Tác động của phần mềm kế toán đến hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Đồng Nai

Bài viết được đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 1 tháng 4/2020

Nghiên cứu này nhằm kiểm tra tác động của phần mềm kế toán và hệ thống thông tin kế toán đối với hiệu quả hoạt động của 100 doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Đồng Nai, với các yếu tố như: Độ tin cậy, Cung cấp thông tin nhanh chóng và Chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp đến hiệu quả hoạt động.

Với tiến bộ của khoa học kỹ thuật phần mềm kế toán dựa trên web cho các DNNVV có thể được truy cập từ bất cứ đâu.
Với tiến bộ của khoa học kỹ thuật phần mềm kế toán dựa trên web cho các DNNVV có thể được truy cập từ bất cứ đâu.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, cung cấp thông tin nhanh chóng có tác động lớn nhất đến hiệu quả hoạt động, tiếp đến là độ tin cậy, gói phần mềm và hệ thống thông tin kế toán (AIS) có ảnh hưởng ảnh hưởng đến các thông tin báo cáo tài chính và có tác động đến chiến lược kinh doanh trong của doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Đồng Nai. Qua đó, tác giả đưa ra các khuyến nghị với các nhà quản lý doanh nghiệp cần lựa chọn phần mềm phù hợp, đầu tư nâng cấp trang thiết bị máy tính cho bộ phận kế toán nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và quản lý tốt hơn.

Giới thiệu

Theo Cục Thống kê tỉnh Đồng Nai, tính đến ngày 31/12/2018, toàn Tỉnh có 17.801 DN, trong đó, DN nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm chủ yếu. Các DN này đóng vai trò quan trọng trong tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, cải thiện thu nhập cho người lao động, đóng góp vào ngân sách nhà nước và tăng trưởng kinh tế. Với môi trường cạnh tranh gay gắt như hiện nay thì các DNNVV cần cải thiện hệ thống thông tin kế toán (AIS) để phù hợp với nhu cầu thông tin nhanh và chính xác nhằm hỗ trợ người quản lý đưa ra quyết định nhanh chóng.

Tác động của phần mềm kế toán đến hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Đồng Nai - Ảnh 1

Với tiến bộ của khoa học kỹ thuật phần mềm kế toán dựa trên web cho các DNNVV có thể được truy cập từ bất cứ đâu bởi nó lưu trữ dữ liệu tài chính kinh doanh trực tuyến và dữ liệu được bảo mật. Các phần mềm này số hóa dữ liệu tài chính và có thể truy cập từ mọi nơi bằng điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính xách tay và máy tính để bàn. Đồng thời, cho phép các chủ DN xem xét kỹ lưỡng các khoản lãi, lỗ và các khía cạnh tài chính khác trong hoạt động kinh doanh.

Hiện nay, trong lĩnh vực kế toán đối với các DNNVV có các phần mềm kế toán nổi bật như: Misa Sme.Net 2019, Fast, Effect, AsiaSoft, AccNet và các phần mềm kế toán trực tuyến như: Amis, Cloud AccNetC, VACOM, Sinnova,  Metadata... Các phần mềm kế toán này có khả năng quản lý tất cả các khía cạnh tài chính của DN, trên cơ sở  là một công cụ được tích hợp với MS Excel tạo điều kiện cho việc phân tích dữ liệu và tạo báo cáo. Đây là cơ sở dữ liệu để đưa ra các quyết định nhằm đem lại hiệu quả trong hoạt động kinh doanh.

Cở sở lý thuyết và mô hình nghiên cứu

Phần mềm kế toán và AIS có tác động tích cực đến các DNNVV thông qua việc thích ứng tốt hơn với sự thay đổi của môi trường, quản lý tốt hơn các giao dịch kinh tế với mức độ cạnh tranh cao (Daw Hla, 2015). Thiết kế phù hợp của AIS hỗ trợ các chiến lược kinh doanh theo cách tăng hiệu quả hoạt động đã được đề cập trong nghiên cứu của Daw Hla (2015).

Wickramsainghe và ctg (2017) khẳng định, việc tăng đầu tư AIS sẽ là đòn bẩy để DN phát triển mạnh mẽ hơn, linh hoạt hơn trước những thay đổi của môi trường kinh doanh. Sự kết hợp giữa chiến lược kinh doanh nhạy bén và các thông tin nhanh chóng có được từ AIS sẽ góp phần vào hoạt động hiệu quả. Theo Daw Hla (2015), chất lượng CNTT trong kế toán là thước đo đa chiều, điều quan trọng là xác định các khía cạnh nào là quan trọng đối với các tổ chức để giúp các nhà quản lý thực hiện các chiến lược cải thiện chất lượng hệ thống thông tin hiệu quả mà nguồn lực khan hiếm có thể được phân bổ hiệu quả hơn.

Tác động của phần mềm kế toán đến hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Đồng Nai - Ảnh 2

Nghiên cứu này thực hiện khám phá mối liên kết giữa chất lượng các phần mềm kế toán (chất lượng hệ thống, chất lượng thông tin, chất lượng dịch vụ) đến hoạt động hiệu quả của các DNNVV tại Đồng nai, với các biến như: độ tin cậy, cung cấp thông tin nhanh chóng và chiến lược kinh doanh của DN (Wickramsainghe và ctg, 2017). Các giả thuyết được đặt ra như sau:

H1: Gói phần mềm trong AIS có ảnh hưởng đến các tính năng định tính của thông tin kế toán. Phần mềm kế toán có ảnh hưởng đến độ tin cậy (TC) của thông tin trên báo cáo tài chính.

H2: Gói phần mềm và AIS có ảnh hưởng đến việc cung cấp thông tin nhanh chóng và hiệu quả các số liệu kế toán (NC).

H3: Gói phần mềm và AIS ảnh hưởng đến các thông tin báo cáo tài chính và có tác động đến chiến lược kinh doanh trong tương lai của DN (CL).

Kết quả nghiên cứu

Trong số 100 đối tượng được khảo sát là nhân viên, quản lý kế toán thông qua bảng câu hỏi được gửi thư điện tử thông qua công cụ Google.docs để thu thập dữ liệu khảo sát từ 100 DNNVV có sử dụng phần mềm kế toán tại Đồng Nai. Tiêu chí để xác định DNNVV trong bài viết được căn cứ vào số lao động tham gia bảo hiểm xã  hội bình quân năm không quá 200 người và có tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng, hoặc tổng doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng (Nghị định số 39/2018/NĐ-CP).

Nghiên cứu sử dụng một số phương pháp phân tích dữ liệu được áp dụng khá phổ biến trong các nghiên cứu thuộc lĩnh vực kinh tế- xã hội như: đánh giá độ tin cậy của các thang đo, phân tích nhân tố khám phá (EFA) và phân tích hồi quy tuyến tính với phần mềm xử lý dữ liệu SPSS 20.

Kết quả cho thấy, có 63% là nữ và 37% là nam. Phần lớn số người được hỏi đã làm việc tại DN của họ từ 6 đến 10 năm chiếm 41% (41 người), ít hơn 10 năm là 37%, và tỷ lệ còn lại là trên 10 năm. Trong các đối tượng này có 35% là kế toán trưởng hoặc phụ trách kế toán, 36% là Bộ phận bán hàng và marketing và 29% là kế toán viên. Những kết quả trên cho thấy, hầu hết những người được hỏi có sự hiểu biết thấu đáo về phần mềm kế toán được sử dụng tại DN của họ. Độ tin cậy của thang đo được thể hiện qua Bảng 1.

Tác động của phần mềm kế toán đến hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Đồng Nai - Ảnh 3

Kết quả kiểm định hệ số tương quan cho thấy, hệ số Sig giữa các biến độc lập (NC, TC, CL) với biến phụ thuộc (HQHĐ) đều nhỏ hơn 0.05. Điều này chứng tỏ các giá trị của biến độc lập đủ điều kiện để tác giả thực hiện các bước tiếp theo. Ngoài ra, Sig giữa các biến độc lập đều lớn hơn 0.05, kết luận các biến này không có tương quan với nhau hay không xảy ra hiện tượng đa cộng tuyến giữa các biến giải thích. Bảng 2 cho thấy F= 21.300 với mức ý nghĩa Sig = 0,000 <0,05 cho thấy, mô hình hồi quy tuyến tính bội xây dựng là phù hợp với bộ dữ liệu thu thập được.

Bảng 3 cho thấy, cả 3 biến đều có ý nghĩa thống kê và có tác động tích cực đến hiệu quả kinh doanh của các DNNVV. Hệ số biến Hiệu quả, nhanh chóng (NC) có tác động nhiều nhất (Beta=0,335), nghĩa là trong trường hợp các yếu tố khác không thay đổi nếu yếu tố hiệu quả nhanh chóng tăng lên một đơn vị thì hiệu quả hoạt động sẽ tăng lên 0,335 đơn vị. Yếu tố độ chính xác, tin cậy (TC) có tác động thứ hai (Beta=0,237), nghĩa là trong trường hợp các yếu tố khác không thay đổi nếu yếu tố độ chính xác, tin cậy tăng lên một đơn vị thì hiệu quả hoạt động sẽ tăng lên 0,237 đơn vị. Có mức tác động thứ ba (Beta=0,286) là yếu tố gói phần mềm và AIS ảnh hưởng đến các thông tin báo cáo tài chính và có tác động đến chiến lược kinh doanh trong tương lai của DN (CL). Nghĩa là, trong trường hợp các yếu tố khác không thay đổi nếu yếu tố này tăng lên một đơn vị, thì hiệu quả hoạt động sẽ tăng lên 0,286 đơn vị. Ba nhân tố đều có hệ số beta chuẩn hóa dương chứng tỏ các nhân tố này nếu được kiểm soát, hoàn thiện và quản lý tốt sẽ có tác động tích cực đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của các DNNVV.

Kết luận

Kết quả nghiên cứu cung cấp bằng chứng về tác động to lớn của việc cung cấp thông tin nhanh chóng và hiệu quả các số liệu kế toán đến hiệu quả hoạt động của các DNNVV, nhất là trong tình trạng khoanh vùng và hạn chế di chuyển dịch vì bệnh Covid-19 hiện nay. Các DNNVV chỉ cần một nhân viên kế toán có mặt tại DN để nhập liệu, còn lại các dữ liệu tài chính sẽ được cập nhật và cho phép người dùng cuối có thể trích xuất các dữ liệu để xử lý các báo cáo theo yêu cầu quản lý của DN.

Những lợi thế cho thấy, cách quản lý công việc kế toán bằng phần mềm trong thời gian ngắn nhưng có thể lưu trữ mọi nghiệp vụ kinh tế một cách kịp thời. Tuy nó không thay thế vai trò của các nhà quản lý kế toán trong việc tổ chức tài chính của công ty, nhưng có đóng góp to lớn vào hiệu quả hoạt động của các DNNVV. Do đó, phần mềm kế toán giúp cho nhân sự tại bộ máy kế toán được gọn nhẹ, nhưng vẫn đảm bảo việc cung cấp thông tin một cách kịp thời góp phần giúp các nhà quản trị ra các quyết định kinh doanh trong tương lai.

Với những ưu điểm do phần mềm kế toán mang lại, nhà quản lý các DNVVN nên chú trọng đến vấn đề tin học hóa bộ phận kế toán. Cụ thể, nên lựa chọn phần mềm kế toán phù hợp với điều kiện hoạt động kinh doanh của mình, cũng như đầu tư các trang thiết bị CNTT; quan tâm đến đội ngũ kế toán viên, các kế toán viên cần được trang bị cả kiến thức kế toán và các kỹ năng CNTT cần thiết để có thể tiết kiệm thời gian làm việc, cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động của DN.   

Tài liệu tham khảo:
1. Daw Hla, S. P. (2015), Efficiency of Accounting Information System and Performance Measures. International Journal of Multidisciplinary and Current Research;
2. Wickramsainghe D.M.J., RMMD Pemarathna, NHK Cooray and TDSH Dissanayake (2017), “Impact of accounting software for Business Performance”. Imperial Journal of Interdisciplinary Research (IJIR) Vol-3, Issue-5, 2017 ISSN: 2454-1362, http://www.onlinejournal.in;
3. Devaraj, S., & Kohli, R. (2003), Performance impacts of information technology: Is actual usage the missing link?. Management science, 49(3), 273-289;
4. Kearns, G. S., & Lederer, A. L. (2004), The impact of industry contextual factors on IT focus and the use of IT for competitive advantage. Information & Management, 41(7), 899-919;
5. Osei-Bryson, K. M., & Ko, M. (2004), Exploring the relationship between information technology investments and firm performance using regression splines analysis. Information & management, 42(1), 1-13;
6. Melville, P., & Mooney, R. J. (2004, July). Diverse ensembles for active learning. In Proceedings of the twenty-first international conference on Machine learning (p. 74).