Phụ nữ khởi nghiệp trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Theo Nguyễn Sỉu/baodansinh.vn

“Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới tại Việt Nam xác định mục tiêu từ năm 2020, tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp đạt từ 35% trở lên. Năm 2025, khoảng 20.000 phụ nữ được khởi sự doanh nghiệp. Tuy nhiên, để hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp thành công trong thời kỳ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 còn rất nhiều trăn trở cần phải nghiên cứu và có giải pháp cụ thể”

Năm 2025, khoảng 20.000 phụ nữ được khởi sự doanh nghiệp. Nguồn: internet
Năm 2025, khoảng 20.000 phụ nữ được khởi sự doanh nghiệp. Nguồn: internet

Đó là những băn khoăn được TS. Trương Minh Đức – Trường Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ tại Hội thảo “Doanh nghiệp nữ trong cách mạng công nghiệp 4.0” diễn ra tại Hà Nội vào ngày 18/10.

5 phụ nữ Việt Nam thì có 4 phụ nữ muốn khởi nghiệp

Tinh thần và mong muốn khởi nghiệp của phụ nữ trong nước khá cao, cứ 5 phụ nữ qua khảo sát thì có 4 muốn khởi nghiệp. Phụ nữ Việt Nam có tinh thần khởi nghiệp cao khi Việt Nam được đánh giá là quốc gia có Chỉ số tinh thần khởi nghiệp (AESI) đứng số 1 thế giới (nghiên cứu tại diễn đàn khởi nghiệp trẻ 2017).

 Trong một nghiên cứu được Facbook ủy quyền cho tổ chức nghiên cứu thị trường Development Economics và YouGov thực hiện trong năm 2017 với 2.000 mẫu khảo sát trực tuyến dành cho người trưởng thành cho thấy 80% phụ nữ Việt Nam muốn thành lập doanh nghiệp. Số trang trên Facebook do phụ nữ sở hữu chiếm 40% tổng số trang và có tốc độ tăng trưởng lên tới trên 60% một năm.

Tại Việt Nam, số lượng trang do nữ doanh nghiệp sở hữu tăng 2,6 lần so với năm vừa qua. Doanh nghiệp do nữ làm chủ và lãnh đạo tại Việt Nam, chiếm tới 25% trong tổng số khoảng 600.000 doanh nghiệp đang đóng góp cho tăng trưởng kinh tế và tạo công ăn việc làm cho người lao động tại Việt Nam. Trong các doanh nghiệp Việt Nam, hiện nữ giới chiếm khoảng 30% các vị trí quản lý cấp cao và gần 14% các vị trí trong hội đồng quản trị.

Chia sẻ về kết quả nghiên cứu xu hướng sử dụng mạng xã hội để khởi nghiệp của phụ nữ TS. Vũ Thị Minh Ngọc – Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, xu hướng thương mại điện tử đã kéo theo nhiều mô hình kinh doanh mới cho phụ nữ, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới đang bước vào kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

“Cách mạng 4.0 khiến chi phí khởi sự doanh nghiệp đã giảm so với trước đây; nhiều doanh nghiệp ngày nay hoạt động trên Internet; việc điều hành doanh nghiệp có thể được thực hiện từ nhà; hoạt động marketing cũng dễ dàng hơn và với chi phí thấp hơn trước. Đa số doanh nghiệp đều đang sử dụng kênh tiếp thị/marketing trên mạng xã hội; và việc tiếp cận vốn đầu tư cũng đã dễ dàng hơn bao giờ hết đối với phần lớn doanh nghiệp. Đối với nhiều phụ nữ Việt Nam mạng xã hội vừa là nơi lý tưởng để họ kinh doanh vừa là công cụ giúp họ khởi nghiệp”- TS Vũ Thị Minh Ngọc cho biết.

Nhiều thách thức với doanh nghiệp nữ

Trong phiên thảo luận các đại biểu cho rằng, phụ nữ đã tham gia lãnh đạo, làm chủ tại hơn 30% tổng số các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu của khu vực châu Á, đứng thứ 6 trong số các quốc gia /khu vực có tỷ lệ doanh nghiệp nữ cao nhất. Tuy nhiên, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và cực nhỏ, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ. Trong bối cảnh mới, trong đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với đặc trưng cơ bản như dữ liệu lớn, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo kết hợp giữa thế giới thực và ảo... đang và sẽ tác động sâu sắc, toàn diện đến sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp do nữ làm chủ.

Theo bà Elizabeth Dewi, Đại học Parahyangan, Indonesia: Phụ nữ hiện vẫn đang gặp phải những rào cản trong xã hội như: Định kiến về giới, về sự tham gia lãnh đạo doanh nghiệp của phụ nữ hay năng lực chuyên môn trong xã hội: “Để bỏ qua định kiến đó không chỉ chú ý đến giới mà cần chú ý đến năng lực. Tôi nghĩ năng lực và khả năng là điều tiên quyết để phụ nữ vượt qua các định kiến, và khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp. Phụ nữ phải nâng cao năng lực của mình, tham gia các buổi tọa đàm, thảo luận cùng với nam giới”, bà Elizabeth Dewi nói.

Thạc sỹ Phạm Thị Hạnh, Học Viện phụ nữ Việt Nam cho rằng, doanh nhân nữ Việt Nam cần hội tụ 7 nhân tố để khởi nghiệp thành công gồm: Mở rộng các mối quan hệ, sự hỗ trợ từ gia đình, kiến thức và kinh nghiệm quản lý, động lực thúc đẩy sự khởi nghiệp, niềm tin và dám mạo hiểm, đổi mới sáng tạo và kiến thức về công nghệ thông tin. Đặc biệt, các doanh nhân nữ muốn khởi nghiệp thành công trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, cần có kiến thức kỹ thuật công nghệ cao, có nền tảng kiến thức công nghệ thông tin tốt.

Các doanh nhân nữ luôn cần đổi mới và sáng tạo trong mọi lĩnh vực từ mô hình kinh doanh đến các sản phẩm đưa ra thị trường. Đặc biệt là cần thấy rõ những hạn chế về giới tính để lựa chọn hình thức kinh doanh và sản phẩm sao cho phù hợp với sở trường. Bên cạnh đó, cần có niềm tin vào bản thân và dám mạo hiểm chấp nhận rủi ro có thể đem lại để có thể đương đầu với những khó khăn trong giai đoạn mới là giai đoạn cách mạng công nghệ 4.0.