Nội thất thông minh: Xu hướng tiêu dùng mới

Theo Nhất Nam/dautubds.baodautu.vn

Thị trường nội thất đang nóng dần với cuộc đua của các doanh nghiệp để tạo ra các sản phẩm nội thất thông minh.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nhu cầu tăng “chất” cuộc sống

Theo nhận định của giới chuyên gia, sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động mạnh mẽ đến mọi ngành nghề, lĩnh vực của xã hội. Trong lĩnh vực bất động sản, xu hướng xây dựng thành phố thông minh đang dần được chú ý trên thế giới và Việt Nam, trong đó “tế bào” tạo dựng nên thành phố chính là các ngôi nhà, công trình xây dựng.

Theo các chuyên gia, với sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo (AI), kết nối vạn vật (IoT)…, cùng với đời sống kinh tế - xã hội ngày một nâng cao, nhu cầu sử dụng nội thất thông minh dần trở thành nhu cầu thiết yếu với nhiều người tiêu dùng. Trong lĩnh vực bất động sản, nhu cầu hiện nay không chỉ là một căn nhà để ở, mà còn là nơi để hưởng thụ cuộc sống, để nghỉ ngơi và thư giãn.

Nắm bắt xu hướng tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh nội thất đã nghiên cứu, cho ra đời những sản phẩm thông minh và các sản phẩm này nhanh chóng được người tiêu dùng ưa chuộng.

Nhiều sản phẩm nội thất nhỏ gọn, đa chức năng, phù hợp nhiều loại diện tích căn hộ, căn phòng ra đời. Khi đó, hạn chế về diện tích nhỏ hay không gian chật hẹp sẽ không còn được chú ý nữa.

Ông Đoàn Quang Hưng, Trưởng phòng Makerting, Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế và Xây dựng V-Home cho biết, nội thất thông minh du nhập vào Việt Nam khoảng gần chục năm nay. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, công nghệ sản xuất của Việt Nam chưa thực sự phát triển để sản xuất được các sản phẩm này, nên đa số phải nhập khẩu.

Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ đã tác động lớn đến lối sống của đại bộ phận người dân, nhất là thế hệ trẻ, họ luôn sống năng động, tiện nghi. Hơn nữa, nhu cầu về nhà ở ngày một cao, trong trong khi đáp ứng được còn hạn chế, nên đã hình thành xu hướng “đa trong một". Ông Lê Đức Thắng, Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế và Xây dựng V-Home

Ngoài ra, sản phẩm này trước đây chưa phổ biến do thói quen và văn hóa của người tiêu dùng Việt. Chưa kể, vì sản phẩm mới, nên người tiêu dùng Việt chưa tin vào sự an toàn của sản phẩm. Do vậy, thị trường sản phẩm nội thất thông minh không phát triển trong thời gian dài tại Việt Nam.

“Lúc đầu, chúng tôi định hướng đến đối tượng khách hàng có căn hộ nhỏ, nhưng khi đi vào thực tế thì thấy, định hướng của mình bị sai, vì chủ nhân của những căn nhà đó không đủ điều kiện tài chính. Do đó, chúng tôi đã thay đổi tư duy kinh doanh và hướng đến những đối tượng khách hàng phù hợp hơn cho sản phẩm của mình, chủ yếu là khách hàng trung, cao cấp và nhu cầu ngày càng cao”, ông Hưng cho biết.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, nhân viên bán hàng Công ty Nội thất Xếp gọn cũng cho biết, đối tượng khách hàng của nội thất thông minh khu vực TP. Hồ Chí Minh đa phần là những người có thu nhập trung bình khá trở lên, căn hộ của họ chủ yếu từ 50 - 100 m2. Hiện tại, thị trường này đang phát triển và nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng cao. Tuy nhiên, do mỗi căn nhà có thiết kế không gian khác nhau, trong khi công ty chỉ đưa ra sản phẩm đại trà, mang tính định hình chung, chứ không “may đo” riêng cho từng căn hộ, nên không đáp ứng hết được nhu cầu.

“Thị trường nội thất thông minh tại TP. Hồ Chí Minh đang phát triển khá nhộn nhịp. Hiện nay, có nhiều đơn vị cạnh tranh trong thị trường này”, bà Thủy nói.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Ngọc Cường, Giám đốc Kinh doanh Công ty Nhà Xinh, mỗi một dòng đều có ưu nhược điểm riêng. Chẳng hạn, dòng thông minh, các phụ kiện như ray, bản lề… nhanh xuống cấp, dễ hỏng hơn so với nội thất thiết kế truyền thống, do sử dụng cho 2 - 3 công năng. Ngoài ra, dòng nội thất thông minh chỉ phù hợp với diện tích nhà, căn hộ vừa và nhỏ, vì người ta mua để tiết kiệm không gian. Chưa kể, giá cả cũng là một vấn đề, trong khi mẫu mã chưa đa dạng như nội thất truyền thống.

Trong khi đó, nội thất thông thường lại không có tính đa năng, tích hợp tiết kiệm diện tích như nội thất thông minh. Chất liệu sản xuất gần như giống nhau, trong khi giá cả khác nhau, khó cho người tiêu dùng lựa chọn.

Trong tương lai, nội thất thông minh sẽ là xu hướng và sẽ chiếm lĩnh thị trường. Tuy nhiên, dòng nội thất này ở Việt Nam chưa có điều kiện phát triển mạnh đến mức sản phẩm đa chức năng tự “biến hình” theo yêu cầu, ngữ cảnh, lập trình, mà hiện vẫn sử dụng sản phẩm dùng tác động cơ học để thay đổi công năng sản phẩm.

Ông Ngụy Thanh Vĩ, Trưởng phòng Truyền thông Công ty cổ phần Gỗ An Cường cho biết, nội thất thông minh, hay nội thất tối giản, tích hợp đa chức năng đang là xu thế của cuộc sống hiện tại. Hiện nay, An Cường có nhiều sản phẩm kiểu này, như bàn làm việc có thể mở rộng hoặc thu nhỏ, tủ… với giá cả hợp lý, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Trong tương lai không xa, nội thất thông minh sẽ chiếm vị trí dẫn đầu ở Việt Nam. Việc này đã xảy ra trên thị trường thế giới và với sự phát triển như hiện nay, Việt Nam không phải ngoại lệ.

Hài hòa giữa truyền thống và hiện đại

Theo nhận định của giới chuyên gia, người tiêu dùng Việt Nam đã hình thành thói quen khi mua đồ nội thất là “thấy tận mắt, sờ tận tay”. Tuy nhiên, điểm yếu của các doanh nghiệp nội chính là hệ thống phân phối còn rất mỏng do không kham được chi phí cao. Cùng với việc sản phẩm, mẫu mã còn đơn điệu, thì việc thiếu quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đánh vào thói quen của người tiêu dùng cũng là một hạn chế.

Với góc độ một nhà phân phối sản phẩm, đại diện Công ty TNHH Hoàng Nam, chủ chuỗi Siêu thị nội thất Phố Xinh cho biết, thực tế, nhiều sản phẩm vật liệu nội thất Việt Nam có chất lượng khá tốt, bền bỉ với thời gian. Tuy nhiên, hình thức sản phẩm và vấn đề định vị thương hiệu cần phải cải tiến nhiều.

“Người tiêu dùng có thể bỏ ra một số tiền cao hơn vài lần chỉ để mua một sản phẩm có thương hiệu quen thuộc, vì họ cảm thấy tin tưởng hoặc cảm thấy dùng sản phẩm nội thất này căn nhà của họ sẽ sang trọng hơn. Đồng thời, một yếu tố nữa các doanh nghiệp cần quan tâm là dịch vụ chăm sóc khách hàng, chế độ bảo hành sản phẩm phải hoàn thiện hơn”, vị này nhận định.

“Các doanh nghiệp nội thất Việt Nam cần nhanh chóng tìm kiếm cơ hội bắt tay với các nhà phân phối chuyên nghiệp để có được thị phần tại sân nhà. Bên cạnh đó, việc hợp tác với doanh nghiệp ngoại sẽ giúp doanh nghiệp Việt nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã, đáp ứng được thị hiếu và nhu cầu của người dùng Việt Nam”, ông Vĩ cho biết.

Cũng theo nhận định của các chuyên gia, sự phát triển là xu hướng tất yếu, nhưng không vì thế mà phá bỏ những truyền thống. Đặc biệt, với việc xây dựng thành phố thông minh, đô thị thông mình cần phải cân đối hài hòa giữa truyền thống và hiện đại để bảo tồn, gìn giữ được bản sắc riêng vốn có của mỗi địa phương trên toàn quốc.