Nhu cầu tăng, kinh doanh xe đạp đắt khách mùa dịch

Theo Trang Anh/congthuong.vn

Dịch Covid-19 xuất hiện đã gây ra nhiều thay đổi trong đời sống của mọi người, nhất là thói quen rèn luyện và bảo vệ sức khỏe bản thân với nhiều hình thức tập luyện khác nhau. Trong đó, đạp xe đang là xu hướng, điều này đã góp phần kích hoạt thị trường xe đạp Việt Nam phát triển.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã khiến nhiều ngành nghề và hoạt động mua bán bị đình trệ nhưng nhu cầu sử dụng xe đạp tăng đột biến. Việc hạn chế đi lại, không tập trung nơi đông người và các phòng tập thể thao đóng cửa khiến nhu cầu sử dụng xe đạp tăng vọt.

Nhiều người cũng chú ý hơn tới việc tăng cường thể lực để phòng chống dịch bệnh. Nhờ đó, lượng xe đạp bán ra tại nhiều cửa hàng tăng mạnh, thậm chí luôn trong tình trạng "cháy hàng".

Tại nhiều cửa hàng kinh doanh xe đạp ở Hà Nội, việc mua bán khá sôi động. Chị Trần Thị Phương, chủ một cửa hàng xe đạp ở Hà Đông (Hà Nội) - cho biết, Covid-19 đã làm thay đổi thói quen của nhiều người.

Các phòng tập gym, yoga phải đóng cửa, việc hạn chế đi lại khiến nhiều người cảm thấy cuồng chân trong khi nhu cầu về các hoạt động ngoài trời vẫn cao. Hơn nữa, việc đi lại bằng phương tiện công cộng như xe bus cũng được hạn chế do tâm lí mọi người hạn chế tiếp xúc nơi công cộng kéo theo nhu cầu sử dụng xe đạp bỗng tăng đột biến. Điều này cũng khiến giá xe đạp tăng khoảng 10 - 20% so với mọi năm, song nhiều người vẫn sẵn sàng chi từ vài triệu cho đến hàng chục triệu đồng để sở hữu một chiếc xe đạp.

"Trước đây, các mẫu xe đạp thường bán khá chậm, nhất là vào đỉnh điểm nắng nóng mùa hè nhưng năm nay, kể từ khi dịch bệnh bùng phát, lượng xe tiêu thụ lại lên đến vài chục chiếc một ngày, tăng gấp đôi so với mọi năm. Thêm nữa, lượng khách mua xe đạp tăng vọt một phần bởi đây là phương tiện “xanh sạch”, cộng với ảnh hưởng của dịch bệnh khiến kinh tế khó khăn nên nhiều người chuyển sang sử dụng xe đạp để bớt chi phí như tiền xăng, phí bãi đỗ xe,... lại tốt cho sức khỏe", chị Phương cho hay.

Được biết, phần lớn người mua thường chọn những dòng xe tầm trung, giá dao động từ 3,5 triệu đến - hơn 7 triệu đồng/chiếc. Những dòng cao cấp hơn có giá từ 10 - 30 triệu đồng/chiếc, thậm chí lên đến 70 - 80 triệu đồng/chiếc.

Từ sau khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, phòng tập gym buộc phải đóng cửa để phòng dịch, anh Nguyễn Trung Nam (Hoàng Mai, Hà Nội) đã quyết định tậu chiếc xe đạp để duy trì thói quen tập thể dục, rèn luyện sức khoẻ của mình. Anh Nam cho biết đã mua chiếc xe đạp mới hơn 10 triệu đồng để duy trì thói quen tập luyện, sau đó dùng để di chuyển những khoảng cách trong bán kính khoảng 10km khi cần thiết.

Trước đây, người đi xe đạp ở thành thị thưa vắng, trừ những người thường xuyên tập luyện thể thao bằng xe đạp, thì nay phương tiện này lại được nhiều người ưa chuộng. Không khó để bắt gặp người đi xe đạp và xu hướng này ngày càng nhiều, với đủ mọi lứa tuổi, từ người già, trẻ em đến giới trẻ trên các con phố ở Thủ đô.

Theo đại diện hệ thống Aeon Việt Nam cho biết, năm 2020 đơn vị đã ghi nhận sự tăng trưởng rõ rệt trong mảng kinh doanh xe đạp, tiêu thụ xe đạp có thời điểm đã tăng khoảng 200% - 300% so với năm trước và sẽ tiếp tục duy trì trong năm 2021.

Tuy nhiên, nhiều đơn vị kinh doanh xe đạp cho biết, dù có những thời điểm doanh số mặt hàng này tăng cao, nhưng dịch Covid-19 không phải là yếu tố chính kích hoạt thị trường xe đạp Việt Nam. Triển vọng bùng nổ của thị trường này đã được nhen nhóm trong khoảng 3 - 4 năm trở lại đây, mà chưa hoàn toàn bứt phá là do thị trường xe đạp thiếu sự hiện diện của các chuỗi bán lẻ chuyên nghiệp, vận hành bởi đa số các tiểu thương nhỏ lẻ.

Theo đó, các chuyên gia cho rằng, thị trường xe đạp Việt Nam có tiềm năng về dài hạn. Trong bối cảnh mới, khi kinh tế phát triển, thu nhập bình quân của người dân tăng, nhu cầu đạp xe tăng cường sức khỏe sẽ mở rộng, ngành xe đạp cũng sẽ phát triển theo. Xu hướng đô thị hóa ngày càng lớn, các khu dân cư mới được xây lên, hạ tầng giao thông đường bộ phát triển, làn đường dành cho xe đạp cũng sẽ được thiết lập cùng với sự chú trọng của Chính phủ cho cuộc sống xanh.

Thêm vào đó, tắc nghẽn giao thông sẽ được giải quyết bằng hệ thống giao thông công cộng, mật độ xe máy sẽ giảm dần tại các khu trung tâm. Phương tiện đi lại quãng đường ngắn như xe đạp sẽ là sự lựa chọn tối ưu.

Các mạng lưới chia sẻ xe đạp dùng công nghệ và ngành xe đạp nói chung sẽ có ảnh hưởng tích cực. Những điều này cho thấy, thị trường xe đạp Việt Nam sẽ phát triển bùng nổ, định hướng cho lối sống xanh, phát triển kinh tế xanh một cách bền vững ở Việt Nam trong tương lai.

Trong ngắn hạn, thị trường xe đạp Việt Nam được dự báo vẫn duy trì mức tăng trưởng tốt do nhu cầu tăng cao của người dùng. Thị trường này vẫn sẽ chịu tác động từ dịch Covid-19 và ảnh hưởng đến mức chi tiêu của khách hàng và nguồn cung hàng hóa toàn cầu.