Khéo léo dạy con về tiền bạc và cuộc sống

Theo taichinhcuatoi.vn

(Tài chính) Rất ít, thậm chí không có trẻ nào được học cách thức quản lý tiền bạc một cách chính thức mà thường là do quan sát từ những người lớn xung quanh mình. Trẻ nên được dạy cách quản lý tiền bạc một cách có trách nhiệm bằng cách cho chúng những kinh nghiệm thực tế.Khi trẻ được 6 tuổi, bạn đã có thể bắt đầu dạy bé về việc quản lý tài chính bằng những hình thức thú vị.

 Khéo léo dạy con về tiền bạc và cuộc sống
Rất ít, thậm chí không có trẻ nào được học cách thức quản lý tiền bạc một cách chính thức mà thường là do quan sát từ những người lớn xung quanh mình. Nguồn: internet

Giàu và nghèo

Năm nay Hoa lên 7 tuổi, cô bé rất thích con búp bê Barbie của Nhung (bạn hàng xóm cùng tuổi) và cứ nằng nặc đòi mẹ mua cho mình một con giống hệt như vậy. Mẹ Hoa là công nhân xí nghiệp, còn ba của cô bé là thợ sửa máy và một món đồ chơi đắt tiền như vậy thật là quá xa xỉ so với thu nhập của gia đình.

Vấn đề đặt ra: Việc giải thích cho trẻ hiểu được rằng những món đồ chơi vượt quá ngân quỹ thì khó mà được đáp ứng, và rằng không phải bất kỳ đòi hỏi nào cũng được chấp nhận. Bước thứ hai là giải thích sự khác biệt giữa những thứ mà gia đình có thể mua được và những thứ khó có thể, điều này cũng giúp bạn giải thích cho trẻ hiểu sự chênh lệch về tài chính giữa gia đình này với gia đình kia.

Giải pháp của mẹ bé Hoa: Cuối cùng Hoa cũng có được con búp bê Barbie sau… hai năm. Mẹ Hoa đã thỏa thuận cùng bé, sẽ dành món tiền lì xì tết, phần thưởng trong trường, và không mua các món đồ chơi khác để mua con búp bê này.

Phụ cấp hàng tháng

Lan cũng lên 6 tuổi, mỗi tuần nếu cô bé biết dọn dẹp ngay ngắn đống đồ chơi của mình, mẹ cô bé sẽ bỏ vào ống heo cho cô 2.000 đồng. Lan rất quý trọng món tiền nhỏ này của mình và nhất quyết không sử dụng chúng.

Vấn đề đặt ra: Những người biết tiết kiệm, dù cẩn thận đến đâu, cũng cần phải biết đến chuyện phải dùng chính tiền của mình một lúc nào đó.

Giải pháp của mẹ Lan: Khi bà mua  cho Lan một cái ba lô mới, giá  là 45.000 đồng, bà đề nghị Lan “hùn” 5.000 đồng và cô bé đã vui vẻ và tự hào vì đã tự sắm cho mình một vật dụng cần thiết.

Tiết kiệm

Năm nay Tuấn lên 10, chưa bao giờ cậu quan tâm đến việc tiết kiệm khoản tiền mình có. Vào những ngày tết, sinh nhật, Tuấn được ông bà, chú dì cho một khoản tiền. Tuấn dùng tiền ấy để mua những gì mình thích hoặc mua quà tặng bạn bè. Mẹ Tuấn cho rằng Tuấn chưa thật sự hiểu biết về tiền bạc và muốn dạy cậu tính tiết kiệm.

Vấn đề đặt ra: Cách duy nhất để trẻ cảm thấy thích trong việc tiết kiệm là biết cách khuyến khích chúng. Nếu trẻ thật sự muốn mua một món đồ nào đó, bạn nên nhắc con không nên phung phí hết tất cả số tiền mình có. Có thể yêu cầu con để cha mẹ giữ tiền giúp hoặc bỏ ống heo.

Cách xử lý của gia đình: Cả nhà cùng đồng ý thay vì sử dụng tiền vào việc mua quà, ba mẹ Tuấn sẽ giữ tiền và thêm vào để cả gia đình cùng đi du lịch Nha Trang vào dịp hè. Cậu còn được mẹ cho một ít tiền để xài riêng trong chuyến đi này.

Không phải muốn là được

Bất cứ khi nào đi phố cùng mẹ, Dũng cũng đòi mua hết thứ này đến thứ khác.

Vấn đề đặt ra: Cha mẹ phải cho con biết: không thể đáp ứng tất cả những yêu cầu của con.

Cách giải quyết: Trước khi đi mua sắm, mẹ và Dũng đã thoả thuận: không mua đồ chơi nếu nó không có trong danh mục mua sắm kỳ này. Nếu làm được điều này Dũng sẽ được thưởng một món ăn hoặc một món đồ chơi không đắt tiền. Có khi mẹ Dũng cho cậu được tự chọn mua một món đồ nhưng trong giới hạn cho phép. Sau nhiều lần như vậy,  Dũng đã đắn đo hơn trong việc mua sắm.

Khuyến khích tính độc lập

Hương 14 tuổi được mẹ cho 20.000đ/tuần. Nhưng cô bé hơi lúng túng với khoản trợ cấp mới của mình vì không biết phải xài chúng như thế nào. Hương nói với mẹ chỉ cần 5.000 đ/tuần là đủ nếu đem theo hết số tiền thế kia cô sợ mình sẽ xài phung phí.

Vấn đề đặt ra: Cách tốt nhất để có thể nhận ra con bạn có phải là người biết cách chi tiêu hay không là cứ tiếp tục giao số tiền trợ cấp hàng tuần. Điều bạn cần ở đây là để trẻ được tự do thương thảo với cha mẹ về những khoản chi để trẻ có cảm giác chính mình là người đưa ra quyết định chi tiêu như thế nào.

Cách giải quyết của mẹ Hương: Hướng dẫn Hương chi tiêu số tiền ấy như thế nào, để ra một khoản dự phòng chi dùng vào những lúc cần thiết: gọi điện thoại, giúp đỡ bạn bè đột xuất khi gặp khó khăn…

Khi mà việc cho trẻ được xài tiền là điều không thể tránh khỏi, cách tốt nhất là nên hướng dẫn trẻ biết cách xài như thế nào mới là điều các bậc cha mẹ cần quan tâm.