Nông sản gặp khó trong tiêu thụ do dịch Covid-19

Theo H.Lan/ Báo Sóc Trăng

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lây lan nhanh trong cộng đồng, nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15 (một số địa phương trong tỉnh áp dụng Chỉ thị số 16) của Thủ tướng Chính phủ. Do vậy, việc lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố và nội tỉnh gặp không ít khó khăn, đã kéo theo việc tiêu thụ nông sản của nông dân tỉnh Sóc Trăng “khó càng thêm khó”. Thương lái ngoài tỉnh không còn đến các địa phương trong tỉnh để thu mua nông sản, người dân trồng cây ăn trái, sản xuất rau, màu... "đứng ngồi không yên" vì đầu ra bị ách tắc.

Nhiều loại rau màu của nông dân Đại Tâm rớt giá, rất khó tìm đầu ra. Ảnh: H.Lan
Nhiều loại rau màu của nông dân Đại Tâm rớt giá, rất khó tìm đầu ra. Ảnh: H.Lan

Theo thông tin từ Phòng Kinh tế TX. Vĩnh Châu, địa phương có trên 280ha nhãn xuồng, trong đó có khoảng 260ha đang trong giai đoạn cho trái. Hiện nay trên địa bàn TX. Vĩnh Châu đang vào mùa nhãn xuồng với sản lượng trên 2.300 tấn (thu hoạch trong tháng 7 và tháng 8).

Tuy nhiên, do địa phương xuất hiện các ca nhiễm SARS-CoV-2 ngoài cộng đồng nên phải thực hiện giãn cách xã hội, từ đó ảnh hưởng đầu ra nặng nề, trái nhãn đã chín rộ nhưng không bán được hoặc bán với số lượng rất ít vì thị trường tiêu thụ bị ách tắc.

Hiện giá bán tại vườn chỉ dao động từ 10.000 - 15.000 đồng/kg (tùy loại), giảm gần một nửa so với mùa vụ cùng kỳ. Trước thực trạng đó, các phòng, ban ngành, hội, đoàn thể thị xã cũng đã vào cuộc hỗ trợ người dân tiêu thụ nhưng số lượng không đáng kể.

Cùng cảnh ngộ như trên, nhiều người trồng cây ăn trái tại huyện Cù Lao Dung cũng có một mùa thất thu do khâu tiêu thụ bị ách tắc. Theo thông tin từ Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung Nguyễn Văn Đắc, trên địa bàn huyện hiện có gần 4.500ha cây ăn trái các loại, chủ yếu là nhãn, thanh long, ổi… Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên giá cả các loại cây ăn trái của địa phương cũng bị ảnh hưởng, như nhãn Idor chỉ còn khoảng 7.000 đồng/kg, so với trước giảm 8.000 đồng/kg.

"Trong thời gian tới, nhiều loại cây ăn trái khác của Cù Lao Dung cũng sẽ bước vào giai đoạn thu hoạch nhưng tình hình dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát thì giá cả các mặt hàng nông sản, trong đó có trái cây rất khó tăng, bà con nông dân trong huyện đang lo lắng" - đồng chí Nguyễn Văn Đắc cho biết thêm.

Ngoài cây ăn trái thì rau, màu các loại đang gặp khó trong khâu tiêu thụ. Theo ghi nhận của chúng tôi, xã Đại Tâm (Mỹ Xuyên) là địa phương chuyên trồng các loại cây màu chủ lực được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến như: bông hẹ, hành lá, bắp cải, dưa leo, rau cải các loại được trồng quanh năm, bình quân cho lợi nhuận từ 25 - 30 triệu đồng/ha.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, mọi thứ đã tác động tiêu cực đến việc tiêu thụ các mặt hàng nông sản của người dân nơi đây. Sản phẩm không có đầu ra, thị trường tiêu thụ hạn hẹp, dẫn đến nông sản liên tục rớt giá, dù đến ngày thu hoạch nhưng nhiều hộ phải đành cắt bỏ chịu lỗ vốn.

Điển hình như trường hợp của ông Lý Ên, ở ấp Đại Nghĩa Thắng (xã Đại Tâm), cứ cách 2 ngày gia đình lại thu hoạch được một đợt hẹ bông, mỗi đợt được khoảng 30kg, trung bình mỗi ký có giá gần 20.000 đồng.

Nhưng từ khi Sóc Trăng có ca nhiễm ngoài cộng đồng, các tỉnh thực hiện giãn cách xã hội, ông không bán được nông sản vì các vựa rau đã ngừng thu mua, do không xuất bán được, khiến giá giảm mạnh và hiện chỉ còn 8.000 đồng/kg. Ông Ên tặc lưỡi xót, nếu bỏ thì uổng mà thu hoạch thì tiền bán không đủ bù tiền công. Giờ chỉ mong dịch bệnh được đẩy lùi, mọi thứ trở lại bình thường thì người dân mới hết khó khăn.

Còn ông Hiền cũng ở xã Đại Tâm có gần 2 công rẫy trồng cải phụng, nay đã đến ngày thu hoạch mà không có đầu ra. Ông rất lo lắng vì không có nguồn vốn tái sản xuất cho vụ tiếp theo. “Mấy niên vụ trước, giá của cây màu luôn ổn định, nên người dân trồng màu đủ sống, có lợi nhuận chút đỉnh. Riêng năm nay, các vựa thu mua đóng cửa gần hết, một số nơi chỉ mua cầm chừng nên người dân coi như mất trắng” - ông Hiền bộc bạch.

Nếu như người trồng màu thất thu, lo lắng thì các chủ vựa rau cũng đứng ngồi không yên và phải cho hàng chục công nhân nghỉ việc. Theo bà Trầm Thị Đền - chủ vựa rau Dũng Đền ở xã Đại Tâm, toàn xã có trên 10 vựa chuyên thu mua rau màu các loại. Trước khi có dịch, trung bình mỗi ngày mỗi vựa rau của gia đình bà Đền thu mua hàng chục tấn các loại rau màu, vận chuyển lên các chợ đầu mối tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận để tiêu thụ. Bây giờ, do ảnh hưởng của dịch bệnh, các chợ đầu mối hầu hết đều đóng cửa, nên vựa của bà cùng nhiều vựa khác trên địa bàn xã tạm thời cũng ngừng thu mua.

Để góp phần thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp trong thời điểm ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì ngành nông nghiệp đặt ra mục tiêu là ưu tiên thị trường nội địa thông qua kết nối thu mua nông sản giữa các địa phương, doanh nghiệp và bà con nông dân, nhằm giảm bớt gánh nặng đầu ra nông sản cho nông dân.

Bên cạnh đó, với trách nhiệm của mình, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục chủ động làm tốt công tác tham mưu với UBND tỉnh, phối hợp với các sở, ban ngành tỉnh và địa phương có giải pháp hiệu quả hơn trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, trong đó chú trọng đẩy mạnh áp dụng quy trình cấp mã số vùng trồng; kiểm dịch, xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết chuỗi, mô hình chuỗi cung ứng nông sản an toàn thực phẩm khép kín… nhằm góp phần đảm bảo, ổn định giá, thị trường tiêu thụ nông sản thuận lợi hơn cho người dân trong thời gian tới.