Mẹo hay cho người có chế độ ăn riêng khi đi du lịch

Theo vnexpress.net

(Tài chính) Những người có chế độ ăn chay, ít đường và tinh bột (low carb), mẫn cảm với gluten cần có lưu ý nhất định để luôn đảm bảo sức khỏe khi đi du lịch.

Thị trường hiện nay có nhiều nơi cung cấp thực phẩm chay chế biễn sẵn. Nguồn: vnexpress.net
Thị trường hiện nay có nhiều nơi cung cấp thực phẩm chay chế biễn sẵn. Nguồn: vnexpress.net

Trong những chuyến đi mới, việc khó khăn với người có chế độ ăn chính là lựa chọn kỹ lưỡng các thực phẩm mang theo. Việc này sẽ giúp họ luôn tràn đầy năng lượng trong suốt hành trình. Dưới đây là một số lưu ý cho người có chế độ ăn nhất định khi đi du lịch.

Chế độ cho người ăn chay

So với các chế độ ăn khác thì người ăn chay thường dễ tìm đồ ăn hơn. Tuy nhiên để đảm bảo sức khỏe trong mỗi chuyến đi, bạn nên chuẩn bị thêm thực phẩm khô như ruốc nấm, muối vừng... Những món này sẽ làm bữa ăn của các bạn thêm phong phú hơn và cung cấp đủ năng lượng cho bạn.

Chế độ cho người ăn low carb

Low carb là chế độ ăn cắt bỏ hoàn toàn thức ăn bột đường nhưng thoải mái với các loại đồ ăn giàu protein và chất béo. Các nhóm thực phẩm cần kiêng là cơm, bánh mì, bánh ngọt, khoai tây, các loại hạt như vừng, điều, đậu, lạc, hoa quả, đồ ăn nhanh...

Thực phẩm nên mang theo: Phô mai dây, trứng luộc, thịt bò khô, xúc xích, chanh, gạo lức.

Lưu ý: Bạn có thể ăn bất cứ khi nào cảm thấy đói.

Chế độ cho người bị các bệnh đường ruột, dạ dày

Những người mắc các bệnh đường ruột và dạ dày khi chế biến thực phẩm cần giảm các loại gia vị như hạt tiêu, ớt bột, các loại rau gây đầy hơi như cải bắp, súp lơ, các thực phẩm chiên rán... Ngoài ra cần kiêng các loại đồ ăn lạnh, các thức ăn có axit cao như dưa muối, kim chi, cà phê, đường tinh luyện, thực phẩm đóng hộp...

Thực phẩm nên mang theo: Bánh mì bánh quy, đồ nếp, bột sắn. Bạn cũng có thể mang thêm gừng, hạt thì là, trà bạc hà. Đây là những loại thực phẩm giúp bạn chống lại cơn đau dạ dày.

Lưu ý: Không nên ăn quá no, nhai kỹ và nuốt chậm.

Chế độ cho người mắc các bệnh tiểu đường

Nguyên tắc cơ bản của những bệnh nhân tiểu đường là hạn chế chất bột đường để tránh tăng đường huyết sau khi ăn. Ngoài ra cần hạn chế chất béo đặc biệt là các axit béo bão hòa. Do vậy chế độ ăn này thường phải ổn định để cung cấp đủ lượng đường cần thiết. Các thực phẩm cần tránh là đồ chiên rán, ăn vừa phải chất béo, ít chất đường, đủ các loại vitamin, muối khoáng và hạn chế uống rượu.

Thực phẩm nên mang theo: Các loại ngũ cốc thô, sữa. Bạn có thể bổ sung thêm rau xanh tại các điểm ăn trên đường đi.

Lưu ý:  Trước khi đi ngủ nên sử dụng thức ăn phụ như một hộp sữa hay một lát dưa hấu...

Chế độ cho người mẫn cảm với gluten (bệnh celiac)

Những người mẫn cảm với gluten hay mắc bệnh celiac là người bị dị ứng với chất đạm (gluten) trong lúa mạch đen, yến mạch và sữa. Nếu sử dụng các sản phẩm chứa gluten sẽ phát sinh các bệnh về hệ miễn dịch và nguy hiểm hơn là ung thư máu. Do vậy các sản phẩm bạn cần kiêng tuyệt đối là bánh mì, bánh ngọt, các sản phẩm chứa gluten trong thành phần.

Thực phẩm nên mang theo: Khoai, ngô, thịt hộp, xúc xích, lạp xưởng... Tại các điểm ăn trên đường du lịch, bạn có thể ăn thêm trái cây, rau xanh, cơm, đậu nành...

Lưu ý: Mặc dù có nhiều loại thực phẩm bạn được phép sử dụng nhưng vẫn nên kiểm tra nhãn mác. Có nhiều loại vẫn chứ gluten trong thành phần.

Chế độ cho người ăn kiêng hạn chế chất béo

Chế độ ăn hạn chế chất béo thường dành cho những người mắc các bệnh về gan, mật, cao huyết áp. Do vậy khẩu phần ăn thường thấy là thực phẩm chứa đạm, đường và các loại rau xanh. Các thực phẩm cần kiêng là thực phẩm chiên rán, nước sốt nhiều chất béo, lòng đỏ trứng, nội tạng động vật, hải sản, trứng cá, dầu và các chất béo bổ sung, đồ uống cồn có chứa đường tinh luyện, thịt và pho mát qua chế biến...

Thực phẩm nên mang theo: Các loại ngũ cốc nguyên hạt như (yến mạch, gạo lức, mè đen..), sữa tách kem không đường, trái cây, rau xanh.

Lưu ý: Không ăn tối quá muộn với các thực phẩm chứa nhiều đạm.

Chế độ ăn cho người ăn kiêng hạn chế calo

Chế độ này thường được nhiều người giảm cân áp dụng. Đặc điểm của phương pháp này là ăn ít calo và lượng calo đốt cháy nhiều hơn lượng tiêu thụ trong ngày. Do vậy bạn nên hạn chế các thực phẩm chiên rán, chất béo, dầu, đường bổ sung, nước thịt, nước sốt...

Thực phẩm nên mang theo: Bỏng ngô mặn, ngũ cốc, sữa tách béo, dưa chuột. Tại các điểm dừng chân có chợ bạn cũng có thể mua thêm các loại trái cây và sữa chua.

Chế độ cho người ăn kiểm soát natri

Chế độ ăn kiểm soát natri thường dành cho những người bị huyết áp cao, sung tim sung huyết, xơ gan, thận và tim mạch... Với chế độ ăn này, bạn nên tránh các món ăn có sử dụng mì chính, muối, tỏi, hành, cần tây, một số thực phẩm chế biến sẵn như viên nước hầm cô đặc, nước thịt, nước sốt, các loại nước hầm viên...

Thực phẩm nên mang theo: Ngũ cốc nguyên vỏ, cà rốt, dừa, sữa, phô mai tươi, trứng (bạn có thể luộc sẵn),

Lưu ý: Trong những chuyến đi dài ngày phải nấu ăn bên ngoài, bạn nên mang theo các loại thảo dược hoặc gia vị thay vì muối và mì chính để tăng hương vị cho món ăn.

Lưu ý chung:

Bạn nên chuẩn bị đồ ăn trước mỗi chuyến đi. Tùy vào từng chế độ mà bạn lựa chọn đồ ăn sao cho phù hợp. Tốt nhất nên mang theo các thực phẩm để được lâu và tiện dụng. Trường hợp không tìm được đồ ăn đúng khẩu vị bạn có thể tự chế biến trước ở nhà.

Tìm hiểu trước điểm đến và có thể gọi điện tới khách sạn, nhà nghỉ nơi bạn dừng chân để hỏi về các tiệm ăn theo chế độ như nhà hàng chay, các cửa hàng thực dưỡng...

Trường hợp đi cùng cả đoàn vào quán ăn bất kỳ, bạn hãy nhờ đầu bếp chế biến riêng cho mình. Như vậy bạn vừa không bị đói, vừa có thể hòa nhập được không khí của cả đoàn.

Một số hãng máy bay có cung cấp dịch vụ suất ăn cho từng chế độ. Bạn hãy hỏi thêm thông tin khi đặt chỗ.

Khi mua các sản phẩm chế biến sẵn, cần đọc kỹ thành phần trước khi quyết định.