An, quận Ô Môn. Ảnh: Mỹ Hoa
Thu hoạch rau muống tại một HTX trên địa bàn phường Thới An, quận Ô Môn. Ảnh: Mỹ Hoa

Gỡ “nút thắt” về tiêu thụ

TP. Cần Thơ có 142 HTX và hơn 1.286 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, với gần 50.000 hộ thành viên. Song, trước tác động của dịch COVID-19, phần lớn các HTX, tổ hợp tác đều bị đứt gãy chuỗi cung ứng tiêu thụ nông sản, chi phí đầu vào tăng; thiếu cơ sở vật chất để trữ và bảo quản hàng hóa.

Ngoài ra, có gần 80% sản lượng nông sản của nông dân, HTX bán qua khâu trung gian cho thương lái, nên gặp khó về tiêu thụ trong thời gian giãn cách, do thương lái hạn chế thu mua nông sản cũng như việc vận chuyển hàng hóa giữa các địa phương khó khăn, gây phát sinh nhiều chi phí… khiến nhiều HTX nông nghiệp bị giảm trên 50% doanh thu và thị trường tiêu thụ.

Để kịp thời tháo gỡ “nút thắt” này, các ngành chức năng thành phố triển khai nhiều chương trình kết nối cung - cầu, tạo điều kiện để các doanh nghiệp và các tổ chức cũng như thương lái thu mua các mặt hàng nông sản cho nông dân, HTX, nhằm hạn chế tình trạng tồn đọng, ùn ứ nông sản trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách.

Ông Nguyễn Thành Nghi - Giám đốc HTX nông nghiệp Thới Trinh, phường Thới An, quận Ô Môn, cho biết: Hiện HTX có 60 thành viên, chuyên trồng thanh nhãn và nhãn Ido, với tổng diện tích là 47,7ha. Trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách, HTX đã được ngành chức năng quận hướng dẫn đưa hàng hóa ra điểm tập kết, giao cho đơn vị thu mua, đảm bảo đúng theo các yêu cầu phòng, chống dịch. Không chỉ vậy, HTX còn được Sở Công Thương TP Cần Thơ hỗ trợ kết nối với đơn vị thu mua ở tỉnh Tiền Giang, tiêu thụ trên 2 tấn thanh nhãn…

Tính đến thời điểm này, HTX đã thu hoạch dứt điểm 38ha diện tích trồng thanh nhãn, đạt sản lượng trên 400 tấn, với giá bán trung bình từ 16.000-17.000 đồng/kg. Theo ông Nghi, hiện toàn phường Thới An, có 465ha nhãn Ido đang bước vào vụ thu hoạch, ước tính tổng sản lượng sẽ đạt hơn 2.800 tấn.

Để nhãn Ido không bị tồn đọng, HTX đã bố trí kế hoạch thu hoạch theo hướng luân phiên và mỗi ngày sẽ hái từ 2-3 tấn trái để bán cho thương lái, góp phần giúp nhà vườn có được đầu ra ổn định hằng ngày. Song, do ảnh hưởng dịch bệnh, nhu cầu tiêu thụ trái nhãn giảm, khiến giá nhãn Ido xuống thấp chỉ còn 8.000 đồng/kg, giảm hơn 50% so với thời điểm bình thường.

Thêm vào đó, trước đây thương lái thường đến tận vườn thu mua và vận chuyển, nay HTX phải mang hàng ra điểm tập kết, làm phát sinh thêm chi phí vận chuyển. Không chỉ vậy, nhiều nhà vườn trong HTX còn áp dụng mô hình trồng nhãn theo hướng GAP, tốn chi phí sản xuất từ 15-16 triệu đồng/công (1.300m2), mà năng suất thu hoạch chỉ đạt 2 tấn công.

Với mức giá 8.000 đồng/kg nhãn, nhà vườn sẽ không có lời, thậm chí còn lỗ cả công chăm sóc… Vào đầu tháng 9 này, HTX cũng như nhà vườn trồng nhãn Ido, bước vào vụ thu hoạch rộ trên 10 tấn nhãn/ngày, nên rất mong kết nối được với nhiều doanh nghiệp, đơn vị thu mua cũng như các kênh phân phối hiện đại để HTX bán được nhãn với giá cao hơn hiện giờ, nhằm giúp nông dân giảm bớt thiệt hại, ổn định sản xuất vượt qua đại dịch.

Kết nối theo hướng đa kênh

Theo ông Nguyễn Quốc Hội - Phó Chủ tịch Liên minh HTX TP Cần Thơ, trong tháng 8/2021, Liên minh HTX TP Cần Thơ đã làm cầu nối, hỗ trợ cho 15 HTX, tổ hợp tác sản xuất lúa gạo, trồng nhãn, chanh không hạt, củ cải trắng, nuôi lươn thịt,… đăng ký tham gia chương trình kết nối tiêu thụ nông sản của Liên minh HTX Việt Nam.

Phần lớn, các tổ hợp tác, HTX tham gia kết nối đều sản xuất nông sản theo hướng an toàn và có chất lượng cao, với năng lực cung ứng trung bình từ 1-10 tấn nông sản/tuần, nhiều nhất là trái nhãn, gạo an toàn và rau củ các loại. Cùng với sự trợ lực của thành phố, nhiều HTX đã chủ động sản xuất theo hướng an toàn, bố trí kế hoạch thu hoạch và tìm kiếm thị trường tiêu thụ theo hướng đa kênh, từng bước giải quyết đầu ra nông sản cho hộ thành viên và nông dân.

Ông Lê Thăng Long - Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Tấn Phát, xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Hiện HTX có 20 thành viên, nuôi lươn theo hướng có bùn và không bùn, với tổng diện tích trên 1ha, có khả năng cung cấp từ 400-500kg lươn thịt/ngày, chủ yếu là lươn loại 1 (có trọng lượng từ 250 gram/con), giá từ 180.000-200.000 đồng/kg; thị trường tiêu thụ của HTX chủ yếu là các chợ đầu mối trong và ngoài thành phố, nhưng từ khi TP Cần Thơ và nhiều tỉnh trong vùng ĐBSCL thực hiện giãn cách xã hội, các chợ truyền thống… ngưng hoạt động, HTX gần như không bán được hàng.

Theo ông Long, để các thành viên duy trì diện tích và sản lượng sản xuất, HTX đã vận động các hộ nuôi, áp dụng tốt quy trình nuôi lươn theo hướng VietGAP, để lươn thịt đạt chất lượng cao và có thể neo lại chờ thu hoạch sau giãn cách, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thị trường.

Cùng đó, HTX tích cực tranh thủ sự hỗ trợ của ngành chức năng tại địa phương và Liên minh HTX thành phố đăng ký thông tin về tình hình sản xuất và khả năng cung ứng lươn thịt của HTX trên cổng thông tin kết nối cung - cầu của Liên minh HTX Việt Nam. Hiện, HTX dịch vụ nông nghiệp Tấn Phát đã được chuỗi hệ thống siêu thị Bách Hóa Xanh đặt nhu cầu kết nối tiêu thụ lươn thịt... trong thời gian tới.

Việc áp dụng tốt quy trình sản xuất GAP, kết hợp tìm kiếm các thị trường tiêu thụ nông sản theo hướng đa kênh, sẽ tạo điều kiện cho các HTX tìm được đầu ra thị trường cho thành viên. Cùng đó, sự vào cuộc của các ngành chức năng trong việc kết nối cung - cầu, sẽ góp phần thúc đẩy các HTX mở rộng quy mô sản xuất, trở thành nhà cung cấp nông sản cho các kênh truyền thống cũng như hệ thống phân phối hiện đại.

Để nông sản không bị tồn đọng, lưu kho dẫn đến thiệt hại kinh tế cho nông dân và HTX, Liên minh HTX Việt Nam đã phối hợp với các ngành và các địa phương triển khai nhiều chương trình, đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng nông sản; đồng thời, tăng cường khuyến khích các HTX, tổ hợp tác và doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (sàn postmart.vn); Tổng công ty CP Bưu chính Viettel (sàn voso.vn) và cổng thông tin điện tử kết nối cung- cầu sản phẩm tại địa chỉ: http://lmhtxvnmart.com.vn/; tổ chức liên kết tiêu thụ theo vùng, khu vực và tiêu thụ nội địa.